Bài 2: Xã nghèo vượt khó

Nguyễn Tuấn Anh 20/03/2017 09:10

Xã Ea Tam, huyện Krông Năng, Đắk Lắk được ví như “Việt Bắc thu nhỏ” trên Tây Nguyên, nơi tập trung hơn 85% đồng bào Tày, Nùng di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống.

Trước đây đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên phải nhận gạo trợ cấp của Chính phủ nhưng với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó bà con đồng bào các dân tộc Ea Tam đã đoàn kết chung sức phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp.

Bà con xã Ea Tam trong ngày lễ hội.

Đất cằn nở hoa

Xã Ea Tam được thành lập từ năm 1989, hiện toàn xã có hơn 2.300 hộ vời gần 11.000 khẩu gồm 12 dân tộc anh em cùng sinh sống trên 15 thôn, buôn. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%. Là xã vùng sâu, tháng 3/2002, Ea Tam được Chính phủ xếp vào xã đặc biệt khó khăn (vùng III).

Nhớ lại những ngày đầu vào đây lập nghiệp nhiều bà con nơi đây vẫn không thể quên những tháng năm khó khăn vất vả. Từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào, tài sản lớn nhất của nhiều gia đình là ít nồi niêu, chăn màn và dăm bộ quần áo.

Khác thời tiết, khí hậu nên lúc đầu việc sản xuất nông nghiệp của bà con gặp rất nhiều lúng túng. Đường đi mùa nắng thì bụi mù trời, mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt.

Ông Nguyễn Đại Hà, 55 tuổi, một người dân gắn bó với mảnh đất này từ ngày thành lập chia sẻ: “Lúc mới vào đây lập nghiệp, toàn xã có gần 90% hộ nghèo. Bởi đất đai chưa được khai hoang, bà con vẫn còn áp dụng kiểu canh tác chọc lỗ tỉa hạt; ruộng lúa chỉ làm được 1 vụ mùa mưa, còn mùa khô đành để trống vì không có nước tưới. Hàng năm xã phải xin gạo trợ cấp của tỉnh và Chính phủ để cứu đói cho bà con”.

Từ chỗ thiếu đói nhưng với bàn tay hăng say lao động những cánh đồng hoang, đồi trọc đã được người dân khai hoang, phục hóa biến thành những ruộng lúa trĩu bông, rẫy cà phê bạt ngàn.

Nhờ phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng vật nuôi, bộ mặt nông thôn ở địa phương đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện nhiều.

Có những thành quả như hôm nay bên cạnh công tác, chỉ đạo lãnh đạo sâu sát của Đảng bộ, chính quyền địa phương còn có đóng góp của những nông dân sản xuất giỏi- “kỹ sư” nông dân chân đất.

Nhắc tới ông Lý Văn Ðức ở thôn Tam Lực- một “kỹ sư thủy lợi” nông dân mới học hết lớp 4, bà con trong vùng rất cảm phục và biết ơn bởi ông đã khởi xướng đào mương dẫn đưa nước về tưới cho hàng trăm ha lúa nước cho năng suất cao giúp bà con an tâm sản xuất.

Ông Đức chia sẻ, khi mới vào đây lập nghiệp, thấy nhân dân trong vùng “khổ” vì nước tưới cho sản xuất nên ruộng chỉ làm được 1 vụ còn nửa thì bỏ hoang, nghĩ tới cách lấy nước tự chảy từ suối về nhà qua các mương dẫn của bà con dân tộc ở quê hương Cao Bằng, tôi đã lên sông Krông Năng nghiên cứu địa hình và thiết kế đường mương tự chảy đưa nước từ sông Krông Năng đến cánh đồng phục vụ bà con.

Nghe ông Đức nói có lý, bà con rất ủng hộ. Vậy là từ tháng 5/2002, theo thiết kế của ông bà con nhân dân trong vùng đã góp công, góp sức đào đắp mương thuỷ lợi dài 5km đưa nước về cánh đồng phục vụ hơn 30 ha lúa 2 vụ.

Chưa dừng lại ở đó, từ tháng 5/2003 đến tháng 7/2004 ông lại tiếp tục vận động bà con thôn Tam Lực và các thôn Tam Đồng, Tam Thành, Tam Trung đào đắp con mương thứ hai dài hơn 7km cắt ngang qua sườn 7 quả đồi, vượt 7 khe suối đưa nước từ thượng nguồn sông Krông Năng vào phục vụ sản xuất trên 200 ha cây trồng, trong đó có trên 100 ha lúa nước 2 vụ với năng suất 7-8 tấn/ha.

Từ những nỗ lực, đoàn kết của bà con, đất không phụ người, hàng trăm hộ nông dân trong vùng đã thoát nghèo nhờ công trình thuỷ lợi của kỹ sư thủy lợi nông dân Lý Văn Đức.

Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước đến nay đời sống kinh tế-xã hội của bà con ngày càng được nâng cao. Hiện thu nhập bình quân toàn xã đạt 43 triệu đồng/người /năm, tăng 23 triệu đồng so với năm 2005 và cao hơn 6,7 triệu đồng so với thu nhập bình quân toàn tỉnh (36,3 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ giảm nghèo hàng năm của xã đạt gần 3%.

Thực hiện phong trào “Chung tay xây dựng Nông thôn mới”, đến nay xã đã đạt 15/19 tiêu chí, vận động nhân dân đóng góp xây dựng gần 7 km đường, trong đó hơn 3km đường bê tông và gần 4 km đường cấp phối đá dăm và xây dựng 4 hội trường thôn với tổng giá trị 5,2 tỷ đồng (trong đó vốn của cấp trên 200 triệu đồng, xã đối ứng 350 triệu đồng và nhân dân đóng góp 4 tỷ 650 triệu đồng). Hệ thống kênh mương thủy lợi, hồ đập được quan tâm tu sửa, xây dựng mới phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân.

Xã của lễ hội Việt Bắc

Bện cạnh chăm lo phát triển kinh tế thì việc bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc cũng được Đảng ủy và chính quyền địa phương hết sức quan tâm.

Đặc biệt lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc được tổ chức ngày 14 và 15 tháng Giêng hàng năm đã trở thành một lễ hội có quy mô lớn nhất Tây Nguyên thu hút hàng ngàn người về đây trẩy hội.

Ông Đinh Công Hưởng-Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ, là địa phương hội tụ nhiều dân tộc, nên việc bảo tồn, phát huy những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã vừa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, vừa giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội.

Vì vậy việc duy trì tổ chức các hoạt động của lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc sẽ là giải pháp bền vững để phát huy các giá trị tốt đẹp sẵn có của nhân dân.

Nhìn lại chặng đường từ vùng đất hoang hóa khô cằn đến nay Ea Tam đã vươn lên trở thành một trong những xã tương đối phát triển.

Theo ông Đinh Công Hưởng- Bí thư Đảng ủy xã, có được những kết quả như hôm nay là nhờ Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã xây dựng và duy trì được khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Từ 3 đảng viên ngày đầu thành lập xã, đến nay Đảng ủy xã có 322 đảng viên sinh hoạt tại 24 chi bộ trực thuộc. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố nên việc đảm bảo trật tự xã hội, an ninh - chính trị luôn được giữ vững.

Ông Hưởng chia sẻ thêm, Từ khi vào đây lập nghiệp bà con rất xa lạ với việc trồng cà phê, hồ tiêu… vậy mà đến nay người dân đã tích cực học tập chăm bón cà phê, hồ tiêu cho năng suất cao, biết áp dụng kỹ thuật canh tác mới, trồng xen canh sầu riêng, bơ, cây ăn quả để tăng thêm thu nhập cho gia đình…

Việc đẩy nhanh quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp bà con nơi đây ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Ea Tam là một trong những xã có nhiều kinh nghiệm trong nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Đắk Lắk. Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có 45 xã đặc biệt khó khăn, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020) là 81.592 hộ chiếm 19,37%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số 50.322 hộ chiếm 62% tổng số hộ nghèo; tổng số cận nghèo 34.884 hộ chiếm 8,28%, trong đó hộ cận nghèo dân tộc thiểu số 14.771 hộ, chiếm 43%.

Để các địa phương khác cũng vươn lên phát triển và đạt được những kết quả như Ea Tam, ông Lê Ngọc Vinh-Trưởng phòng Chính sách dân tộc-Ban Dân tộc của UBND tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Muốn người dân ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững và tích cực làm giàu, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thì các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Bởi khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất người dân sẽ dễ dàng tiếp cận được với các khoản vay của ngân hàng từ đó người dân có nguồn vốn để đầu tư sản xuất.

Thứ hai việc đào tạo nghề cho người dân cần phải tính toán hợp lý những ngành nghề phù hợp để người dân khi được hỗ trợ đào tạo sẽ sống được bằng nghề.

Thứ 3, đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thì việc cho vay theo Quyết định 54 cần phải điều chỉnh cho phù hợp bởi theo quyết định này mỗi hộ chỉ được vay 8 triệu đồng, trong khi để phát triển sản xuất đặc biệt nuôi bò thì giá mỗi con thấp nhất đã là 10 triệu đồng, còn bò sinh sản có giá từ 15 đến 20 triệu đồng vì thế sau khi vay vốn người dân rất khó xoay xở thêm để mua được bò sinh sản…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 2: Xã nghèo vượt khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO