Bài học tai họa

Tinh Anh 02/02/2021 10:30

Hàng năm, cứ gần đến Tết Nguyên đán là xảy ra nhiều vụ tai nạn do pháo nổ gây ra, nạn nhân chủ yếu là các em nhỏ. Và năm nay cũng không ngoại lệ, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần thôi đã có tới 3 vụ tai nạn do các em nhỏ học cách làm pháo trên mạng gây ra, khiến một số em bị thương tích nặng, thậm chí bị dập nát bàn tay.    

Mới đây nhất, một thiếu niên 15 tuổi (trú tại xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) đã phải nhập viện cấp cứu với bàn tay dập nát do tự làm pháo tại nhà. Thiếu niên này đã nhiều lần tự làm pháo nổ tại nhà và đã được người thân nhắc nhở nhưng vẫn không nghe lời. Quả nhiên cá không ăn muối cá ươn, lần này tai họa đã ập tới.

Đây đã là vụ tai nạn thứ 3 do pháo nổ xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn, khiến nhiều em nhỏ bị thương vong. Trước đó 3 ngày, trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã xảy ra hai vụ tai nạn pháo nổ khiến một học sinh tử vong, 4 em khác bị thương trong đó có một em cũng bị dập nát bàn tay không thể phục hồi được.

Cả 3 vụ tai nạn pháo nổ đều có nguyên nhân xuất phát từ việc các em nhỏ học cách làm pháo trên mạng xã hội YouTube, mua thuốc pháo rồi lấy giấy tự cuốn để chế tạo pháo. Hiện, có không ít các bậc phụ huynh hết sức lo lắng về việc trên mạng xã hội (YouTube, facebook) đang có những video clip hướng dẫn làm pháo nổ và nhiều trò chơi nguy hiểm khác mà các em nhỏ đang rất thích thú học theo.

Ai cũng biết quy trình làm pháo nổ hết sức nguy hiểm. Vì thế chỉ có thể sản xuất tại các nhà máy với quy trình nghiêm ngặt, được thao tác bởi những công nhân lành nghề mới có thể đảm bảo an toàn cháy nổ. Vậy nhưng một số youtuber lại làm video clip hướng dẫn người xem (mà ở đây khán giả chủ yếu là các em học sinh) tự làm pháo nổ ở nhà, vô hình trung đã mang tai họa đến cho các em nhỏ.

Theo nguyên lý, muốn pháo nổ đanh, giòn, tan hết xác giấy thì sau khi cuộn thân pháo bằng giấy phải lèn thật chặt thuốc pháo bên trong. Song, thuốc pháo khi bị lèn chặt mà sơ xảy hoặc không có kỹ thuật sẽ kích nổ gây tai nạn cho người làm pháo. Về bản chất, thuốc pháo chính là thuốc nổ, nhưng nguy cơ cháy nổ không bằng và mức sát thương cũng nhẹ hơn. Song, tựu trung cả hai loại dùng làm pháo nổ đều nguy hiểm.

Những điều đó nếu không được học, không được người lớn giảng dạy, chỉ bảo thì làm sao các em nhỏ có thể biết để tránh xa trò chơi nguy hiểm này? Vì thế, khi thấy các youtuber làm dễ dàng quá, các em học theo là chuyện hết sức bình thường, dễ hiểu. Thấy “hay hay”, lại không có kiến thức, không ý thức được mức độ nguy hiểm khi tự làm pháo nổ tại nhà, thì việc các em nhỏ nghịch ngợm dẫn đến tai nạn cũng không quá đáng trách.

Có trách chăng thì là trách các bậc phụ huynh đã không giám sát con em chặt chẽ, để các em có cơ hội “thử nghịch” làm pháo nổ dẫn đến tai nạn. Có trách chăng thì cũng là trách các youtuber chỉ vì câu view, câu like, với mục đích kiếm tiền mà đã bất chấp nguy hiểm, làm ra những video clip hướng dẫn các em nhỏ “nghịch dại”. Nếu cần truy cứu trách nhiệm thì những người lớn sẽ phải gánh chịu hoàn toàn.

Đó là xét về mặt tình, còn về lý thì việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng pháo nổ đều là các hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, việc một số youtuber làm các video clip hướng dẫn làm pháo nổ chính là hành vi vi phạm pháp luật, có thể khởi tố hình sự về nhiều tội danh khác nhau. Tiếc rằng, đến nay chưa có youtuber nào bị các cơ quan chức năng “sờ gáy” khi họ chính là tác nhân dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ.

Tính đến thời điểm tôi đang viết bài này thì trên mạng xã hội vẫn có bạt ngàn, vô số các video clip hướng dẫn cách làm các loại pháo nổ, pháo hoa... Chỉ cần gõ từ khóa dạy cách làm pháo, có hàng nghìn kết quả xuất hiện với các video clip hướng dẫn chi tiết các công đoạn làm pháo, cùng với những “nguyên vật liệu” cần chuẩn bị. Chẳng có cái nào được coi là vi phạm pháp luật và buộc phải gỡ bỏ cả.

Khi mà các video clip hướng dẫn làm pháo nổ vẫn còn ngang nhiên tồn tại, khi mà có không ít các bậc phụ huynh vẫn còn “bận kiếm tiền” thay vì “để mắt” tới con cái, thì việc xảy ra những vụ tai nạn do các em nhỏ tự làm pháo nổ vẫn sẽ diễn ra. Chỉ có điều là nó xảy ra ở đâu, vào lúc nào, thương vong có lớn hay không mà thôi.

Vậy nên, để con trẻ không trở thành nạn nhân của những vụ “nghịch dại” tự làm pháo nổ, các bậc cha mẹ hãy để mắt đến con cái nhiều hơn. Các bậc phụ huynh cũng cần giáo dục, trang bị cho trẻ nhỏ kiến thức cơ bản về thuốc nổ, thuốc pháo, để chúng ý thức được về mức độ nguy hiểm khi “chơi” với loại vật liệu nguy hiểm này.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc gỡ bỏ, ngăn chặn những video clip xấu, độc đang lan tràn trên mạng xã hội, để trẻ nhỏ không học theo những điều dại dột. Nếu xét thấy cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những youtuber cố tình tung lên mạng những video clip gây hại cho xã hội. Bài học tai họa cần phải được rút ra, bởi đã có nhiều thương vong rồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học tai họa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO