Bài học giữ rừng

Dương Thanh Tùng 30/09/2017 09:15

Dù chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ cách đây hơn 1 năm nhưng nhiều nơi vẫn để xảy ra nạn phá rừng.

Từ trung tuần tháng 9 đến nay, đã có 3 vụ phá rừng tự nhiên đặc biệt nghiêm trọng với tổng diện tích lên đến hàng trăm ha ở xã An Hưng, huyện An Lão (Bình Định) ở Tiên Lãnh, Tiên Phước (Quảng Nam), ở Ba Liên, Ba Tơ (Quảng Ngãi) để trồng cây keo lá tràm (còn gọi là keo lai).

Trong khi trăn trở của dư luận về ai đứng sau các vụ phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế chưa có giải đáp thì mới đây nhất tại một tỉnh nghèo miền Trung, chi cục trưởng kiểm lâm tỉnh này chia sẻ với báo chí về khoản tiền xây ngôi nhà riêng với gần 100 m3 gỗ ở xã nghèo quê ông là do ông có đến 40 ha rừng kinh tế- trồng keo lá tràm.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Tấn Thành-Chí Đại).

Sau mỗi vụ phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đặc biệt nghiêm trọng được dư luận phát hiện, đều có chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở, nhằm đưa vụ viêc ra ánh sáng, xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên tình trạng phá rừng không suy giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Điều này có nguyên nhân từ việc bảo vệ, gìn giữ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ của các địa phương chưa đươc phát huy, nhân rộng, trở thành bài học cho các địa phương khác.

Đơn cử rừng Bạch Mã, ở Thừa Thiên-Huế được giữ nguyên vẹn từ sau năm 1975 đến nay. Rừng Bắc Hải Vân của tỉnh này được bảo vệ, quản lý tốt trong hàng chục năm đã trở thành thảm rừng nhiệt đới xanh tươi thu hút các bầy đàn voọc chà vá chân nâu đặc biệt quý hiếm di chuyển từ các cánh rừng Đông Trường Sơn tìm về sinh sống.

Từ năm 1975 đến nay trong khi diện tích rừng của rất nhiều địa phương cứ thu hẹp dần bởi tình trạng khai thác gỗ và phong trào trồng rừng kinh tế (lợi dụng việc phủ xanh đất trống đồi trọc để phá rừng tự nhiên) thì rừng Bạch Mã của Thừa Thiên-Huế vẫn xanh tươi.

Động, thực vật, đa dạng sinh học đặc hữu mặc sức sinh sôi dưới tán rừng nhiệt đới. Ngày 15/7/1991, bằng Quyết định số 214-CT, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã.

Ngày 2/1/2008, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định (số 01/QĐ-TTg mở rộng thêm diện tích VQG Bạch Mã trên địa bàn huyện Phú Lộc, Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) và 3.107 ha thuộc huyện Đông Giang (Quảng Nam).

Quyết định này của Thủ tướng nâng tổng diện tích VQG Bạch Mã lên 22.030 ha. Diện tích lớn, địa bàn trải rộng, tiếp giáp với nhiều địa phương có mật độ dân cư vừa đông đúc, vừa có sinh kế chủ yếu từ rừng của 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam nhưng Bạch Mã không bị tổn thương nhiều do tác động của con người.

Ngoài việc chủ động phối hợp tốt với các địa phương ngăn chặn lâm tặc, không để người dân chặt hạ rừng tự nhiên trồng rừng kinh tế, Ban Quản lý VQG Bạch Mã còn quyết tâm không để chủ dự án xây dựng làm tổn thương đến rừng.

Cách đây gần 20 năm, Công ty du lịch H, khi khôi phục một số biệt thự hoang phế ở Bạch Mã cần phải chặt hạ một cây xanh nhưng do không được Ban Quản lý VQG Bạch Mã chấp thuận nên Dự án khôi phục biệt thự hoang phế nói trên phải dừng lại. Rất nhiều năm, Bạch Mã đón khách tham quan tuy nhiên nơi này không bị biến thành khu du lịch ồn ào.

Mọi người phải trả tiền để được vào VQG tận hưởng thiên nhiên với khẩu hiệu được đặt ở cổng vườn và các lối đi “không lấy gì ngoài cảnh đẹp, không để lại gì ngoài những dấu chân”.

Tất cả những việc làm của Ban Quản lý VQG không làm khách khó chịu mà trái lại, thêm yêu và tôn trọng thiên nhiên Bạch Mã.

VQG cấm tuyệt đối khách đi xe máy trên chặng đường gần 16 km từ cổng vườn đến “Vọng Hải đài” ở độ cao 1.450 m.

Có gì đó thật dễ chịu khi vào những ngày cuối tuần, du khách khắp nơi tìm về Bạch Mã để tận hưởng thiên nhiên kỳ thú, chụp ảnh, ngắm chim thú, dã ngoại ở những nơi được phép.

Rất nhiều sinh viên các trường đại học ở Huế cũng thường đến Bạch Mã. Họ đi bộ từng tốp từ chân núi lên đỉnh một cách hồn nhiên và trật tự, trái ngược hẳn với hình ảnh nam nữ thanh niên băm bổ xe máy như vào chỗ không người ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cách Bạch Mã chỉ hơn 10 km đường chim bay.

Có thể nói, ngoài các vụ việc lâm tặc lén lút vào rừng chặt gỗ, bẫy thú, Bạch Mã ít chịu áp lực từ sinh kế của các khu vực dân cư vùng đệm, lấn rừng tự nhiên trồng rừng kinh tế bởi VQG phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ rừng

Cách không xa VQG Bạch Mã là rừng phòng hộ Bắc Hải Vân. Tháng 11/2016 có 3 bầy đàn với gần 70 cá thể vọoc chà vá chân nâu (còn được gọi là nữ hoàng của các loài linh trưởng, đặc biệt quý hiếm) tìm về tiểu khu 250, 251 của rừng phòng hộ Bắc Hải Vân sinh sống.

Ông Trần Văn Lộc- giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân cho biết: Do rừng Hải Vân được quản lý, bảo vệ phục hồi một cách khoa học trong thời gian dài nên các loài thực vật bản địa như chò chỉ, gõ lau, gõ, huỳnh, trâm xanh, sao đen…đã phát triển xanh tốt.

Các loại cây bản địa được trồng phục hồi dưới tán keo là tràm tại nhiều nơi trên tổng diện tích 10.420 ha rừng phòng hộ Bắc Hải Vân từ năm 1987 đến nay đã có nhiều cây đạt đường kính thân từ 40 đến 50 cm.

Đa dạng sinh học đặc trưng rừng nhiệt đới Bắc Hải Vân phục hồi dưới các tàn cây bản địa, thu hút các loài thú như nai, sơn dương, đặc biệt là các loài linh trưởng quý hiếm tìm về.

Dưới chân phía Bắc rừng phòng hộ Bắc Hải Vân là các khu vực dân cư đông đúc, tuy nhiên hơn 10.500 ha rừng ở đây được bảo vệ nghiêm ngặt.

Việc chặt hạ rừng tự nhiên đẻ trồng bạch đàn, keo lá tràm gần như không xảy ra ở rừng phòng hộ Bắc Hải Vân trong nhiều năm qua.

Câu chuyện giữ rừng Bạch Mã, rừng phòng hộ Bắc Hải Vân được rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khoa học lâm nghiệp, ghi nhận.

Bài học lớn nhất,theo các chuyên gia, là không có sự thỏa hiệp, bắt tay ăn chia giữa những người có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng với chủ đầu tư các dự án và với các chủ rừng kinh tế.

Bởi nếu không có sự bắt tay, thỏa hiệp thì chủ rừng kinh tế không thể nào đưa nhân lực, phương tiện vào tàn phá cùng lúc hàng chục ha rừng tự nhiên mà Kiểm lâm và địa phương sở tại không hay biết!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học giữ rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO