Bàn cách phát triển cây sâm Ngọc Linh

Tấn Thành 12/06/2017 12:14

Sáng 12/6, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) diễn ra Hội thảo"Giải pháp phát triển cây sâm Ngọc Linh" do Báo Nhân dân phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức.

Quang cảnh hội thảo.

Tại đây, UBND tỉnh Quảng Nam cùng các nhà chuyên gia, nghiên cứu, các doanh nghiệp cùng nhau ngồi lại để thảo luận tìm giải pháp phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Để bảo tồn sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh Quảng Nam đã xây dựng Dự thảo Đề án “Quy định về cho thuê đất rừng và mức giá cho thuê đất rừng để bảo vệ và phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, nhằm bảo vệ và phát triển vốn rừng, bảo tồn nguồn gien gốc sâm Ngọc Linh. Đồng thời, tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân, tạo ra các sản phẩm dược liệu từ cây sâm mang thương hiệu đặc trưng Quảng Nam.

Theo Dự thảo Đề án, sẽ miễn tiền thuê đất để trồng Sâm Ngọc Linh tại 3 huyện: Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang. Đề án đã xác định một số nhiệm vụ quan trọng, một trong số đó là Dự án Di thực cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo dự án, đến năm 2020, tại 6 xã trong huyện Nam Trà My di thực được 6 ha (mỗi xã 1 ha) và phát triển trồng rừng đạt 60 ha, mỗi xã 10ha.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại Hội thảo.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý hiếm và có giá trị kinh tế rất cao, sâm có nguồn gốc chỉ dẫn địa lý tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, được người dân phát hiện và trồng rất lâu. Đối với tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đã nhận thức được rằng cây sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác là hướng đi chủ lực để xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của bà con miền núi”-”.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, đến nay đưa vào sản xuất, phát triển, khai thác sâm này còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu vẫn là sâm củ, các sản phẩm sản xuất từ cây sâm Ngọc Linh chưa nhiều, chưa cao.

Do đó, mong muốn tại hội thảo này các nhà chuyên gia, nghiên cứu, các doanh nghiệp,… cùng nhau phân tích. Đưa ra nhiều đề án để làm rõ việc bảo tồn giống sâm gốc, xây dựng phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, từ trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, để khai thác hiệu quả đối với cây sâm Ngọc Linh ở tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Sâm Ngọc Linh cho giá trị kinh tế cao.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: Mặc dù, giá trị kinh tế mà cây sâm mang lại khá cao, giá sâm tươi từ 30 - 40 triệu đồng/kg, 1ha sâm Ngọc Linh sau 5 năm sẽ thu lời khoảng 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh vẫn ở quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh đặc hữu của vùng, số hộ trồng sâm còn ít, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự “mặn mà” với dự án phát triển cây sâm quý.

Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và mới đây sâm Ngọc Linh đã được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Dự án mở ra tín hiệu lạc quan cho Quảng Nam về một “mảnh đất vàng” trồng cây sâm quý, giúp nâng tầm vị thế cho địa phương, đưa thương hiệu nhân sâm Việt Nam đi khắp năm châu bốn biển, giúp người dân thoát nghèo, từng bước nâng cao đời sống và giữ gìn màu xanh quê hương.

Theo TS Trần Thị Liên - Viện Dược liệu, để bảo tồn và phát triển nguồn giống sâm Ngọc Linh là nhân giống vô tính dùng từ hai đến ba đốt trên cùng của thân rễ hoặc lấy toàn bộ phần thân rễ chứa mắt ngủ, cắt ra từng khúc chấm vào tro bếp, sau đó đem ươm trong bầu polyethylen hoặc ươm trên đất mùn. Mỗi đốt có thể nảy mầm cho một cây sâm con với một lá kép. Đối với đoạn thân rễ mang chồi ở tuổi thứ tư trở lên, có thể cho ngay một thân mang ba lá kép và tán hoa, như vậy sau một năm trồng đã có thể thu hoạch hạt từ cây này.

Đến nay, sâm Ngọc Linh vẫn còn khai thác nhỏ lẻ.

“Trồng từ thân rễ nhanh chóng cho hạt giống, cây con giống nhân vô tính mọc khỏe, nhanh ra hoa hơn so với cây nhân giống từ hạt. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là: hệ số nhân giống thấp do một năm thân rễ chỉ ra mầm một lần, giá thành cây giống cao. Ngoài ra, khi nhân giống nếu xử lý không tốt dễ bị thối mầm…” - bà Liên nói.

Cũng theo TS Trần Thị Liên, còn cách bảo tồn khác là theo cách nhân giống hữu tính, nghiên cứu phát triển sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha et Grushv., họ Araliaceae) nhằm sản xuất nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế và một số nghiên cứu cho kết quả nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhân giống từ hạt trong điều kiện hạt được gieo trồng trên khay nhựa, không trồng ở điều kiện ngoài đất.

“Định hướng của chúng tôi là hướng đến phát triển ngày càng nhiều hơn dòng sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh như viên nang mềm, viên nang cứng, rượu, trà túi lọc, trà hòa tan, kẹo ...,đưa công nghệ vào chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, tăng sinh khả dụng, tiết kiệm nguyên liệu; mở rộng trọng tâm nghiên cứu các tính dược của Sâm Ngọc Linh để cho ra đời nhiều sản phẩm đặc trị theo từng bệnh lý, đi từ sản xuất thực phẩm chức năng đến chế biến dược phẩm, mỹ phẩm; từng bước tạo ra các sản phẩm dược liệu từ cây sâm mang thương hiệu đặc trưng Quảng Nam…” – bà Liên nhấn mạnh.

Một góc vùng cao xã Trà Linh nơi có gióng sâm cho giá trị kinh tế cao.

Kỹ sư Trương Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Sâm Sâm đưa ra giải pháp rằng: Với mong muốn góp phần đưa thương hiệu “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam” lên tầm cao trên thị trường trong và quốc tế, Công ty TNHH Sâm Sâm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu bào chế và đánh giá tính an toàn hiệu quả của viên nang mềm Sâm Ngọc Linh” do Sở KH&CN Quảng Nam đầu tư. Hiện đề tài này, đang được Sở thẩm định, phê duyệt.

Còn các nghiên cứu trong đề tài: Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, kỹ thuật trồng và quy hoạch phát triển cây sâm K5 tại Kon Tum của chủ nhiệm Nguyễn Bá Hoạt cho thấy: Phương pháp này cho tỷ lệ sống cao trên 65%, Mỗi đốt có thể nảy mầm cho một cây sâm con với 78% số cây có ba lá kép và một tán hoa, số lượng cây đậu quả 61,5%, số quả trên cây từ 9,2-11 quả sau một năm trồng.

Trước đó (11/6), tại huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) đã diễn ra Lễ hội Sâm ngọc linh. Trước đó tháng 9/2015, Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000 ha, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng.

Trong đó vốn ngân sách khoảng 1.500 tỷ, còn lại huy động vốn xã hội hóa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2017, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 cho cây sâm Ngọc Linh (sâm Ngọc Linh ở đỉnh Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bàn cách phát triển cây sâm Ngọc Linh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO