Băn khoăn quản lý lao động nước ngoài

T. Giang 09/11/2015 09:40

Việc quản lý lao động nước ngoài thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng gia tăng lao động phổ thông người nước ngoài vào Việt Nam. Một số người nước ngoài vãng lai vi phạm pháp luật như lừa đảo, gây tệ nạn xã hội.

Băn khoăn quản lý lao động nước ngoài

Ảnh minh họa.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, lượng lao động người nước ngoài liên tục tăng cao qua các năm. Năm 2010, số lao động nước ngoài tăng gần 3% so với năm 2009, năm 2011 tăng trên 32% so với năm 2010 và năm 2012 giảm gần 2% so với năm 2011.

Tính đến cuối năm 2014 cả nước đã có 76.309 lao động ngoại tập trung tại các thành phố lớn. Trong đó, TP HCM chiếm tỷ lệ đông nhất chiếm trên 23%. Về trình độ học vấn có 82,6% lao động nước ngoài có trình độ đại học trở lên, gần 6% có trình độ cao đẳng và cao đẳng nghề. Về trình độ chuyên môn có 70% lao động là chuyên gia trong các lĩnh vực.

Theo cơ quan quản lý, nguyên nhân của việc thu hút lao động nước ngoài là do từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh dẫn đến nhu cầu lao động nước ngoài cũng tăng lên. Dự báo sau khi ký kết Hiệp định TPP, đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng dẫn đến gia tăng về nhu cầu đối với lao động nước ngoài có chuyên môn cao.

Tuy nhiên khâu quản lý nhân lực ngoại đang có những bất cập đáng kể. Thực tế phát sinh nhiều trường hợp di chuyển nhân viên nội bộ trong cùng một tập đoàn của nhà đầu tư nước ngoài. Đây là nhu cầu hết sức tự nhiên của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, trường hợp di chuyển lao động giữa hai công ty con của DN lại bắt giấy phép lao động.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, đại diện Công ty Luật Mayer Brown GSM, trường hợp các chuyên gia vào Việt Nam với thời hạn dưới 3 tháng để xử lý những sự cố, tình huống kỹ thuật công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng đến quy trình sản xuất kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam không xử lý được sẽ không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Đây là trường hợp khẩn cấp nhưng quy định vẫn bắt các chuyên gia nước ngoài xác nhận người lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động tối thiểu trước 7 ngày làm việc. Trước những bất cập trong quản lý lao động nước ngoài, nhiều DN than phiền vì sự rắc rối không đáng có. DN cần sự thông thoáng hơn cho lao động, thay vì những tình huống không cần siết thì lại siết quá quá chặt.

Cạnh tranh quốc tế trong lao động thúc đẩy cạnh tranh và phân công lao động trong nước. Một lượng lớn lao động nước ngoài có chuyên môn cao đã và đang tìm kiếm cơ hội làm việc tại Việt Nam.

Bà Phạm Thị Huyền, giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân thông tin, việc quản lý lao động nước ngoài ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam thu hút khá lớn lượng lao động các nước đang sinh sống và làm việc.

Bởi vì, nhiều nhà thầu nước ngoài chưa thực hiện việc kê khai trong hồ sơ đề xuất về các phương án sử dụng lao động Việt Nam và lao động nước ngoài theo quy định. Hiện nay phổ biến tình trạng lao động nước ngoài vào Việt Nam không chuẩn bị đầy đủ giấy tờ để xin cấp giấy phép lao động. Khi cơ quan chức năng yêu cầu thì đưa ra nhiều lý do để trì hoãn.

Việc quản lý lao động nước ngoài thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng gia tăng lao động phổ thông người nước ngoài vào Việt Nam. Một số người nước ngoài vãng lai vi phạm pháp luật như lừa đảo, gây tệ nạn xã hội.

Trước những bất cập về quản lý lao động nước ngoại, ông Nguyễn Hoàng Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương cho rằng, Thông tư số 41 (thủ tục cho người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ không thuộc diện cấp giấy phép lao động) của Bộ góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh việc quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam đồng thời để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nước ngoài và đơn vị sử dụng lao động nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băn khoăn quản lý lao động nước ngoài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO