Bài toán để tăng chuỗi giá trị cho ngành gỗ

Quốc Định - Quang Minh 18/05/2017 09:15

Nỗi lo lớn của các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ xuất khẩu hiện nay là vừa đối mặt nguy cơ khủng hoảng gỗ nguyên liệu, vừa phải chịu cảnh ồ ạt xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang Trung Quốc. Trong khi đó, để duy trì nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp ổn định, mô hình liên kết giữa công ty chế biến xuất khẩu gỗ và các hộ trồng rừng chỉ mới mang tính tự phát.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I/2017, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 1,78 tỷ USD, tăng 17,1% so cùng kỳ năm ngoái. Với đà tăng trưởng tốt thì theo dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm nay của Việt Nam có thể sẽ tăng 8 - 10%, đạt khoảng 7,5 tỷ USD, xem như đã khôi phục lại mức tăng trưởng cao, nhất là khi hồi năm 2016 xuất khẩu gỗ chỉ tăng trưởng có 1,1% so với năm 2015.

Tuy nhiên, bên cạnh tốc độ tăng trưởng tốt, nỗi lo lớn của các DN nội địa trong ngành gỗ chính là việc thiếu nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp. TS.Tô Xuân Phúc (Tổ chức Fores Trends) cho biết, lệnh cấm khai thác gỗ tại Trung Quốc có thể là một trong những nguyên nhân tạo ra động lực cho các DN Trung Quốc thu gom nguyên liệu gỗ đầu vào cho chế biến, bao gồm cả gỗ cao su của Việt Nam.

Việt Nam sẽ có thể chứng kiến sự cạnh tranh nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng khốc liệt giữa các DN Trung Quốc, DN chế biến gỗ xuất khẩu và các DN dăm gỗ của Việt Nam. Bởi lẽ, với nhu cầu về mặt nguyên liệu trung bình từ 29 - 30 triệu m3 gỗ nguyên liệu hàng năm, thách thức lớn với ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện nay là phải vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhất là khi gỗ rừng trồng trong nước đang chiếm 30- 40% tổng lượng nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là gỗ cao su và gỗ keo tràm.

Theo dự kiến đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) gỗ của Việt Nam sẽ đạt 10 tỷ USD thì nguồn cung gỗ nguyên liệu sẽ thêm 4 - 5 triệu m3/năm. Đây cũng là thách thức không nhỏ trên con đường thúc đẩy tăng trưởng KNXK sản phẩm gỗ và tiêu dùng trong nước.

Đại diện hiệp hội gỗ và lâm sản ở một số địa phương đã đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ ban hành các giải pháp hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu một cách hiệu quả. Nhất là cần tăng kiểm tra giám sát để hạn chế việc thương nhân nước ngoài thu gom, khống chế thị trường gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước và lẩn tránh thuế xuất khẩu bằng cách giảm giá bán, kê khai không đúng quy cách gỗ nguyên liệu xuất khẩu.

Giới chuyên gia nhận định, để duy trì nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp ổn định, mô hình liên kết giữa các công ty chế biến gỗ xuất khẩu và các hộ gia đình trồng rừng đã được hình thành và đang trên đà phát triển. Liên kết này dựa trên niềm tin rằng các nguồn lực của các bên tham gia liên kết sẽ được tối đa hoá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài toán để tăng chuỗi giá trị cho ngành gỗ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO