Bài cuối: Mặt trận - kênh giám sát quan trọng

Việt Thắng (thực hiện) 24/06/2017 08:35

Thời gian qua việc đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra hết sức chậm. Vậy nút thắt nào đang cản trở? Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ĐBQH Trần Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng: Sắp xếp DNNN cũng là một cơ cấu của tái cấu trúc nền kinh tế. Trong quá trình tái cấu trúc kinh tế phải định hình xem sự chuyển đổi cấu trúc của các ngành kinh tế phục vụ cho sự phát triển chung như thế nào.

Ông Trần Anh Tuấn.

PV: Thưa ông, phải xác định được nguyên nhân thì mới đưa ra được giải pháp đúng. Vậy theo ông trong thời gian qua, việc đổi mới, sắp xếp DNNN chậm đang vướng ở đâu?

Ông Trần Anh Tuấn: Đổi mới, sắp xếp DNNN trong thời gian qua dù được cho là khá quyết liệt nhưng theo tôi vẫn chậm. Điều này có nhiều nguyên nhân trong xử lý, xác định giá trị của DN, nhất là xác định các tài sản sử dụng đất. Thứ hai là những chính sách liên quan đến đổi mới DNNN trong đó những cơ chế này chưa xem xét những điều kiện đặc thù của địa phương. Không phải bắt buộc cổ phần hóa DNNN tất cả mà những DN mang tính dẫn dắt thị trường, tạo một nền tảng cho sự phát triển của địa phương cần phải phát triển mạnh hơn để họ thực hiện chức năng dẫn dắt thị trường, và phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Chẳng hạn một số lĩnh vực phát triển mang tính tiềm năng nhưng chưa có hướng thì DNNN với vai trò của kinh tế nhà nước phải đi tiên phong để tạo nền tảng thị trường cho sự phát triển. Luật của ta hơi bị cứng nhắc khi đưa ra quy định các ngành nghề cho sự sắp xếp, tổ chức đổi mới DN, cổ phần hóa DN. Tuy nhiên nó phải theo điều kiện đặc thù của địa phương để xác định lộ trình hợp lý, chứ không nên cào bằng tất cả DN vào. Tạo lập về thị trường đặc biệt là đối với những thành phố đang phát triển cần DN đầu đàn để dẫn dắt thì mình lại cào bằng tất cả, nhất là DN đầu tư cơ sở hạ tầng lớn để có sức lan tỏa phát triển kinh tế tới các khu vực khác mình phải có lộ trình hợp lý hơn, chứ như hiện nay là chưa chuẩn xác.

Sắp xếp đổi mới vừa rồi có sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, và được lồng vào quá trình cấu trúc, tái cơ cấu nền kinh tế. Nội dung sắp xếp DNNN cũng là một cơ cấu của tái cấu trúc nền kinh tế. Trong quá trình tái cấu trúc kinh tế phải định hình xem sự chuyển đổi cấu trúc của các ngành kinh tế phục vụ cho sự phát triển chung như thế nào. Ta đang vận hành song song vừa tái cấu trúc DNNN, vừa tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, đặc biệt là ngân hàng và đầu tư công. Nó bị pha trộn trong quá trình đó cho nên việc sắp xếp, đổi mới cần mang tính đồng bộ với quá trình tái cấu trúc của các ngành lĩnh vực khác.

Nhiều ý kiến cho rằng cần quy trách nhiệm đối với lãnh đạo DNNN phải công khai minh bạch trong quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN, và khi để xảy ra sai phạm thì phải cương quyết xử lý?

- Cái đó cần công khai minh bạch rõ ràng, tất cả những quy trình trong sắp xếp DNNN phải minh bạch công khai, và kế hoạch của nó cũng phải công khai cho nhà đầu tư. Đồng thời việc tái cấu trúc sắp xếp khi định giá tài sản, xác định vốn và xác định giá ban đầu đưa ra đấu giá tài sản cũng phải công khai. Thị trường của chúng ta ở mức độ nào thì công khai ở mức độ đó, đấu giá một cách công khai để giá trị đúng với thị trường để đảm bảo Nhà nước không bị mất vốn khi cổ phần hóa sắp xếp lại.

Nhưng trong đổi mới, sắp xếp lại, cổ phần hóa thì cái quan trọng là làm sao nâng cao năng lực từ quản trị của DN chứ không nên chỉ sắp lại “cho gọn”, tức là cần thay đổi về “chất” thì mới đem lại hiệu quả cho DN sau khi sắp xếp?

- Đó là vấn đề cần quan tâm trong quá trình tái cấu trúc, khi cổ phần hóa hay đa dạng hóa các hình thức sở hữu. Nó có cơ chế giám sát với ban lãnh đạo của các DN thì tôi nghĩ rằng cần chuyển cơ chế theo hướng hội đồng quản trị có quyền thuê mướn Giám đốc DN, Tổng công ty nhà nước trong việc quản lý DN đưa ra chiến lược DN để phát triển sản xuất kinh doanh. Chứ bây giờ theo cơ chế chưa thực hiện được cơ chế Hội đồng quản trị thực sự là người đại diện chủ sở hữu, và việc quyết định nhân sự cho ban điều hành cũng không phải thực sự là hội đồng quản trị quyết định. Như vậy là chưa đổi mới về cách thức lãnh đạo điều hành của DN, nó phải là một sự cạnh tranh.

Ví dụ một CEO giỏi ngoài thị trường thì hội đồng quản trị thuê CEO đó về làm việc, làm 1-2 năm không hiệu quả thì sa thải và thuê CEO khác. Chúng ta chưa làm được điều đó. Ngay cả những DN thoái vốn Nhà nước dưới 50% mình cũng chưa áp dụng được cơ chế đó thì làm sao tìm được người giỏi người tài về làm điều hành DNNN tốt được. Chúng ta phải thay đổi cơ chế thì hiệu quả DN mới mang lại tốt hơn, chứ giờ hội đồng quản trị của các DNNN chưa thực sự tạo ra sự chuyển biến trong bộ máy hoạt động điều hành cho nên hiệu quả chưa cao.

Ông vừa đề cập đến vấn đề giám sát để làm sao việc đổi mới, sắp xếp cổ phần hóa DNNN được giám sát một cách chặt chẽ, tránh sai phạm. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 cũng đã nêu trách nhiệm của MTTQ trong việc giám sát. Nhưng làm sao để việc giám sát thực sự hiệu quả, tránh vết xe đổ như trong thời gian qua?

- Tăng cường giám sát là cơ chế cần phải làm tốt hơn. Giám sát ở đây không chỉ giám sát nội bộ, giám sát của ban lãnh đạo điều hành cho các hoạt động, hay các nhà đầu tư liên quan đến dự án mà cần giám sát mang tính toàn diện hơn với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể để khẳng định việc giám sát chặt chẽ trong quản lý điều hành, và vận hành trong kinh doanh của các DNNN. Và MTTQ chính là kênh giám sát tốt, quan trọng. Chúng ta đang chuyển đổi, thực hiện công khai minh bạch thì xử lý những tài sản liên quan đến đấu giá theo nguyên tắc của thị trường, theo sự minh bạch, tất cả các đối tượng đều có sự tham gia vào thì việc giám sát cơ chế vận hành sẽ tốt và minh bạch hơn, giá trị mang lại sẽ sát với điều kiện của thị trường vào thời điểm xử lý các vấn đề liên quan đến tài sản liên quan đến hoạt động kinh doanh của DNNN.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài cuối: Mặt trận - kênh giám sát quan trọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO