Bài 2: TP Hồ Chí Minh chống ngập bằng cách nào?

Lê Anh 11/10/2016 09:05

Khi bê tông hóa và tôn nền các khu vực đầm lầy và vùng trũng khiến tình trạng ngập trở nên trầm trọng, TP HCM cũng tính toán đến các nguyên nhân cụ thể khác để có các giải pháp chống ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Các dự án chống ngập thi công rùa bò cũng là tác nhân gây ra tình trạng
ngập cục bộ tại nhiều tuyến đường của TP HCM. (Ảnh: Hồng Phúc).

Hiện nay, hai nhóm giải pháp được TP HCM ưu tiên chống ngập, chính là xây dựng các dự án chống ngập tại 6 khu vực thoát nước trên địa bàn thành phố, với nhu cầu vốn lên đến 442.000 tỷ đồng, trong khi hiện đã triển khai đầu tư là 21.400 tỷ đồng. Nhóm giải pháp thứ 2 là quy hoạch thủy lợi chống ngập úng, với tổng diện tích vùng nghiên cứu quy hoạch là 968.500 ha, với nhu cầu vốn vào khoảng 69.122 tỷ đồng (hiện đã đầu tư 3.110 tỷ đồng).

Dự án chống ngập gây ngập

Đó là thực tế chua xót mà nhiều năm qua người dân TP HCM phải gánh chịu. Trong dài hạn, chính quyền TP HCM muốn ưu tiên cho các công trình, dự án chống ngập để giải quyết nguyên nhân ngập do mưa lớn và triều cường. Tuy nhiên, dường như các dự án này chưa đem lại hiệu quả, thậm chí gây bức xúc trong các khu vực dân cư chịu ảnh hưởng.

Điển hình là dự án chống ngập trên đường Kinh Dương Vương, có chiều dài 3,5 km, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 300 tỷ đồng, bằng giải pháp nâng mặt đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân) do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP HCM làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, việc thi công mặt đường quá cao đã ảnh hưởng đến 466 căn nhà, một bệnh viện, 64 doanh nghiệp, 27 trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp, 44 tuyến đường, hẻm kết nối với tuyến đường Kinh Dương Vương. Hầu hết các khu vực này đều bị công trình tác động tiêu cực, trong đó riêng nền đường đã cao hơn 1m so với nền nhà các hộ dân ven đường. Do đó, chỉ sau một tuần Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP HCM triển khai dự án đã phải thông báo tạm ngưng thi công dự án.

Sau đó, Sở GT-VT TP cũng đã phải vào cuộc phối hợp với các ngành chức năng để đưa ra các phương án phù hợp trên tinh thần “hài hòa giữa hạ cao độ và kết hợp kiểm soát triều cường”.

Cùng với việc nâng đường Kinh Dương Vương, các dự án nâng cốt nền đường Nguyễn Thị Thập (Q.7) và sắp tới là Quốc lộ 13,…cũng đang gây những bức xúc đối với người dân. Tại công trình nâng cấp đường 49 tại P. Bình Chánh, Q.Thủ Đức, thi công nhiều tháng nay đã biến mặt đường, các con hẻm thành ao nước đọng.

Trận mưa lịch sử vào ngày 26/9 vừa qua đã khiến tuyến đường này “thất thủ” hoàn toàn, đẩy người dân vào cảnh bì bõm đi lại suốt gần 1 tuần lễ do nước không có chỗ thoát. Ngoài dự án này, dự án nâng đường Tam Bình (quận Thủ Đức) lên cao hơn 1m để chống ngập cũng không đem lại hiệu quả. Trong khi, hai bên nhà dân dọc tuyến đường này bị biến thành hầm, cứ mỗi trận mưa người dân phải dùng máy bơm để bơm nước ra ngoài. Ngoài 8 công trình đã thi công xong từ năm 2015 thì trong năm nay TP HCM thi công thêm 12 công trình và 3 công trình dự kiến đến năm 2017 sẽ hoàn thành.

Tuy nhiên, do hầu hết hệ thống thoát nước của thành phố đã xuống cấp khiến khả năng giảm ngập của các công trình nêu trên là không đáng kể. Trước diễn biến triều cường phức tạp, TP HCM cũng tính toán xây dựng 8 cống kiểm soát triều, 68 cống nhỏ dưới đê, 7,8 km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và 12 km đê bờ tả sông Sài Gòn.

Cần nguồn vốn “khủng”

Để giải quyết tình trạng ngập úng trên địa bàn, chương trình giảm ngập úng của thành phố dự kiến nhu cầu vốn lên đến hàng ngàn tỷ trong giai đoạn 5 năm tiếp theo. Theo tính toán thì giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến nhu cầu vốn chống ngập của thành phố lên đến gần 97.300 tỷ đồng, phân theo hai giai đoạn.

Trong hai năm đầu sẽ tập trung vào cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập do mưa tại 8/17 tuyến đường, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập cho 60/179 tuyến hẻm. Trong các năm cuối của giai đoạn này, TP HCM cũng sẽ quyết liệt xiết chặt các dự án san lấp, xây dựng công trình lấn chiếm sông, kênh rạch, hồ chứa nước công cộng, cùng với việc xây dựng thêm các hồ điều tiết như quy hoạch đã đề ra.

Cùng với các giải pháp dài hạn, trong năm nay TP HCM đã cho khởi công siêu dự án giải quyết ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1, với tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng, kỳ vọng công trình có thể giải quyết ngập cho 6,5 triệu dân sống dọc các tuyến đường ngập nặng mỗi khi triều cường và mưa lớn hiện nay.

Theo Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP, với nhu cầu vốn rất lớn nêu trên, trong đó mới chỉ có khoảng 23.000 tỷ đồng cho một số dự án đang được triển khai. Như vậy, phần vốn còn lại mà TP HCM cần huy động cho giai đoạn 2016 – 2020 còn khoảng 74.350 tỉ đồng.

Tuy nhiên, UBND TP khi tính toán lại các nguồn vốn huy động từ ngân sách thành phố, ngân sách trung ương, ODA và các nguồn xã hội hóa thì vẫn còn thiếu nguồn vốn khoảng gần 36.000 tỉ đồng. Để huy động được nguồn thiếu hụt này, UBND TP dự kiến sẽ ban hành các chính sách huy động các nguồn vốn từ xã hội, tổ chức tài chính, nhà đầu tư trong và cả ngoài nước, đi kèm với việc tạo quỹ đất để thu hút nhà đầu tư, thu hồi và bán đấu giá các mặt bằng, nhà xưởng.

Tuy nhiên, các nỗ lực của chính quyền là chưa đủ, ông Nguyễn Ngọc Công - Giám đốc Trung tâm Ðiều hành chương trình chống ngập nước TP cho rằng cùng với nỗ lực chung của thành phố thì người dân thông qua việc nâng cao ý thức bào vệ môi trường, tuân thủ pháp luật về nhà ở, cũng sẽ giúp cho thành phố đông dân nhất nước tránh được nguy cơ “thất thủ” trước mưa lớn như thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 2: TP Hồ Chí Minh chống ngập bằng cách nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO