Băn khoăn đầu tư đường sắt tốc độ cao

Hạnh Nhân 31/03/2021 06:59

Trước thực trạng đường sắt chìm trong thua lỗ từ nhiều năm qua, không ít ý kiến cho rằng biện pháp giải cứu ngành đường sắt hiệu quả là đẩy nhanh đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, với số tiền đầu tư khủng, cần có những tính toán thật kỹ lưỡng tránh lãng phí.

Dịch Covid-19, vận tải đường sắt vắng vẻ.

Cần xác định mục tiêu rõ ràng

Sốt ruột với sự chậm trễ của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt VN vừa đề xuất: Nên đầu tư càng sớm càng tốt. Việc xây dựng càng lâu thì giá trị sẽ càng đội lên, ví dụ như trượt giá, chi phí tài chính, chậm đưa vào khai thác… Mặt khác, khi phân định rõ phần nào doanh nghiệp được làm như vậy sẽ có các nhà đầu tư tham gia, đặc biệt là các quốc gia đã phát triển đường sắt tốc độ cao...

Trước đó, tháng 2/ 2019, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tốc độ khai thác 320 km/giờ, được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách với thời gian 5h20 (nếu không dừng ở một số ga) và 6h55 nếu dừng ở tất cả ga. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 triệu tỷ đồng (58,7 tỷ USD).

Trên thực tế, mối lo về số vốn khổng lồ áp lực lên ngân sách là vướng mắc lớn nhất khiến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dù được đưa ra trình gần 10 năm nay nhưng vẫn chưa chốt được phương án. Đây cũng là lý do Bộ KH-ĐT vào tháng 7/2019 đã báo cáo Thủ tướng phương án tốc độ 200 km/giờ, tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỉ USD, giảm hơn 32 tỉ USD so với đề xuất của Bộ GTVT.

Bởi vậy, xác định rõ mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt này là vấn đề được đặt ra, bởi giới chuyên gia cho rằng: Trong khi Bộ GTVT lựa chọn phương án 350 km/giờ, tốc độ chạy tàu 320 km/giờ chỉ thích hợp để chở người. Còn Bộ KH-ĐT lại chọn phương án vừa chở người vừa chở hàng, tốc độ 200 km/giờ. Hai phương án khác nhau về mục tiêu thì không thể so sánh được, nên nếu không xác định được mục tiêu rõ ràng cho dự án thì dù bàn cãi nhiều năm nữa cũng không thể làm được.

Trong khi đó các chuyên gia cho rằng, mỗi phương án tài chính cần được xây dựng trên cơ sở cập nhật và phân tích đúng thực trạng cũng như xu hướng tăng trưởng kinh tế, ngân sách nhà nước, khả năng vay nợ công và vay ODA…

Đổi mới quản lý?

Tuy nhiên, về phía dư luận, một số ý kiến cho rằng các quốc gia như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và một vài nước châu Âu... đều làm tàu với tốc độ cao 350 km/h, tại sao chúng ta không làm như vậy? Nhưng để đạt được tốc độ đó phải tốn rất nhiều tài chính, nhân lực, thiết bị, nhân sự, chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng... Rồi tất cả chi phí đó ra giá vé, liệu giá vé đó cao hơn giá vé máy bay thì có khách đi không?

Mà tàu với tốc độ đó chỉ để vận chuyển hành khách mà không vận chuyển được hàng hóa thì chắc chắn sẽ không bao giờ đủ nguồn thu để vận hành chứ chưa nói đến khấu hao, có lãi để trả nợ khoản vay. Bên cạnh đó, trong hơn 30 quốc gia có đường sắt cao tốc thì có tới 2/3 các quốc gia chọn lựa phương án 200 km/h.

Thực tế, các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức hệ thống đường sắt của họ đều kết hợp giữa chở khách và hàng hóa. Nếu làm đường sắt chỉ để chở khách và cạnh tranh với máy bay thì thật xa vời và lãng phí.

Đáng lưu ý, có ý kiến cho rằng, hãy đổi mới quản lý đường sắt trước đã. Nghịch lý ở chỗ ngành hàng không đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, nhân lực chất lượng cao, giá vé cạnh tranh thì nhiều hãng hoạt động nhộn nhịp, trong khi ngành đường sắt dù một mình một chợ vẫn loay hoay với lỗ vốn, doanh thu giảm. Nên chăng cần có sự cải tổ triệt để bộ máy nhân sự quản lý, điều hành của ngành đường sắt chứ còn quản lý trông vào “bầu sữa” bao cấp.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông tin, trong tháng 4 và tháng 5/2021, vận tải đường sắt thực hiện chương trình kích cầu với hơn 10.000 vé tàu giảm giá 50% trên các mác tàu tuyến Bắc - Nam. Cụ thể, thời gian đi tàu từ ngày 5/4 đến hết ngày 28/4 và từ ngày 4/5/2021 đến hết ngày 26/5/2021. Riêng với đôi tàu SE5/SE6 áp dụng từ ngày 5/4 đến hết ngày 28/4 và từ ngày 4/5 đến hết ngày 24/5/2021. Thời gian bán vé: Kể từ 8h00 ngày 1/4 đến hết ngày 23/5/2021. Chương trình kích cầu áp dụng cho hành khách mua vé trước ngày tàu chạy từ 3 ngày trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băn khoăn đầu tư đường sắt tốc độ cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO