Bài học của hồ tiêu

An Bình 24/12/2022 07:45

Xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc có mức tăng kỷ lục trong tháng 10 vừa qua. Theo đó, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc trong tháng 10/2022 tăng 4,120% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng kỷ lục đưa sầu riêng trở thành mặt hàng rau quả có giá trị xuất khẩu cao nhất sang Trung Quốc tháng vừa qua.

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), sau khi ký nghị định thư, xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc tăng mạnh. Tính từ 17/9 - ngày xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên - đến nay, nước ta đã xuất khẩu hơn 20.000 tấn sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Cùng với gia tăng sản lượng xuất khẩu, giá trị cũng tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước khi ký nghị định thư.

Đáng chú ý, mới đây, nhiều nhà nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc bày tỏ mong muốn đặt một lượng lớn sầu riêng của Việt Nam để phục vụ thị trường Tết Quý Mão 2023.

Bức tranh xuất khẩu sầu riêng những tháng cuối năm rực rỡ gam màu sáng. Nói đúng hơn, xuất khẩu sầu riêng đón nhận hàng loạt tin vui kể từ khi chúng ta ký kết nghị định thư với Trung Quốc về vấn đề xuất khẩu sản phẩm này. Tính đến thời điểm này, sản lượng sầu riêng năm 2022 đã đạt 1,3 triệu tấn.

Có thể khẳng định, việc ký kết nghị định thư không chỉ giúp tăng sản lượng xuất khẩu trái sầu riêng mà còn tăng cả về giá trị xuất khẩu, điều mà chúng ta luôn kỳ vọng và hướng đến đối với xuất khẩu hàng nông sản nói chung, xuất khẩu trái sầu riêng nói riêng. Với những dữ liệu này, người trồng sầu riêng sẽ có cơ hội nâng cao thu nhập. Song quan trọng hơn cả là nông sản xuất khẩu có thể hướng đến giá trị xuất khẩu bền vững.

Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng về sản lượng và giá trị xuất khẩu, tại một số vùng trồng bắt đầu xuất hiện tình trạng tăng diện tích trồng sầu riêng một cách tự phát. Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy của việc phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế; tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng...

Hồ tiêu là một minh chứng rõ nhất về việc chạy theo lợi nhuận, phát triển "nóng" và cái giá phải trả là không đong đếm được. Cây tiêu đã từng được mệnh danh là “vàng đen” của vùng Tây Nguyên khi nhiều gia đình chỉ qua vài vụ tiêu đã trở thành tỷ phú. Nhiều người dân thấy lợi nhuận lớn, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, dồn hết vốn liếng, vay ngân hàng để nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu làm cho nguồn cung dư thừa, hồ tiêu rớt giá, rơi vào tình cảnh điêu đứng vì nợ nần... Đó là bài học vẫn còn rất nóng.

Để phát triển bền vững, ngăn chặn tình trạng phát triển ồ ạt diện tích sầu riêng, tránh “vết xe đổ” của sản phẩm hồ tiêu, nhà quản lý, ở đây là Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các Sở NN&PTNT rà soát diện tích sầu riêng; xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến. Bộ cũng khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng mà điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, không tự phát chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây sầu riêng.

Với những động thái kịp thời của nhà quản lý và cả những bài học đã trải qua, chắc hẳn, người nông dân, nhà sản xuất sẽ chủ động được trong việc trồng và sản xuất để có thể đem đến những sản phẩm xuất khẩu giá trị cao, hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học của hồ tiêu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO