Bán hàng đa cấp: Số lượng doanh nghiệp giảm nhưng doanh thu vẫn tăng 'khủng'

Nguyễn Trọng 14/10/2020 08:00

Mặc dù số lượng doanh nghiệp và số lượng người tham gia giảm nhưng doanh thu của ngành bán hàng đa cấp từ năm 2016 đến nay lại tăng hàng chục % mỗi năm.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội mới đây về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII lĩnh vực Công Thương, nếu như năm 2016 cả nước mới có 67 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp thì đến tháng 9/2020, con số này chỉ còn 21 doanh nghiêp.

Ảnh minh hoạ

Cũng theo báo cáo này, 46 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc tự chấm dứt hoạt động vì kém hiệu quả, giảm 68%.

Về số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, năm 2016 có đến 1,3 triệu người tham gia thì đến nay chỉ còn khoảng hơn 644.996 người ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp. Trong đó có chưa đến 311.668 người có hoạt động bán hàng và phát sinh hoa hồng, còn lại chủ yếu là ký hợp đồng để được mua hàng với giá chiết khấu mà không tham gia bán hàng.

Đáng chú ý, mặc dù số lượng doanh nghiệp và số lượng người tham gia giảm, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp lại có xu hướng gia tăng. Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2017, doanh thu toàn ngành đạt khoảng 8.000 tỷ đồng/năm; năm 2018 đạt hơn 10.000 tỷ đồng/năm.

Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2019 của các doanh nghiệp đạt khoảng 12.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.793 tỷ đồng (tăng 16%) so với năm 2018 và tăng 4.247 tỷ đồng (tăng 35%) so với năm 2017.

Tính đến hết tháng 6/2020, tổng doanh thu bán hàng đa cấp trên toàn thị trường đạt khoảng 6.776 tỷ đồng, bằng 54% doanh thu của năm 2019, tăng 17% so với tổng doanh thu cùng kỳ của ngành năm 2019.

Bộ Công Thương đánh giá, hiện công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, pháp lý, thực tiễn và nguồn nhân lực.

Bộ này đặc biệt nhấn mạnh vào vấn đề hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua các hình thức đầu tư như hoạt động đầu tư tiền vào các dự án tài chính, tiền ảo, ví điện tử… đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng. Việc quản lý các hoạt động này là rất khó khăn.

"Các đối tượng hoạt động truyền miệng hoặc thông qua các hội nhóm kín qua mạng xã hội nên việc tiếp cận để thu thập thông tin, chứng cứ để xử lý rất hạn chế, cần sự vào cuộc của không chỉ Bộ Công Thương mà còn cần sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan như: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…", đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ngoài ra, một số địa phương phản ánh quy định hiện hành không yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc cơ sở kinh doanh tại địa phương nên công tác giám sát ở địa phương chưa thực sự hiệu quả.

Để quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện 3 nhóm giải pháp tổng thể.

Thứ nhất là tiếp tục duy trì các hoạt động quản lý đã phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân.

Thứ hai là phối hợp chặt chẽ với địa phương, giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa bản chất hoạt động truyền miệng, không có địa điểm cố định của hoạt động bán hàng đa cấp với khó khăn trong công tác quản lý tại địa phương khi doanh nghiệp không có địa điểm hoạt động cố định.

Thứ ba là tăng cường phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an, trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tượng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút tài chính trái phép; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo để người dân sớm nhận diện và phòng tránh trước các hoạt động này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bán hàng đa cấp: Số lượng doanh nghiệp giảm nhưng doanh thu vẫn tăng 'khủng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO