Bằng giả và cái kết đắng

Nguyễn Tuấn Kiệt 06/07/2017 09:35

Báo Đại Đoàn Kết đã có bài viết “Làm rõ nghi vấn về bằng cấp giả của cán bộ xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông”. Đến nay 4 cán bộ xã này gồm: Bí thư Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Công an xã và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã đã bị cách chức.

Một trong những bằng giả của cán bộ xã Quảng Tâm bị phát hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Minh - Chánh Văn phòng UBND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cho biết: Liên quan đến việc 4 cán bộ xã Quảng Tâm sử dụng bằng cấp 3 giả, sau khi Báo Đại Đoàn Kết đăng tải, qua kiểm tra, UBND huyện đã phát hiện sự việc báo nêu là đúng sự thật. Huyện đã tiến hành xử lý kỷ luật các ông: Điểu Phi Á, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã; Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch HĐND xã; Lê Duy Tôn, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Quảng Tâm.

Mới đây nhất, ngày 29/6, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức đã ra Quyết định số 985/QĐ- UBND xử lý vi phạm đối với ông Trần Xuân Quang, Trưởng Công an xã Quảng Tâm về hành vi sử dụng bằng giả và khai hồ sơ không trung thực. Hiện cả 4 người này đã nghỉ làm việc tại UBND xã Quảng Tâm.

Cũng tại Đắk Nông, liên quan đến việc Chủ tịch xã dùng bằng cấp 3 giả, mới đây Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đã ra quyết định cách hết các chức vụ đối với ông Mai Xuân Sáng (57 tuổi, Ủy viên Ban Chấp Đảng bộ huyện Đắk R’lấp, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Kiến Thành) vì có sai phạm trong việc sử dụng bằng cấp 3 không hợp pháp và khai hồ sơ công chức không trung thực.

Cụ thể, ông Sáng không thi tốt nghiệp cấp 3 nhưng lại sử dụng bằng của một người có tên Mai Xuân Sang và thêm dấu sắc vào để thành tên mình là Sáng. Sau đó, ông Sáng dùng bằng cấp 3 không hợp pháp này để hợp thức hóa hồ sơ công chức làm cán bộ lãnh đạo xã Kiến Thành.

Ông Mai Xuân Sáng thừa nhận, từ năm 1996 - 1998, ông có học cấp 3 ở Trường PTTH huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Lắk cũ), nhưng vì lý do gia đình nên không thi tốt nghiệp được. Vào năm 1998, ông đã nhờ một người quen ở Sở GD-ĐT Đắk Lắk làm cho bằng cấp 3 mang tên Mai Xuân Sáng.

Năm 1999, ông Sáng làm thôn phó thôn 6, xã Kiến Thành. Sau đó, ông được điều sang làm cán bộ đoàn và công an viên của xã. Đến năm 2008, ông được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thành. Từ năm 2010 đến nay, ông Sáng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy Đắk R’lấp, Phó Bí thư và Chủ tịch UBND xã Kiến Thành.

Vừa qua, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô tiến hành xử lý kỷ luật đối với ông Tô Ngọc Phấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện này vì sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 của người khác, cụ thể là anh ruột của mình.

Theo kết quả xác minh của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, trong năm học 1978- 1979 ông Tô Ngọc Phấn không có tên trong danh sách thí sinh tỉnh Hà Tĩnh tham dự kỳ thi tốt nghiệp cấp 3. Giải trình với lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum về khuất tất này, ông Phấn thừa nhận, bản thân đã lấy bằng tốt nghiệp cấp 3 của anh ruột rồi chỉnh sửa thông tin thành bằng tốt nghiệp của mình.

Trước sai phạm của ông Tô Ngọc Phấn, Sở Y tế tỉnh Kon Tum yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô thực hiện hai nội dung, gồm: Tập thể lãnh đạo đơn vị trao đổi, thống nhất với cấp ủy tiến hành xử lý kỷ luật về Đảng và ngay sau khi có kết quả tiếp tục tiến hành xử lý kỷ luật viên chức theo quy định của Chính phủ.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cũng đã giao cho lãnh đạo 27 đơn vị thuộc ngành tiến hành tổng kiểm tra văn bằng, chứng chỉ của cán bộ, nhân viên và phát hiện có nhiều trường hợp sai phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bằng giả và cái kết đắng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO