Bắc Kạn nỗ lực giảm nghèo bền vững

Theo dangcongsan.vn 22/05/2017 18:00

Bắc Kạn là tỉnh miền núi vùng cao nằm ở vùng Đông Bắc Bắc bộ, có địa hình tự nhiên không thuận lợi, dân tộc thiểu số chiếm trên 86%, nền kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung của cả nước. Vì vậy công tác giảm nghèo được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng hàng đầu.

Ảnh minh họa.

Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai đồng bộ 13 dự án, chính sách lớn về giảm nghèo, trong đó có 6 chính sách giảm nghèo chung; 7 dự án, chính sách giảm nghèo đặc thù (thực hiện tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn) nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo; tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao nhận thức, năng lực giảm nghèo.

Cùng với việc triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách riêng để hỗ trợ, khuyến khích các hộ nghèo phát triển các giống cây trồng vật nuôi phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao như phát triển đàn lợn nái Móng Cái, trồng cây quýt, hồng không hạt, cây dong riềng, trồng rừng… Tổng các nguồn vốn bố trí thực hiện Chương trình giảm nghèo từ năm 2011 đến năm 2015 khoảng gần 4.000 tỷ đồng.

Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách đã tác động tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.

Tỷ lệ hộ nghèo từ 32,13% năm 2011 giảm xuống còn 11,63% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 4,09%. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 16,93% năm 2011 xuống còn 7,91% cuối năm 2015 (bình quân mỗi năm giảm 1,8%). Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm từ 49,05% năm 2011 xuống còn 19,54% năm 2015 (giảm 29,51%, bình quân mỗi năm giảm 5,9%).

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh nhưng kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn; tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao; đời sống của nhân dân, nhất là dân cư ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Theo kết quả tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 41,4% (hộ nghèo chiếm 29,4%, hộ cận nghèo chiếm 12%). Đây là số hộ không chỉ có mức thu nhập thấp mà còn thiếu hụt nhiều chỉ số về tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin...

Đánh giá về nguyên nhân khách quan là do điều kiện kinh tế - xã hội chung của tỉnh còn nhiều khó khăn trong khi nguồn lực đầu tư của Chương trình giảm nghèo còn hạn chế.

Về chủ quan là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giảm nghèo chưa thực sự sâu sát, chưa gắn kết chặt chẽ giữa giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở còn bất cập về trình độ, năng lực.

Công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình giảm nghèo chưa thực sự sâu rộng, kịp thời, chưa có nhiều đổi mới nên hiệu quả chưa cao, còn nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm trong công tác giảm nghèo. Việc động viên, khuyến khích người dân chủ động, tự vươn lên thoát nghèo chưa được quan tâm đúng mức nên một số ít người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Việc huy động nguồn lực của cộng đồng chưa được phát huy.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên trên, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XI đã đề ra 4 nhiệm vụ trong tâm, trong đó có nhiệm vụ: Nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn, giảm nghèo nhanh và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân làm, nhà nước hỗ trợ”.

Theo đó, trong tháng 5 năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân từ 3,5 - 4%/năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Bắc Kạn đã và đang tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo.

Hàng năm, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã phải đăng ký phấn đấu mục tiêu giảm nghèo; đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí bình xét thi đua đối với cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các địa phương.

Tăng cường vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng thôn/bản trong việc đề xuất lựa chọn, thi công, quản lý, giám sát đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; đồng thời làm tốt công tác đối thoại giảm nghèo, tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí, người dân để kịp thời phát hiện và khắc phục những sai sót, khó khăn, vướng mắc trong công tác giảm nghèo.

Xây dựng các quy định để khuyến khích sự tham gia của người dân về các hoạt động giảm nghèo, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả. Chuyển dần phương thức hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện (cho vay); từ hỗ trợ đầu vào trong sản xuất sang hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nêu gương, động viên, khen thưởng kịp thời những hộ nghèo điển hình trong việc thoát nghèo phát triển kinh tế bền vững, đồng thời phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo.

Xây dựng các chuyên mục phóng sự phát trên truyền hình địa phương và phát thanh tại cơ sở tuyên truyền về các cách thoát nghèo cho nhân dân. Sắp xếp bố trí và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp nhất là ở cơ sở, đảm bảo có đủ trình độ, năng lực để lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo.

Tập trung phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương để phát triển các loại cây trồng vật nuôi phù hợp với khí hậu, đất đai, điều kiện của hộ.

Duy trì và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả để luân chuyển cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia, khuyến khích người dân phát triển sản xuất tạo ra các sản phẩm có giá trị, thương hiệu phục vụ nhu cầu thị trường.

Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết từ sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm tạo thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp để người nghèo tham gia; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật sản xuất sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu tiêu dùng để nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn, đặc biệt là các hộ nghèo.

Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo, tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm, giáo dục định hướng xuất khẩu lao động.

Phát triển các khu công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ, du lịch để người nghèo được tham gia làm việc nâng cao thu nhập. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất; ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận dịch vụ thông tin.

Huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt phát triển kinh tế hàng hóa ở các huyện nghèo; xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo.

Gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nhằm huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai Chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt coi trọng vai trò của cấp cơ sở, đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc giám sát và đánh giá.

Tổ chức đánh giá kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo chính xác, chất lượng, phản ánh đúng thực trạng tại địa phương; rà soát, thống kê, cập nhật, lưu trữ đầy đủ số liệu về giảm nghèo làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch hỗ trợ chính sách giảm nghèo đa chiều. Xây dựng chỉ tiêu giám sát ở cấp xã, thôn bản cho phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắc Kạn nỗ lực giảm nghèo bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO