Bài 5: 25 năm - chặng đường bứt phá kỳ diệu

QUỐC ĐỊNH 30/12/2021 16:00

Vượt qua cả những khó khăn do tác động đại dịch Covid-19 kéo dài suốt gần 2 năm nay nhưng kinh tế - xã hội của Bình Dương tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Những kết quả đó góp phần tô điểm thêm vào thắng lợi chung sau 25 tái lập tỉnh (01/01/1997 - 01/01/2022).

Thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương vươn lên xếp hàng đầu cả nước; tỉnh được xem là thủ phủ của phía Nam về phát triển công nghiệp; nhiều năm liền, Bình Dương được quốc tế bình chọn ở top cao trong các thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu toàn cầu…

Bình Dương từ lâu được nhiều người xem là nơi “đất lành, chim đậu”.
Bình Dương từ lâu được nhiều người xem là nơi “đất lành, chim đậu”.

Thu nhập đầu người cao nhất cả nước

Từ một tỉnh có thu nhập thấp, sau hơn 20 năm, GDP bình quân đầu người của Bình Dương đã ở mức thu nhập trung bình cao, gấp 2,5 lần trung bình cả nước và tương đương với Thái Lan.

Kết quả khảo sát sơ bộ về mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Bình Dương là địa phương dẫn đầu cả nước về mức thu nhập bình quân đầu người, đạt 7,019 triệu đồng/người/tháng. TP HCM đứng thứ hai với mức 6,537 triệu đồng/người/tháng; Hà Nội đứng thứ ba với mức 5,981 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021 chưa có thống kê chính thức và mặc dù là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng dự báo thu nhập bình quân đầu ở bình Dương vẫn duy trì ở mức rất cao trong bảng xếp hạng.

Lý giải vì sao GDP bình quân đầu người của Bình Dương lại đạt con số ấn tượng đến như vậy? các chuyên gia cho rằng, chính quyền và doanh nghiệp ở đây đã cùng "chung lưng, đấu cật" để có được hạ tầng cứng và hạ tầng mềm tốt nhất cho nhà đầu tư. Hạ tầng cứng nghĩa là hệ thống khu công nghiệp, giao thông kết nối tốt. Còn hạ tầng mềm là nhân lực, như đào tạo tại chỗ tốt và thu hút từ bên ngoài cũng tốt.

Nhờ cơ sở hạ tầng công nghiệp, Bình Dương có lợi thế thu hút được nhân lực từ nhiều nơi khác về mà lại không tốn chi phí đầu tư giai đoạn đầu (tức khi người đó chưa đến tuổi lao động, còn sống ở quê nhà). Vì vậy, hiệu quả nhân lực của Bình Dương cao.

Ngoài ra, phía chính quyền - như Ban quản lý các khu công nghiệp - đã tạo một bộ máy "thực sự giúp được các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, chứ không vòi vĩnh, gây khó khăn cho họ". Nhờ vậy, môi trường kinh doanh tại Bình Dương rất tốt.

Hiện Bình Dương có 3 thành phố trực thuộc tỉnh là TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An và TP.Thuận An đang được định hướng phát triển thành đô thị thông minh để tạo đột phá về dịch vụ, đô thị, thương mại điện tử và công nghệ tài chính.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện mục tiêu của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 -2025 đề ra, trong đó tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 8,5%/năm, phấn đấu đến 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt tối thiểu 9.400 USD/người/năm.

Theo ông Minh, để đạt được điều đó, tỉnh Bình Dương tiếp tục chuyển dịch, hoàn thiện cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - thương mại là chính, trong đó chú trọng thu hút đầu tư, ứng dụng tối đa khoa học - công nghệ để tăng hiệu quả năng suất lao động; quan tâm đến việc thu hút nguồn nhân lực về Bình Dương sinh sống và làm việc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, làm sao để hàng hóa được vận chuyển ra các cảng, sân bay một cách nhanh nhất; tiếp tục phát triển giao thông nội tỉnh, liên tỉnh; sử dụng đầu tư công…

Bình Dương được đánh giá là hình mẫu về phát triển công nghiệp ở khu vực phía Nam.

Hình mẫu về phát triển công nghiệp

Tỉnh Bình Dương chính thức được tái lập với 4 đơn vị hành chính, gồm TX.Thủ Dầu Một và 3 huyện Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An với 77 xã, phường, thị trấn, dân số có 679.044 người. Tỉnh tiếp tục chủ trương ưu tiên phát triển các khu công nghiệp (KCN) tập trung, tạo môi trường thông thoáng, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để tạo đà cho sự ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Giai đoạn 1997-2000, Bình Dương có 7 KCN tổng diện tích 1.603ha gồm: Sóng Thần 1-2, Bình Đường, Việt Hương, Đồng An, Tân Đông Hiệp và Việt Nam - Singapore (VSIP).

Từ con số khiêm tốn ấy, đến nay Bình Dương đã có 29 KCN, trong đó 27 KCN đang hoạt động với diện tích 12.670 ha (diện tích cho thuê đạt 87,4%) và 12 cụm công nghiệp diện tích 789 ha. Hết tháng 10/2021, tỉnh đã thu hút được 4.001 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn 36,95 tỷ USD (tăng gấp 30 lần về số dự án và số vốn so với năm 1997) và 48.456 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh, tổng vốn 434.708 tỷ đồng (tăng hơn 40 lần về doanh nghiệp và hơn 90 lần về vốn so với năm 1997). Đó là kết quả của hàng chục năm kiên trì thực hiện chủ trương “trải chiếu hoa” mời gọi nhà đầu tư bằng cơ chế thông thoáng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự phối hợp nhịp nhàng giữa lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh cùng đồng hành, kịp thời giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư.

Một trong những điểm nhấn về phát triển công nghiệp ở Bình Dương là xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương với mục tiêu hình thành các KCN, khu dân cư và dịch vụ cao cấp trên diện tích 4.196ha, tổng vốn ban đầu 3.000 tỷ đồng, khởi công ngày 12/10/2004; đến nay đã có 6 KCN tập trung đi vào hoạt động, khu dịch vụ 678ha đã triển khai một số dự án. Tâm điểm của Khu liên hợp là Thành phố mới Bình Dương, năm 2014 tỉnh khánh thành, đưa vào sử dụng Trung tâm Hành chính tập trung tại trung tâm Thành phố mới - được xem là biểu trưng cho quá trình bứt phá đi lên của Bình Dương.

Và không thể không kể đến sự thành công của KCN Việt Nam - Singapore (VSIP 1) được xem là hình mẫu trong phát triển các KCN - đô thị ở Việt Nam. VSIP 1 là một liên doanh đầu tư giữa các đối tác trong và ngoài nước do những tập đoàn có kinh nghiệm xây dựng hạ tầng cơ sở và bất động sản như Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và các công ty do Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) dẫn đầu, được thành lập để thực hiện dự án ở huyện Thuận An (nay là TP.Thuận An) ra đời giữa năm 1996. Đến nay, VSIP1 có diện tích phủ kín 100%, thu hút 231 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD, tạo 95.000 việc làm và góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh Bình Dương.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, đánh giá: “25 năm qua, việc phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư là một thành công giúp Bình Dương từ một tỉnh nghèo trở thành thủ phủ công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Bên cạnh nâng cao đời sống cho người dân, Bình Dương còn tập trung phát triển theo hướng thông minh.
Bên cạnh nâng cao đời sống cho người dân, Bình Dương còn tập trung phát triển theo hướng thông minh.

Phát triển theo hướng “thông minh”

Khi hạ tầng đã được đầu tư thông minh và bài bản, xã hội cũng đã được vận hành theo hướng đó, Bình Dương sẽ phát triển các tiện ích công nghệ thông minh để tạo sự cộng hưởng, tăng hiệu suất cũng như tác động xã hội rất lớn.

Với triết lý như trên, đề án Thành phố Thông minh Bình Dương đã gặt hái được nhiều thành công trong 5 năm qua bằng các đề án và những kết quả cụ thể trên nhiều lĩnh vực, đồng thời được quốc tế ghi nhận với 3 năm liên tiếp từ 2019, Bình Dương được diễn đàn các cộng đồng thông minh thế giới ICF bầu chọn trong TOP 21. Và đặc biệt năm 2021 Bình Dương được bầu chọn trong TOP 7 các thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu.

ICF là một diễn đàn uy tín quy tụ hàng trăm thành phố trên thế giới tham gia. Để lựa chọn các thành phố vào TOP 21, sau đó là TOP 7 và TOP 1. ICF đã đặt ra những bộ tiêu chí sát sao toàn diện để đánh giá các cộng đồng. Việc lựa chọn ra các thành phố trong TOP 7, ICF đánh giá nhiều mặt, trong đó chú trọng vào chiều sâu của chiến lược phát triển, sự kiên định của cả cộng đồng, tính kế thừa qua nhiều thế hệ, tính ứng dụng và tác dụng thực sự trong xã hội.

Một cộng đồng thông minh cần được thể hiện bằng những bước đi có tính logic và luận lý, các chiến lược được xây dựng dựa trên phân tích bài bản làm tiền đề cho việc xây dựng đề án cụ thể, giải quyết trực diện những thách thức của cộng đồng, tất cả làm nên một Bình Dương đồng lòng, một Bình Dương thông minh được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Từ nhận thức những khó khăn nêu trên, Bình Dương đã chủ động đi tìm những giải pháp, thông qua các mối quan hệ hợp tác quốc tế, các chuyến đi học hỏi và thảo luận với các nhà khoa học. Năm 2016, Bình Dương đã xây dựng đề án Thành phố Thông minh Bình Dương với mô hình học hỏi từ Thành phố Einhoven, Hà Lan. Đề án như kim chỉ nam cho chiến lược phát triển của Bình Dương trong giai đoạn hiện nay, giải quyết trực tiếp các thách thức của tỉnh bằng những đề án cụ thể, tạo những đòn bẩy trên nhiều khía cạnh của xã hội.

Thành phố thông minh là một khái niệm đã được nhắc nhiều trong thời gian qua với nhiều cách nhìn, phổ biến nhất là quan điểm thành phố thông minh là thành phố áp dụng công nghệ giúp cho các hoạt động của người dân, chính quyền, doanh nghiệp,… có hiệu suất cao hơn và tối ưu hơn, tương tự như việc tự động hóa một nhà máy thông qua việc cài đặt các cảm biến, camera, Internet vạn vật và tích hợp chúng với phần mềm và trí tuệ nhân tạo, nhằm xử lý và phân tích dữ liệu tốt hơn phục vụ cho việc ra các quyết định kịp thời và đúng đắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 5: 25 năm - chặng đường bứt phá kỳ diệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO