Băn khoăn chất lượng giảm nghèo

H.Vũ 11/09/2019 07:30

Chiều 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS,MN) giai đoạn 2012-2018”.

Kết quả giám sát cho thấy: Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản ĐBKK vùng DTTS, MN. Đến nay đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện... Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS giảm trung bình khoảng 3,5%/năm.

Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy trong giai đoạn 2016-2018, số huyện được công nhận thoát nghèo đạt tỷ lệ thấp 8/64 huyện (12,5%); 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; tuy nhiên giai đoạn này lại phát sinh, bổ sung 13 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a. Tính đến năm 2018, số thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn đạt tỷ lệ rất thấp: 0,51% tương ứng với 104 thôn/20.243 thôn đặc biệt khó khăn.

Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm tỷ lệ lớn so với số hộ nghèo cả nước. Về nguyên nhân dẫn đến kết quả giảm nghèo vùng DTTS, MN chưa thực sự bền vững, theo ông Hà Ngọc Chiến- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát thì một số ít người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng. Đồng bào DTTS, MN ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhất là các hộ di dân tự do còn thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu phương tiện sản xuất, ảnh hưởng lớn đến công tác giảm nghèo bền vững. Một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất còn manh mún, dàn trải, một số chính sách trùng lặp về nội dung và địa bàn, đối tượng thụ hưởng…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nguồn lực khó khăn nhưng kỷ luật tài chính vẫn còn lỏng lẻo. Qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, sai phạm giai đoạn sau lại cao hơn giai đoạn trước. Cụ thể, giai đoạn 2012-2015, sai phạm 104 tỷ đồng nhưng giai đoạn 2016-2018, sai phạm tới hơn 141 tỷ đồng. Do đó thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia chung cả nước nhưng cần đặc biệt quan tâm đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt cần đi vào những đột phá như hạ tầng, giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băn khoăn chất lượng giảm nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO