Bài giảng 'chạm' được trái tim học sinh

Hàn Minh (thực hiện) 14/09/2022 08:00

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc mua bán giáo án là điều tối kỵ, không nên và không thể có trong môi trường giáo dục.

PV: Thưa ông, việc mua bán, xin cho giáo án mẫu các môn học đã có từ lâu và thời gian qua càng nở rộ khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Là một nhà giáo, ông nhìn nhận việc này thế nào?

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ: Mua bán giáo án trên thực tế là việc chưa ai cấm và đang diễn ra tràn lan trên mạng internet, tôi đã nghe nhiều người phản ánh từ lâu. Muốn tìm gì trên mạng ngày nay quá dễ dàng, không chỉ giáo án. Nhưng với tư cách là một giáo viên, được đào tạo bài bản trong trường sư phạm để có kiến thức chuyên môn, phương pháp giáo dục học sinh ở lĩnh vực đó, nếu ngay cả một cái giáo án cũng soạn không nổi thì lấy gì để dạy học sinh đây?

Một số giáo viên cho rằng, quy định về giáo án của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều điểm mới, gây khó cho giáo viên, mất thời gian khi soạn. Tôi rất chia sẻ với các thầy cô. Nhưng đó không thể là lý do để giáo viên đi mua giáo án về nộp cho xong chuyện. Để có một tiết dạy tốt, không thể thiếu sự chuẩn bị cẩn thận ngoài kiến thức, kinh nghiệm sẵn có. Nhất là với chương trình, sách giáo khoa mới lần đầu được giảng dạy, nếu thầy cô không soạn kỹ thì rất có thể sẽ bối rối, lúng túng khi dạy. Học trò ngày nay rất thông minh, nhiều em cũng biết lên mạng tìm hiểu trước nội dung bài học, không chỉ gói gọn trong sách giáo khoa nên nếu thầy cô cẩu thả, sơ sài, các em sẽ nhận ra ngay.

Như vậy, quan điểm của ông là không cổ súy cho những giáo án đi mượn, đi xin, đi mua không thực chất. Theo ông, cần có những giải pháp nào để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này?

- Rõ ràng việc mua bán này sẽ gây ra những hệ lụy không tốt trong môi trường giáo dục. Vấn đề là làm sao để hạn chế tình trạng này? Theo tôi, trước hết, về phía ngành giáo dục, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những quy định thiết thực, cụ thể và hợp lý về việc soạn giáo án. Trong đó, không yêu cầu quá chi tiết và dài dòng, trùng lặp mà quan trọng nhất của một giáo án là mục tiêu bài học và tiếp theo là cách thức tổ chức dạy học để đạt mục tiêu ấy. Làm được vậy, giáo viên sẽ có không gian sáng tạo của riêng mình và không bị trói buộc vào những trang giáo án dài lê thê.

Thứ hai, để không có những bộ giáo án hình thức chỉ phục vụ cho việc kiểm tra mà cần thiết kế những bộ giáo án áp dụng được vào dạy học thực chất. Việc này, đòi hỏi mỗi nhà trường, ban giám hiệu, tổ trưởng tổ bộ môn cần có những kiểm tra, góp ý thực chất thay vì mang tính chất làm đẹp hồ sơ, đối phó.

Cuối cùng vẫn là ý thức của mỗi giáo viên. Phải xác định việc soạn giáo án là nhằm để phục vụ cho việc dạy học của mình, giúp tiết dạy trúng, đúng, khơi gợi được hứng thú cho học sinh… chứ không phải việc soạn cho có thì sẽ không còn tình trạng đi mượn, đi xin nữa.

Ngăn chặn nạn mua bán giáo án không thể bằng các cách thức hành chính như kiểm tra thanh tra, nó phải được điều chỉnh từ trong lòng của phương pháp tổ chức dạy học mà ở đây là quy định về soạn giáo án.

Những bài giảng chạm đến trái tim sẽ khiến học sinh nhớ mãi không quên, đó mới là thành công của người giáo viên, không phải là những trang giáo án đẹp nhưng trống rỗng vì là sản phẩm của sao chép.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài giảng 'chạm' được trái tim học sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO