Bâng khuâng hạt gạo đồng làng

Phùng Văn Khai 23/06/2020 10:00

Tôi quen biết nhà thơ Lưu Tuấn Kiệt ở Phụng Công, Văn Giang, Hưng Yên đã gần 20 năm. Hai mươi năm ấy cũng là khoảng thời gian tôi vừa sáng tác vừa vật lộn mưu sinh, chuyển nhà từ Hưng Yên lên Long Biên - Hà Nội, chuyển công tác từ Truyền hình Quân đội sang Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhưng vẫn luôn gần gũi với thơ Lưu Tuấn Kiệt, nhất là khoảng thời gian làm biên tập viên thơ của Tạp chí.

Nhà thơ Lưu Tuấn Kiệt.

Lưu Tuấn Kiệt đến với thơ khá muộn, khi ông đã rời quân ngũ, nhưng lại sớm có mặt trong đội hình văn học – nghệ thuật Hưng Yên khi tách tỉnh. Năm 1998, tôi trở thành hội viên Hội văn học Nghệ thuật Hưng Yên do nhà văn Nguyễn Phúc Lai và nhà văn Đỗ Hữu Tấn giới thiệu vẫn sinh hoạt đều đặn tới nay nên thường xuyên đọc sáng tác của anh chị em trong tỉnh. Ở một tỉnh nhỏ như Hưng Yên lại giáp ranh đa đề Hà Hội rất dễ cớm nắng, dễ mất hút trong rừng văn chương muôn hồng ngàn tía thật khó cho việc xác lập bản sắc riêng của mỗi ngòi bút. Đây cũng là một thiệt thòi khách quan với người sáng tác.

Nhưng cũng lạ thường, Hưng Yên luôn có những cây bút đầy cá tính và giàu sức đi xa. Tiền chiến là những Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan lừng lẫy. Chống Pháp còn đó bậc đa đề Học Phi đa diện kịch - văn - thơ. Chống Mỹ với một lứa tài năng nức tiếng: Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lê Hồng Thiện… và sau này là Hồng Thanh Quang, Hữu Ước, Phạm Khải… đã góp phần làm nên diện mạo Văn học Nghệ thuật Hưng Yên phong phú và vạm vỡ. Đó cũng là vẻ đẹp của sự trưởng thành từ đời sống cần lao muôn vẻ của người Hưng Yên vốn khiêm nhường, chăm chỉ và giàu khát vọng.

Còn có một vẻ đẹp trưởng thành khác, đó là đội ngũ văn nghệ sĩ ở tại quê nhà, sinh sống và sáng tác, dâng hiến hết mình cho văn học nghệ thuật. Người ra đi hết sức bình sinh trong khẳng định tài năng của mình thì người ở lại cũng cần cù một nắng hai sương trên cánh đồng chữ nghĩa.

Nhưng các sáng tác, đặc biệt là thơ có đường vận động riêng, những dấu mốc riêng. Những hạt vàng lấp lánh dù nhỏ thôi, nhỏ như hạt gạo, thậm chí nhỏ như hạt tấm rồi thời gian sẽ dần dần chiêu tuyết, đặt đúng vị trí của những giá trị ấy. Có được điều đó, trước tiên phải cám ơn cội nguồn của nó, đó là những người làm sáng ra những hạt vàng chữ nghĩa, những trái chín lặng thầm từ cánh đồng làng một nắng hai sương, bền bỉ, chắt chiu, âm thầm, mãnh liệt không ngưng nghỉ trong toàn bộ cuộc đời sáng tác của mình.

Nhà thơ Lưu Tuấn Kiệt là một người như thế.

Lưu Tuấn Kiệt ngoài đời sống giản dị có phần xuề xòa nhưng trong thơ vô cùng kỹ lưỡng. Sự kỹ lưỡng của Lưu Tuấn Kiệt không nằm ở việc kỳ khu câu chữ chẻ sợi tóc làm tư hoặc bí hiểm đánh đố mà là sự dày vò nội tâm cho từng con chữ, sự trăn trở riết róng âm thầm và đặc biệt quyết liệt chống lại thói quen sáo mòn của không ít người làm thơ, một căn bệnh trầm kha không riêng ở người tỉnh nhỏ.

Ở những chùm thơ đầu tiên, Lưu Tuấn Kiệt đã ưa thích sự mới mẻ, một con đường khác biệt cho diện mạo thơ mình cũng là góp vào một diện mạo thơ Hưng Yên đằm thắm, sắc nét và bung phá. Tư duy thì như vậy nhưng để thực hiện nó thật không dễ dàng. Thơ có mật mã của mình mà những người không yêu say đắm đến tận cùng sẽ không bao giờ chạm tới. Những câu thơ rất tự nhiên: Được cõng con quanh làng/ Qua hàng tre lá rụng/ Nghe con ngồi trên lưng/ Đấm lưng cha làm trống… Mai cha lại xa con/ Xa hàng tre lá rụng/ Khẩu súng nằm trên lưng/ Còn âm vang nhịp trống (Tiếng trống) thoạt đọc lên có thể nghĩ rằng dễ viết nhưng nếu không trải qua chiêm nghiệm cả đời người e rằng không thể viết được. Câu thơ: Áo lính màu mưa/ Súng khô/ Lưng ướt… Chân vượt đạn bom/ Mòn dép/ Đuổi/ Con tàu/ Để gặp/ Thổi tắt/ Ngọn đèn/ Em thắp/ Ấy là ngày em cười khóc/ Ta đưa ngọn đèn vào quá khứ rưng rưng (Ngọn đèn chờ đợi) không chỉ mới mẻ vần điệu mà mỗi chữ trong thơ đều mẩy mang như hạt thóc đồng làng.

Lưu Tuấn Kiệt viết đặc biệt hay và rất khác về cánh đồng làng, nơi nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn người Việt mấy nghìn năm bão dông giặc giã. Quê hương đi mấy vẫn gần, càng đi xa càng thân thuộc, càng trôi dạt càng là nơi vịn tựa. Với người trở về, người gắn kết gần gũi lại chưa chắc nhận ra những vẻ đẹp máu thịt của quê hương. Ấy vậy mà Lưu Tuấn Kiệt đã nhận ra một cách thần tình: “Chiếu đồng ta thơm ngát làng ta/ Mỗi ngày/ Mặt trăng gửi hương/ Mặt trời quét nắng… Đêm đêm những nàng tiên/ Áp ngực/ Cười đùa… Sáng ra đầy hương con gái… Anh đem chiếu về/ Giấu vào bồ vào cót/ Ngơ ngẩn lòng hương con gái đâu đây” (Chiếu đồng) thì đã thấy được không chỉ sự làm mới thơ làm mới cánh đồng chiếu trải mà cao hơn chính là làm mới tâm hồn mình từ những điểm nhìn thân thuộc. Nhiều năm làm biên tập, tôi vẫn ngẩn ngơ trước câu thơ này của Lưu Tuấn Kiệt: “Em e thẹn/ Một mình/ Đứng hát… Trên ngực hồng/ Nhú núm chuông non” (Quả chuông xanh). Thật thần tình và cũng thật thi vị.

Có những tình thế chỉ có thể là thơ mới giải quyết được và giải quyết được trọn vẹn. Đây chính là những đóng góp đáng kể của Lưu Tuấn Kiệt. Thơ luôn bắt đầu từ trái tim nên không bao giờ có sự kết thúc mà chỉ luôn mở ra những chân trời. Lưu Tuấn Kiệt cả đời say đắm và làm mới thơ ca bởi lẽ ông hiểu rằng không chỉ chúng ta cần thơ mà thơ cũng rất cần chúng ta vậy. Thơ nuôi sống người người nuôi sống thơ là đạo lý ở đời. Trong tất thảy những sáng tác của Lưu Tuấn Kiệt ông đều ưa thích trực diện với sự mới mẻ, làm giàu tâm hồn người đọc bằng vốn tri thức và sức lao động bền bỉ của mình. Điều này cũng dễ nhận ra thôi và nó vô cùng đáng quý. Mọi người quý ông, quý thơ ông tất nhiên ai cũng có lý lẽ của riêng mình, nhưng ở một thống nhất chung đều thấy rằng những đóng góp về thơ của Lưu Tuấn Kiệt, trước tiên và sau cùng vẫn là sự đổi mới trong mỗi câu thơ.

Nhưng Lưu Tuấn Kiệt không chỉ sáng tác thơ, ông còn viết văn với những bút ký, truyện ngắn, sưu tầm truyện dân gian, bài viết về danh nhân, nhân vật, sự kiện, vùng đất lịch sử. Lưu Tuấn Kiệt kể cũng là người đa tài, chịu được nhiều thể loại. Ông như hạt gạo đồng làng khi cần có thể thổi thành niêu cơm dẻo thơm dâng cúng tổ tiên nguồn cội; lại cũng hạt gạo ấy mùa giáp hạt đem nấu cháo loãng cứu đói người già con trẻ. Đôi khi hạt gạo đồng làng tượng hình thành bánh dày bánh chưng dâng cúng quân vương; lại không ít phen trở thành bánh đa, bánh đúc, bánh nếp, bánh tẻ làm thức quà ấm lòng người muôn nẻo. Ở trong cội nguồn luân chuyển ấy, hạt gạo đồng làng Lưu Tuấn Kiệt đã lặng thầm dâng hiến cho thơ, trong các sáng tác mà ông đã trình ra suốt mấy chục năm qua.

Cũng như hạt gạo đồng làng, Lưu Tuấn Kiệt luôn biết làm vui con người làm vui cuộc sống. Mỗi khi nhà có công có việc, mọi người lại nhớ đến ông. Cái ngôi nhà Tạp chí Phố Hiến thân thương ấy không chỉ buổi đầu mà hàng chục năm sau luôn có mặt hạt gạo đồng làng. Này đây những chùm thơ siêng năng mới mẻ. Này đây những gom nhặt từ dân gian biết bao câu chuyện thơm thảo ân tình. Những bút ký văn học đầy thế sự ưu tư. Những tên đất tên làng chỉ nhắc đến thôi cũng đã thấy xôn xao vẫy gọi. Cứ như thế, hạt gạo đồng làng san sẻ đến tận cùng đời sống cần lao của làng xóm như mạch nước ngầm bền bỉ giữ cho sóng lúa hồn làng chiếu trải mênh mông.

Tôi đã rất bâng khuâng khi đọc các sáng tác của ông. Những tâm sự về thơ những nhắc nhớ về người. À thì ra ở sâu bên trong con người Lưu Tuấn Kiệt vẫn có một điều gì đang cụ cựa, thao thức như ngọn đèn đêm đêm không tắt từ trong ngày tháng chiến tranh. Lưu Tuấn Kiệt bàn về thơ bàn về người theo một cách riêng của mình. Vẫn là ở đó những nghiền ngẫm, khám phá sự mới mẻ, phản biện những sáo mòn, chỉ ra những thiếu khuyết mà một thời chúng ta chủ quan khinh suất áp đặt cho thơ, áp đặt cho cuộc sống. Một Lưu Tuấn Kiệt nhẹ nhàng nhưng đầy chính kiến, không chỉ khúc triết có lý có tình mà còn đầy bản lĩnh trực diện với những đa đề ngay ở những tác phẩm tưởng như đã được đóng đinh. Đó chính là dũng khí, là tiết tháo của kẻ sĩ ở đời.

Tấm lòng với thơ ca, với đồng nghiệp của Lưu Tuấn Kiệt cũng khá khác người. Ông không chỉ sòng phẳng với thơ ca mà hết sức trân trọng những ứng xử với đồng nghiệp trong cuộc sống. Chúng ta rồi tất thảy chẳng mấy chốc sẽ theo nhau từ biệt thế gian này. Vậy hãy để lại điều gì đi chứ? Lưu Tuấn Kiệt đã bình tĩnh trả lời câu hỏi này theo cách của riêng ông. Ông trân trọng thành tựu của đồng nghiệp trẻ một cách đầy hứng khởi như chính mình được nàng thơ ban tặng ly rượu đầu mùa. Ông nâng niu từng kỷ niệm thật đến thắt lòng một thời gian khó với bạn văn, bạn viết. Có những chỗ bạn bè đồng nghiệp còn phân vân về ông ngày trước thảy đã được mở ra để mọi người thanh thản nhận vào nguồn ấm sáng của hạt gạo đồng làng.

Nhà thơ Lưu Tuấn Kiệt dường như cũng đã bằng lòng với chính mình. Dường như ông đã hiểu rõ đường bay đích đến của mình, đã nhận ra những vẻ đẹp ẩn tàng từ đạn bom đói rét, hố gai miệng vực thời chiến thời bình tới vật chất phù du muôn nẻo chìm nổi thịnh suy thăm thẳm đời người. Dường như, hạt gạo đồng làng thơm thảo ấy đã tự biết không chỉ làm tròn đầy mình mà còn luôn biết cách làm tròn đầy cuộc sống. Một đời thơ văn duyên nợ ai chẳng như sông kia thầm thĩ chảy dưới trời. Cái còn lại, còn lại với mênh mông đôi khi chỉ là một hạt gạo đồng làng bé nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bâng khuâng hạt gạo đồng làng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO