Bài toán di dời

Hà Trọng Nghĩa 29/03/2021 10:00

Câu chuyện Hà Nội lên kế hoạch di dời 215.000 dân ra khỏi khu vực nội đô bỗng được đem ra “cá cược”, chỉ vì người ta băn khoăn liệu có di dời được không. Người nói “được”, kẻ nói “không”. Thế là tranh cãi. Cuộc tranh cãi xem ra khá thú vị.

Hàng hoa trong phố cổ Hà Nội.

Thực ra thì đã nhiều năm qua, Hà Nội áp dụng một loạt các giải pháp phục vụ cho mục tiêu di dời dân ra ngoài khu vực nội đô, trong đó có việc di dời trụ sở các bộ ngành, trường học, bệnh viện, di dân phố cổ, cải tạo chung cư cũ…

Theo tính toán của giới quy hoạch, riêng đối với việc di dời các trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176 ha; giảm khoảng 120.000 người. Đồng thời, khoảng 100.000 dân sẽ giảm cơ học tự nhiên do việc di dời theo các bộ, ngành...

Đến nay đã có một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương hoàn thành đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao… nhưng vẫn tiếp sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho thành phố Hà Nội khai thác (chỉ Bộ Nội vụ bàn giao lại trụ sở cũ). Chỉ một việc đó thôi cũng đã thấy vấn đề không hề đơn giản, cho dù có đất có nhà để “di dời” rồi nhưng chỗ cũ thì vẫn chưa được đưa vào sử dụng cho yêu cầu mới.

Còn với các trường đại học, cao đẳng thì sao? Hiện các đại học lớn như Bách Khoa, Kinh tế quốc dân, Xây dựng, Thủy lợi… trường nào cũng trên 10.000 sinh viên cả, nhưng vẫn lại là điệp khúc “biết đi đâu về đâu”.

Trong khi, từ năm 2011, Thủ trướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh việc sắp xếp lại hệ thống trường đại học, cao đẳng khu vực nội đô; xây mới các khu, cụm đại học học ở các huyện ngoại thành Thạch Thất, Sơn Tây, Gia Lâm, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phú Xuyên, với diện tích từ 3.500 đến 4.500 ha, quy mô khoảng 50.000 sinh viên.

Tới nay, sau 10 năm triển khai, duy nhất Trường Đại học Y tế cộng đồng thực hiện di dời. Còn thì như Đại học Quốc gia Hà Nội được cấp 1.000 ha ở Hòa Lạc đến nay vẫn chưa đưa vào dạy học được.

Còn với dân? Câu chuyện nghe chừng phức tạp hơn.

Bất cứ người Hà Nội nào cũng đều từng nghĩ đến khu phổ cổ, cho dù không từng sinh sống ở đó. Đã có thời người ta kêu gọi chính quyền chuẩn bị điều kiện để đề nghị UNESCO công nhận khu phố cổ Hà Nội là di sản của nhân loại. Nhưng cũng lại có người cho rằng không thể gọi là phố cổ được, mà chỉ gọi là phố cũ vì giá trị kiến trúc không nhiều, không gian sống rất eo hẹp.

Ý kiến ấy lập tức bị phản ứng dữ dội vì nói chung trăm người Hà Nội thì gần cả trăm người có tình với khu vực này. Tuy nhiên, sau đó ý tưởng lãng mạn là đề nghị UNESCO công nhận phố cổ Hà Nội là di sản của nhân loại cũng không thấy triển khai.

Hiện thời, có thể nói chắc như đinh đóng cột rằng không có bất cứ khu vực phố phường nào trên đất nước ta mật độ dân số đông như khu vực phố cổ Hà Nội. Nhà thì thấp, hầu hết là nhà theo chiều dọc như chiếc ống mặt này là một phố, mặt kia lại là một phố. Đường hẹp, nhà thấp, nhà nhà là cửa hàng kinh doanh, suốt sáng sớm tới đêm khuya lúc nào nhộn nhịp tấp nập. Người ta nói rằng, người dân ở đây sống như cá trong hộp. Một số nhà có tới chục hộ dân là chuyện thường.

Ấy vậy nhưng bảo di dời, chuyển tới chỗ mới rộng rãi hơn thì hầu hết mọi người lại không chịu. Lý do rất thực tế vì đây là nơi “hái ra tiền” do kinh doanh khá dễ dàng. Hàng trăm năm đi qua, khu vực này luôn sầm uất. Đến độ hình thành cả khái niệm “giai phố cổ”, “gái phố cổ” như một đẳng cấp của người Hà Nội. Những chàng trai phong trần phong lưu, những cô gái điệu đà đỏm dáng ngày ngày được hít thở bầu không khí phố cổ, với những cây bàng già nua trước cửa hay đâu đó vọng ra tiếng piano sang trọng từ ô cửa sổ gỗ sơn xanh nhuốm màu thời gian.

Trở lại với thực tế, vào khoảng giữa năm 2019, Đề án giãn dân phố cổ được tái khởi động sau 20 năm “nằm im”. Theo đó, có hai đối tượng thuộc diện di dời. Thứ nhất là đối tượng bắt buộc, gồm cư dân sống ở đình, đền, di tích, trường học, hoặc đất công sản… Và thứ hai là cư dân sống tại các nhà cũ xuống cấp. Nhưng đến nay, vẫn không nhận được nhiều đồng thuận của người dân. Đó là chưa nói đến chính sách tái định cư, nhà ở xã hội cho người di dời nhưng gần đây lại là nhà ở thương mại phục vụ tái định cư. Do đó, người dân không mấy mặn mà.

Di dời, giải tỏa, giãn mật độ khu vực nội đô là điều ai cũng thấy cần phải làm. Nhưng đó là công việc khổng lồ. Chỉ riêng với đối tượng người dân thì cũng đã nhiều cái vướng. Trong khi đó, như đã nói, nhiều trụ sở bộ ngành, nhiều trường đại học, cao đẳng… cũng lại chưa chịu di dời, thế thì “nêu gương” cho dân làm sao được.

Vậy nên mới nói, để một chủ trương lớn di dời 215.000 dân ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội, không bị rơi vào tình thế thất bại, thì trước hết những cơ quan công quyền, trường học phải làm trước. Để từ đó dân sẽ đi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài toán di dời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO