Bài toán hạ tầng giao thông

Duy Phương 30/07/2019 08:00

“Một trận mưa lớn ở Hà Nội mà đã tắc hết đường và với TP Hồ Chí Minh thì ảnh hưởng càng rõ nét hơn” - nhận định nói trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ liên quan đến vấn đề tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm và sự tác động tới tăng trưởng chung của cả nước diễn ra mới đây.

Tại cuộc họp, nêu lên nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó lưu ý thúc đẩy các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Bài toán hạ tầng giao thông

Chuẩn bị “băng” qua quốc lộ Ảnh: Gia Chính.

Nói về hạ tầng giao thông, có lẽ đây chính là lĩnh vực đang tồn tại nhiều vấn đề “nóng” nhất hiện nay. Trước hết, phải nói đến những bất cập liên quan đến các trạm thu phí BOT đường bộ, trong đó có sự chậm trễ trong triển khai thực hiện thu phí đường bộ bằng hình thức thu tự động không dừng. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 849/CĐ-TTg, chỉ đạo kiên quyết, sẽ dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu tự động không dừng, bảo đảm chậm nhất trước ngày 31/12/2019 chuyển sang thu phí tự động đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc. Sở dĩ lâu nay, những dự án thu phí đường bộ BOT luôn gây bức xúc trong dư luận xã hội là bởi có tình trạng phí chồng phí, phí quá cao trong khi người dân lại không được hưởng dịch vụ xứng đáng với mức phí mình chi trả.

Cùng đó, gần đây dư luận cũng xôn xao về Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, thông qua một đề xuất cũng của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Trên thực tế, nếu có công trình này sẽ cơ bản giải quyết được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân, doanh nghiệp ngày càng lớn. Tuy nhiên, với ý tưởng xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tốc độ đạt 350 km/h mà Bộ GTVT đưa ra, xem ra chưa phù hợp với hoàn cảnh, khả năng tài chính, ngân sách của quốc gia. Bởi, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt này nếu giảm tốc độ còn 200km/h thì chi phí sẽ giảm xuống chỉ còn 26 tỷ USD, thấp hơn con số mà Bộ GTVT đưa ra đến hơn 32 tỷ USD (số vốn theo kịch bản mà Bộ GTVT xây dựng lên đến 58,7 tỷ USD). Nếu nhìn vào tổng mức đầu tư như đề xuất của Bộ GTVT, con số 58,7 tỷ USD được giới chuyên gia kinh tế coi như một gánh nặng của nền kinh tế, bởi nó lớn gấp 50 lần tổng chi của ngân sách trung ương dành cho phát triển hạ tầng giao thông của một năm tài khóa...

Những ngày gần đây, liên tiếp các vụ tai nạn giao thông (TNGT) rất đáng lo ngại trên các tuyến quốc lộ lớn. Một trong những tuyến quốc lộ xảy ra nhiều TNGT nhất phải kể đến Quốc lộ 5 đi qua địa phận tỉnh Hải Dương dài hơn 44km. Dù là tuyến đường huyết mạch có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn, song tuyến quốc lộ này lại bị người ta đặt cho cái tên “con đường tử thần” bởi đã xảy ra quá nhiều vụ TNGT hy hữu. Hy hữu ở chỗ, có khi người đi bộ chạy thể dục buổi sáng cũng bị xe ô tô khách lao vào gây tử vong. Có trường hợp, đoàn người đi viếng nghĩa trang khi đi qua tuyến quốc lộ này cũng bị TNGT khiến 8 người tử vong cùng một lúc. Nguyên nhân cũng là bởi tại tuyến quốc lộ này thiếu cầu vượt dành cho người đi bộ. Có nơi, người dân muốn sang bên kia đường nếu không muốn đi thêm gần chục kilomet nữa thì chỉ còn cách băng qua đường lớn. Cũng chỉ vì không có lối riêng cho người đi bộ nên tại tuyến đường này nhiều đường ngang đã được mở một cách tự phát. Và đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều vụ TNGT thảm khốc.

Các vấn đề về trạm thu phí BOT, những công trình giao thông chậm tiến độ, đội vốn, và những “cung đường tử thần” tiềm ẩn những nguy cơ về TNGT … đang là những dấu hỏi lớn đặt ra cho ngành giao thông. Chính bởi vậy, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc ý thúc đẩy các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cũng là mong mỏi của xã hội đối với nhà quản lý nói chung, với ngành GTVT nói riêng. Không thể để tình trạng phí chồng phí, đội vốn, ỳ ạch tiến độ, TNGT ám ảnh người dân, doanh nghiệp. Suy cho cùng, xã hội muốn phát triển, nền kinh tế muốn nâng sức cạnh tranh, phải bắt đầu từ sự ổn định của hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài toán hạ tầng giao thông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO