“Bâng khuâng” giữa dòng xoáy giá vàng

An Hà 26/10/2022 06:00

Buổi trưa 25/10, các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) khá đông người, mặt ai cũng căng thẳng. Hỏi chuyện, vì sao, một khách hàng cho biết “giá cả thất thường mua cũng dở mà bán cũng dở, nên nhiều người “bâng khuâng” lắm”.

Giá vàng lao dốc.

Bâng khuâng như mất một thứ gì quý giá, đó là tâm lý của nhiều người đầu tư hoặc tích trữ vàng “phòng thân” khi mà giá vàng đang lao dốc.

Nhà hàng cho biết, hôm 24/10, giá vàng thế giới tăng tương đương 1,2 triệu đồng/lượng, nhưng giá vàng miếng SJC chỉ tăng 300.000 đồng/lượng. Có nghĩa là thị trường vàng trong nước đang rơi vào tình thế lưỡng lự sau chuỗi rớt giá. Tuy rằng ở thời điểm hiện tại giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới 17,87 triệu đồng/lượng; với giá bán ra ở mức 67,3 triệu đồng/lượng.

Diễn biến này trái ngược với những thời điểm nóng trước đây khi giá vàng miếng SJC thường tăng nhanh giảm chậm.

Vì thế, nhiều người mang vàng miếng đi bán vì sợ sẽ rớt giá nhanh, mạnh hơn, khi nhiều thông tin cho rằng vàng sẽ rơi về mức trên dưới 50 triệu đồng/lượng khi mà giá đồng đô-la Mỹ liên tục lên giá.

Cùng đó, ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước đã đồng loạt nâng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng... thêm 1%. Như vậy là trong vòng 1 tháng (kể từ ngày 23/9), Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh lãi suất tiền gửi cũng như lãi suất cho vay, hướng đi lên. Động thái này nhằm đáp ứng linh hoạt với thế giới khi lạm phát gia tăng, và từ đầu năm đến nay Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3 - 3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong cuối năm 2022, vắt sang năm 2023.

Một ví dụ cụ thể: Ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.700 đồng/USD, tăng 12 đồng/USD so với 1 ngày trước đó. Đồng thời, tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng được điều chỉnh lên 24.870 đồng/USD, tăng tới 490 đồng/USD so với hôm trước. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã nâng giá bán USD tại Sở giao dịch lên thêm khoảng 2% chỉ sau 1 ngày. Riêng chiều mua vào USD Sở giao dịch được để trống.

Ngay sau động thái điều chỉnh giá bán USD của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tăng giá USD.

Trở lại với vàng, từ đầu năm đến nay thị trường trong nước đã chứng kiến nhiều phiên giao dịch “thót tim”. Ví dụ ngày 8/2 (ngày 8 tháng Giêng sau Tết Nguyên đán), bất ngờ người đi bán vàng gia tăng. Buổi sáng giá xuống khoảng 800.000 đồng/lượng. Nhưng đến chiều, nó đã bị “thổi bay” 1,5 triệu đồng/lượng, còn dưới 64 triệu đồng/lượng.

Nhưng rồi không lâu sau, đến đầu tháng 3, vàng lại rục rịch lên giá, kéo dài nhiều phiên. Đỉnh điểm vào khoảng tháng 7, có lúc đã đạt tới mức 70 triệu đồng/lượng.

Thực tế thì không một chuyên gia tài chính nào có thể nói chắc giá vàng sẽ lên hay xuống trong ngắn hạn. Vì thế, nhà đầu tư “lướt sóng” luôn gặp rủi ro. Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng gia tăng, nhiều người cho rằng gửi tiền ngân hàng có lợi hơn so với đầu tư vào vàng. Cùng đó, thị trường bất động sản, chứng khoán… vốn là kênh đầu tư lớn cũng đang khá bấp bênh.

Đây chính là thời điểm “cân não” đối với nhà đầu tư: chọn vàng hay chứng khoán, bất động sản? Vì thế ai đó “cầm vàng trên tay nhưng rất bâng khuâng” cũng không phải là điều quá khó hiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Bâng khuâng” giữa dòng xoáy giá vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO