Bài 3: Giảm nghèo giai đoạn 2016-2020: Vượt lên từ nội lực

Hà Lê-L.H. 25/03/2017 10:10

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm xung quanh việc triển khai công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Giảm nghèo chỉ thực sự bền vững khi có sự quyết tâm của người nghèo.

Thoát nghèo từ chính nội lực

Là địa phương có điều kiện khí hậu, thời tiết tốt nên xã Na Hối (huyện Bắc Hà, Lào Cai) được xem là mảnh đất màu mỡ phát triển rau. Tận dụng lợi thế này chị Lã Thị Liễu (HTX Rau bản địa ở thôn Dì Thàng) đã vận động chị em cùng trồng rau bản địa theo quy trình sản xuất rau an toàn có mức thu nhập 80 triệu đồng/ người/năm.

Thực tế thì huyện Bắc Hà thích hợp trồng các giống rau bản địa đặc sản, nhưng tập quán canh tác manh mún và thị trường chưa rộng, khi vào vụ, rau nhiều, không tiêu thụ hết dẫn đến giá rẻ; khi trái vụ, giá đắt nhưng không có để bán. Năm 2009, dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong sản xuất an toàn, quảng bá và sử dụng rau bản địa ở Việt Nam” do Chính phủ Australia tài trợ đã chọn địa bàn huyện Bắc Hà làm địa phương thực hiện thí điểm.

Được sự giúp đỡ của tổ chức Asia, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cuối năm 2011, Hợp tác xã Dì Thàng đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Hợp tác xã có 25 thành viên, với vùng sản xuất rau bản địa ban đầu là gần 3ha. Đến nay, HTX Dì Thàng đã có 42 thành viên tham gia sản xuất rau bản địa an toàn, với diện tích lên tới 5,5 ha, như cải bắp xòe, cải địa phương (cải mèo), rau khởi tử, su su và các loại rau, củ thông dụng khác với tổng sản lượng mỗi năm tiêu thụ khoảng trên 200 tấn, doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng/năm. Tính ra mỗi ha sản xuất rau bản địa an toàn, thành viên thu được 400 triệu đồng/năm.

Bà Lã Thị Liễu, thành viên HTX Dì Thàng (xã Na Hối, Bắc Hà, Lào Cai) cho biết: Trước đây bà con ở đây trồng rau vất vả lắm, vì sản xuất manh mún, trồng được bao nhiêu mang ra chợ bán bấy nhiêu. Khi có nghề, các chị đã thành lập nhóm giúp đỡ lẫn nhau về sản xuất, tiêu thụ. Bà Liễu cho biết, lúc đầu nhóm của bà chỉ có 4 người, sau khi thành lập HTX đã tăng lên 43 thành viên. Mô hình sản xuất rau sạch của HTX sẽ là một hướng đi thoát nghèo bền vững cho địa phương. Đồng thời nó cũng sẽ củng cố thêm niềm tin cho người tiêu dùng, tạo điều kiện cho rau sạch của HTX Dì Thàng tìm được chỗ đứng trên thị trường. Quan trọng hơn cả là từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho các hộ gia đình.

Tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận nguồn lực

Na Hối chỉ là một trong rất nhiều mô hình do chính người dân triển khai đem lại hiệu quả. Thực tế cho thấy khi người dân được trao quyền việc thực hiện giảm nghèo bền vững không khó. Người nghèo khi được tạo điều kiện vay vốn, pháp lý...đặc biệt khi được kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm người nghèo đủ tự tin vươn lên để thoát nghèo. Điều này cũng được Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: “Khi người nghèo được trao cơ hội họ dư sức để thoát nghèo bằng chính nội lực của mình. Lâu nay chúng ta đã gặp rất nhiều lúng túng trong quá trình triển khai, chúng ta chỉ biết hỗ trợ “ áp đặt” mà không biết nhu cầu thực sự của người nghèo là gì.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, giai đoạn tới cần thay đổi chính sách đối với hộ nghèo, người nghèo. Tức là thay vì có các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không, làm thay thì sẽ tạo cơ hội cho họ tiếp cận các nguồn lực, tự quyết định việc làm, hoạt động sản xuất kinh doanh, phụ thuộc vào năng lực, điều kiện của từng gia đình. Đó là cơ chế chúng ta sẽ áp dụng rộng rãi trong thời gian tới, giảm dần hỗ trợ cho không và gắn vào đó là những chính sách hỗ trợ cho điều kiện. Nhưng cho không cũng cần duy trì một số chính sách với những đối tượng cần thiết nhưng cũng phải có điều kiện, có thời gian chứ không phải là cho không mãi mãi. Ngược lại, chúng ta tăng nguồn vốn cho vay ưu đãi về lãi suất, thời gian vay, điều kiện, thủ tục, làm thế nào thực sự thông thoáng để người dân, đặc biệt là phụ nữ có thể tiếp cận thuận lợi.

“Trao quyền tự chủ cho người nghèo”, “tặng cần câu không tặng cá” được nhận diện là những giải pháp giải bài toán “ thoát nghèo, tái nghèo” hiện nay song dù giải pháp đã được nhận diện trúng thì để giảm nghèo bền vững vẫn còn không ít thách thức. Nhất là trong giai đoạn 2016 -2020 Việt Nam bắt đầu triển khai cách tiếp cận nghèo đa chiều. Qua đánh giá các tiêu chí đã ban hành và tiếp cận tiêu chí nghèo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo còn 9,88%, cận nghèo còn 5,22%, có những huyện hộ nghèo tỷ lệ trên 70%. Đây thực sự là những thách thức lớn cho những năm tiếp theo khi chúng ta triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững.

Khi nhận diện những thách thức trong công cuộc giảm nghèo Tư lệnh ngành Lao động đã ví von quá trình xóa đói giảm nghèo có thể ví như người leo lên đỉnh Fanxipan mà không dùng cáp treo. Đoạn đầu dốc còn thoai thoải, người leo đang hứng khởi, tràn trề sinh lực, nhưng chặng còn lại mới là gian khổ, dốc đứng, sức người có hạn, do đó phải rất quyết tâm mới lên tới đỉnh.Xóa đói giảm nghèo cũng vậy, cuộc chiến chống đói nghèo còn gian nan và ngày càng khó khăn hơn vì còn 86% hộ nghèo vẫn là nghèo thu nhập. Khoảng cách thu nhập giữa đồng bào miền núi, vùng cao với miền xuôi ngày càng giãn ra. Lõi nghèo vẫn tập trung khu vực đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, đặc biệt ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên...

“Khi bàn về Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, tôi hiểu chúng ta vẫn còn lúng túng trong thiết kế chính sách, hay cách tiếp cận và cả trong kỹ năng thực hành. Với cách tiếp cận nghèo theo phương pháp mới, khi phân vốn để thực hiện chương trình mục tiêu nhưng chúng ta vẫn phải lấy thu nhập làm tiêu chí chính, nên phải dành cho mục này tới 86% vốn và 14% còn lại dành cho chiều thiếu hụt. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 sẽ theo hướng tích hợp hệ thống, tăng cường chính sách cho vay hỗ trợ có điều kiện để các hộ nghèo phát triển sản xuất, giảm tối đa cấp không, khuyến khích hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo” – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 3: Giảm nghèo giai đoạn 2016-2020: Vượt lên từ nội lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO