Bài 2: Khi lượng không đi cùng chất

Bài sau: Đừng định lượng văn hóa 15/07/2015 09:20

Hiện nay, theo thống kê, có khoảng trên 11 nghìn đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Nếu tính trung bình, mỗi đơn vị này có 10 thôn, bản hay tổ dân phố thì con số sẽ lên đến trên 110 nghìn, và theo quy định thì sẽ có từng ấy nhà văn hóa cộng đồng (gọi tắt là nhà văn hóa- NVH) đã, đang và sẽ được xây dựng lên.

>> Bài 1: Nhà văn hóa thôn - thừa và thiếu

Cỏ dại mọc um tùm.

“Ngủ” nhiều hơn… “thức”!

Quy chế về xây dựng, tổ chức, hoạt động về tiêu chí của NVH đã được Bộ VHTT&DL ban hành trong thông tư 06/2011/TT-BVHTTDL, ngày 8/3/2011. Ngoài việc tạo không gian sinh hoạt văn hóa, hội họp, phổ biến các chủ trương… thì NVH được xây dựng còn với mục đích khôi phục lại nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian vốn đã mai một của cộng đồng, nhất là ở khu vực miền núi. Tuy nhiên, những lãng phí kép về không gian văn hóa cũng đã được nhìn thấy ngày càng rõ.

Đơn cử như ở Bắc Kạn - một tỉnh miền núi phía Bắc, với nhiều dân tộc sống đan xen. Hiện nay, Bắc Kạn có 120 xã, phường, thị trấn. Ước tính đến nay, Bắc Kạn đã có đến cả nghìn NVH (người dân hay gọi là nhà họp thôn) được đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên trong một đợt khảo sát gần đây, thì việc xây dựng những NVH này đều không đúng qui cách. Hiện nay, ngoài việc không đạt chuẩn theo quy định (200 chỗ ngồi với NVH xã, 80 chỗ ngồi với NVH thôn) thì các NVH này còn thiếu các trang thiết bị theo quy định để hoạt động, thiếu yếu về quản lý của cán bộ chuyên ngành. Chính vì thế mà rất nhiều NVH xây xong cho có, chỉ để báo cáo thành tích. Hơn thế NVH chỉ mở cửa khi có những sự kiện lớn, còn thì chủ yếu là phục vụ các đợt tập huấn về kĩ thuật trồng trọt nào đó.

Chung cảnh với các NVH, các điểm bưu điện - văn hóa xã trên địa bàn Bắc Kạn hiện cũng đang thể hiện những bất cập, không thu hút được người dân do việc xuống cấp, thiếu sách, báo…

“Vênh” giữa hiện đại và truyền thống

Trong nhiều chuyến công tác, chúng tôi cũng đã mục sở thị tại các tỉnh Tây Nguyên, hiện đã có hàng trăm NVH cộng đồng được dựng lên. Trong đó có nhiều NVH đã được đầu tư với kinh phí từ 100 đến 150 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay, theo khảo sát và thống kê, rất nhiều NVH này hoạt động cầm chừng, nhiều NVH đã rơi vào tình trang bỏ hoang.

Theo một khảo sát gần đây, hiện Đắk Lắk đã xây dựng được gần 600 NVH trên tổng số 608 buôn của đồng bào các dân tộc. Với con số lý tưởng này, NVH của Đắk Lắk đã được coi “phủ sóng” tới trên 90% buôn, thôn của tỉnh.

Tuy nhiên, đợt khảo sát này cũng cho thấy, chỉ có 30% số NVH, thôn tổ chức tốt các hoạt động, thực hiện tốt vị trí, chức năng và nhiệm vụ. 70% số NVH còn lại được cho là hoạt động trung bình, yếu hoặc không hoạt động.

Ghi nhận ở tỉnh Khánh Hòa cho thấy, ngoài các NVH được xây dựng tại tỉnh thì cách đây vài năm, Khánh Hòa cũng được đầu tư 1,6 tỷ đồng để xây dựng 4 ngôi nhà dài tại huyện miền núi Khánh Sơn.

4 nhà dài, với chi phí 400 triệu đồng cho một nhà nơi đây không phải là ít. Sau một thời gian lựa chọn, phác thảo, 4 nhà trên đã được định hình tại 4 thôn là A Pa 2 (xã Thành Sơn), Tà Gụ (xã Sơn Hiệp), Tà Lương (thị trấn Tô Hạp) và Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc). Tuy nhiên, ngay sau khi khánh thành, đi vào hoạt động thì 4 nhà dài này đã nhanh chóng rơi vào tình trạng ngủ vùi, cỏ dại lấn lướt.

Các chuyên gia văn hóa đã phân tích, có rất nhiều nguyên nhân để tạo ra những yếu kém này nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn được cho là do kiến trúc NVH hiện đại không phù hợp với sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào. Đơn cử như dân tộc M’Nông, NVH cộng đồng lại làm bằng bê tông cốt thép, kiểu dáng nhà dài của dân tộc Ê Đê nên bà con thấy xa lạ, không thích đến.

Tương tự, kiến trúc nhà dài Ê Đê cũng được áp đặt cho NVH cộng đồng buôn Cư Ðrăng, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), trong khi đồng bào Cư Đăng là người dân tộc Xê Ðăng gốc ở Kon Tum. Nhiều NVH cộng đồng xây dựng xa khu dân cư, không điện, không đường vào, còn trong khu dân cư thì diện tích quá hẹp, không đủ tổ chức các hoạt động đông người.

Hơn thế, cũng do cách làm quan liêu, theo tiêu chí mỗi buôn/bon/làng xây 1 NVH cộng đồng nên có những thôn được xây tới 3 NVH cộng đồng - tại nhiều địa phương, trong 1 thôn có nhiều buôn làng.

Giữa đô thị cũng “lõm” NVH

Theo thống kê, hiện Bắc Ninh có 731 làng và khu phố, tuy nhiên tỉnh này mới có 475 NVH (trên 50%) hoạt động độc lập; còn lại gần 300 làng, khu phố phải kết hợp các hoạt động văn hóa với những công trình khác. Những công trình NVH trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều được coi là có quy mô nhỏ. Nhiều NVH được xây dựng từ nhiều năm trước bằng các nguồn kinh phí khác nhau, nhưng chủ đạo là từ các nguồn xã hội hóa.

Vì thế nếu áp chuẩn thì hiện trong số 475 NVH kể trên, có tới 321 NVH chưa đạt chuẩn về diện tích sử dụng theo qui định của Bộ VHTT&DL. Vậy đập đi xây mới hay sử dụng lại cơ sở cũ- đó cũng đang là một trăn trở không nhỏ của chính quyền và người dân nơi đây.

Thực trạng thừa và thiếu NVH cộng đồng, nghịch lý thiết chế văn hóa… cũng đang diễn ra giữa Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi đã nhiều lần đề cập tới vấn đề này trong những bài viết về việc lãng phí nhà hát, lãng phí bảo tàng…; sự chênh lệch trong đầu tư văn hóa giữa nội thành và ngoại thành. Xin đơn cử một ví dụ như hiện tại phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, riêng Khu dân cư số 1 với 400 hộ dân song không hề có NVH. Vì thế, những sinh hoạt chung thường xuyên phải tổ chức họp tại nhà dân.

Tình trạng chơi trội xây NVH, sân vận động… ở một số huyện ngoại thành Hà Nội cũng được báo chí đề cập nhiều. Đó là sân vận động ở huyện Hoài Đức được đầu tư hoàng tráng quá mức cho phép so với thiết kế ban đầu, kinh phí xây dựng lên tới 200 tỉ đồng; công trình nhà hát huyện Đan Phượng cũng được coi là “vượt” rào trong xây dựng với kinh phí hơn 100 tỉ đồng, nhưng xây xong chỉ để tự hào về cái vỏ…

Những con số biết nói ấy đã phản ánh rất rõ nét về thực trạng văn hóa… vỏ hiện nay. Hơn thế cũng phản ánh tính hình thức của nhiều phong trào, cuộc vận động. Trong khi văn hóa (đời sống văn hóa, không gian văn hóa, nhận thức văn hóa…) không thể lượng hóa bằng những con số đẹp, để chỉ cốt báo cáo thành tích lên cấp trên.

Đơn Thương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 2: Khi lượng không đi cùng chất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO