Bán lẻ nội tìm cách giữ thị phần

Minh Phương 13/09/2019 08:00

Chứng kiến sự xâm nhập mạnh mẽ của các DN bán lẻ ngoại, các DN bán lẻ trong nước đã không ngồi yên, từng bước có chiến lược riêng mở rộng quy mô, với mục tiêu giữ vững thị phần, bảo vệ thế “chủ sân”.

Những năm qua thị trường bán lẻ chứng kiến sự xâm nhập ồ ạt của các nhà bán lẻ ngoại. Đó là sự tham gia của người Thái và người Nhật, họ sẵn sàng mua lại các DN bán lẻ của Việt Nam với mục đích mở rộng quy mô, thị phần tại “sân khách”. Những cái tên như Lotte, Aeon… ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, không ngồi yên, DN bán lẻ nội cũng đang mở rộng quy mô, chủ động giữ thị phần với mục tiêu giữ vững sân nhà.

Điều này được chứng minh rất rõ ràng khi hàng loạt DN bán lẻ nội đang tìm cách nhân rộng hệ thống kinh doanh của mình khắp cả nước. Cuối tháng 8 vừa qua, hệ thống VinMart tiếp tục “ghi dấu ấn” trên thị trường bán lẻ khi thâu tóm 8 siêu thị Queenland Mart, nâng tổng số điểm bán VinMart lên 120. Tính cả VinMart+, Vingroup hiện sở hữu chuỗi siêu thị đồ sộ lên tới 2.122 điểm bán.

Hồi tháng 4 năm 2019, Công ty Cổ phần (CP) Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce - đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ - đã công bố việc sẽ nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go với giá 1 USD. Trước đó, vào cuối năm 2018, VinCommerce cũng tuyên bố hoàn thành việc mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart từ Công ty CP Nhất Nam. Ngay sau việc sáp nhập này, hệ thống Fivimart được đổi tên thành VinMart.

Cho đến thời điểm này, Vinmart là cái tên trong ngành bán lẻ được dư luận, người tiêu dùng trong nước nhắc đến nhiều nhất khi có mặt ở hầu hết các ngõ ngách trên địa bàn các địa phương. Điều này một phần do hệ thống bán lẻ này đã luôn nỗ lực nâng sức cạnh tranh, đáp ứng ngày càng cao hơn thị hiếu người tiêu dùng trong nước.

Ngoài Vinmart, nhiều công ty trong ngành bán lẻ đã và đang ngày càng khẳng định vị thế của mình ngay trên sân nhà. Đóng góp vào danh sách tên tuổi khá nổi của thị trường bán lẻ, Saigon Co.op cũng là một thương hiệu đáng ghi nhận. Theo đó, cuối tháng 6 năm 2019, Saigon Co.op cũng đã tuyên bố mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị của hệ thống Auchan (Pháp) khi hệ thống này rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam. Từ đó, nâng số lượng siêu thị của Saigon Co.op lên tới con số 125, trải dài từ Bắc đến Nam.

Nhận định về thị trường bán lẻ nước nhà, chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất giàu tiềm năng về tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á cũng như nội địa. Với dân số 90 triệu dân, nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn rất lớn. Đây chính là “mỏ vàng” để các DN bán lẻ nội tập trung khai thác. Tuy nhiên, ông Phú cùng cho rằng, kinh tế mở cửa đặt ra yêu cầu các DN bán lẻ nội cần phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ngay tại sân nhà.

Giữ vững thị trường nội địa, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước phát triển là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong điều kiện mà hệ thống phân phối các nước phát triển có nhiều sức mạnh và hàng hóa các nước có nhiều lợi thế, đang xâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam. “Chúng ta cần xây dựng những tập đoàn bán lẻ Việt làm ăn có trách nhiệm với hàng hóa Việt, sản xuất Việt, người tiêu dùng Việt, đồng thời có đủ sức dẫn dắt thị trường bán lẻ và góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển” – ông Phú nhấn mạnh.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông, với dân số trên 90 triệu dân, doanh thu bán lẻ hàng hóa luôn tăng trưởng trên 10%/năm, thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng khẳng định sức phát triển mạnh mẽ. Đáng chú ý, các DN trong nước cũng đang vươn lên mạnh mẽ khi tham gia vào hàng loạt các sự kiện mua bán, sáp nhập để mở rộng thị phần. Đó là những tín hiệu khả quan để khẳng định vị thế “làm chủ sân nhà”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bán lẻ nội tìm cách giữ thị phần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO