Bán lẻ nội: Lúng túng tìm thị phần

Minh Phương 12/09/2016 09:05

10/9, chuỗi siêu thị bán lẻ nổi tiếng MINISO của Nhật Bản đã chính thức khai trương 3 cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, đóng góp và làm phong phú thêm danh sách các siêu thị ngoại nhập đã đặt chân vào Việt Nam. Sự kiện này tiếp tục đặt ra cho ngành bán lẻ Việt Nam những thách thức lớn trước áp lực hội nhập.

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang đứng trước sức ép
của nhà bán lẻ đến từ nước ngoài.

3 cửa hàng đầu tiên thuộc chuỗi siêu thị bán lẻ nổi tiếng MINISO của Nhật Bản đã chính thức được khai trương tại Hà Nội ở các địa điểm: 53 Thái Hà (Đống Đa), số 2 Hàng Ngang (Hoàn Kiếm) và Tầng 1 toà nhà Indochina Tower (214 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy).

Theo ông Miyake Junya, Chủ tịch sáng lập MINISO, thị trường Việt Nam được xem là cầu nối với thị trường Đông Nam Á giúp thương hiệu này phát triển các chuỗi cửa hàng trong tương lai. Dự kiến cuối năm MINISO sẽ mở thêm 12 cửa hàng tại Hà Nội, TP.HCM và 4 tỉnh thành khác. Như vậy, sau hàng loạt các ông lớn bán lẻ ngoại, MINISO tiếp tục “ghi tên vào danh sách các đại gia ngoại thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Thời gian qua, thị trường bán lẻ đã và đang chứng kiến sự xâm nhập mạnh mẽ của làn sóng ngoại nhập. Chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường đã liên tục chứng kiến các vụ việc mua bán sáp nhập (M&A) giữa các DN ngoại và DN nội. Đó là vụ BJC của Thái Lan thâu tóm toàn bộ Metro.

Tiếp đến, AEON đã mua 49% của Citymart và 30% của Fivimart, Centarl Group của Thái Lan mua 49% của điện máy Nguyễn Kim. Nojima nắm giữ 31% cổ phần của Điện máy Trần Anh, và gần đây nhất là sự vụ hệ thống siêu thị BigC cũng lại rơi vào tay người Thái.

Theo ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội Các siêu thị Hà Nội, từ nay đến cuối năm và cả những năm tiếp theo, M&A tiếp tục sôi động với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài và một số ít nhà đầu tư trong nước vào cả lĩnh vực phân phối và dịch vụ. Điều này cũng có nghĩa, các DN ngành bán lẻ đang đối diện với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.

Đánh giá của giới chuyên gia, DN nước ngoài có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với DN nội: lợi thế về vốn, mặt bằng; công ty mẹ là những đại gia bán lẻ toàn cầu trường vốn và có chiến lược chịu lỗ nhiều năm để xây dựng mạng lưới, đội ngũ, thương hiệu trước khi kiếm lời tại Việt Nam. DN bán lẻ ngoại còn có mức độ chuyên nghiệp, có sự tin cậy từ nhà cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước; có phương thức thanh toán linh hoạt.

Những lợi thế của nhà bán lẻ ngoại lại cũng chính là điểm yếu của các DN bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, rất đáng chú ý khi ông Vũ Vinh Phú cho rằng, trong khi DN nước ngoài vay vốn ngân hàng chỉ chịu mức lãi thấp, chỉ khoảng 1%; trong khi đó DN nội lại phải chịu mức cao gấp nhiều lần (8 đến10%). “Ngoài ra, kế hoạch chiến lược, nhân sự và thái độ dịch vụ của chúng ta cũng thua kém họ rất nhiều, do đó chúng ta khó có thể cạnh tranh được”- vẫn theo ông Phú.

Trở lại với sự xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam của chuỗi siêu thị bán lẻ tỷ đô của Nhật Bản (MINISO), theo ông Miyake Junya- Chủ tịch sáng lập MINISO thế mạnh của thương hiệu này là có thể tự thiết kế, sản xuất và phân phối hàng nghìn loại sản phẩm khác nhau từ đầu đến cuối với giá cả phải chăng. Điều này hoàn toàn khác với các DN bán lẻ nước nhà.

Điểm yếu lớn nhất khiến các DN bán lẻ trong nước khó có thể trụ vững trên thị trường được các chuyên gia mổ xẻ, chính là thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường. Thậm chí có tình trạng DN trong nước không những không liên kết mà còn chơi xấu lẫn nhau bằng cách bán dưới giá thành hoặc tung ra các kiểu khuyến mãi thiếu lành mạnh…

Như vậy, bao giờ DN bán lẻ trong nước mới có được sức mạnh để cạnh tranh với DN ngoại trên chính sân nhà?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bán lẻ nội: Lúng túng tìm thị phần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO