Bánh chưng Bờ Đậu

Thanh Thủy 11/08/2017 19:05

“Bánh chưng luộc nước giếng thần, Thơm ngon mùi vị có phần trời cho” câu ca như một lời mời thật hấp dẫn du khách xa gần khi đến với Thái Nguyên, chớ quên ghé thôn Bờ Đậu để thưởng thức những chiếc bánh chưng thơm ngon nức tiếng.

Làng bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 8km. Theo lời các cụ cao niên trong làng, nghề làm bánh chưng bắt đầu xuất hiện từ những năm 1960. Người khai tổ ra nghề làm bánh là cụ Nguyễn Thị Đấng, người ở xã Cổ Lũng.

Ngày ấy, quán bánh của cụ Đấng nằm đơn sơ nhưng lúc nào cũng đông khách. Cũng là gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ nhưng khách đến ăn một lần là không thể quên những chiếc bánh dẻo, thơm ngon rất lạ. Nghề bánh của cụ Đấng tiếp tục được trao truyền cho con cháu.

Trước người dân làng chỉ làm bánh vào dịp Tết nguyên đán, nhưng sau này thấy nghề mang lại cho nhiều hộ gia đình cuộc sống khá giả hơn, nên hầu như nhà nào cũng làm bánh mang ra bán dọc hai bên quốc lộ 3 (đoạn qua xã Cổ Lũng).

Theo lời cụ Tâm, một bậc cao niên trong nghề thì làm bánh đỡ vất hơn làm ruộng nhưng bảo giàu thì không giàu được. Để có được chiếc bánh thơm ngon, người làm bánh phải chọn mua cho được thứ gạo nương ngon, dẻo, hạt mẩy tròn, trắng tinh. Lá gói bánh phải là lá rong to bản, tươi, hái trên đỉnh núi cao của Định Hóa, đỗ cũng phải là thứ đỗ tiêu mới thơm ngon. Và quan trọng hơn cả nước luộc bánh chưng phải là nước suối nguồn lấy từ trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu.

Nguyên liệu ngon nhưng để có được chiếc bánh dẻo ngon cũng phải có bí quyết riêng. Gạo gói bánh được ngâm, đãi, lọc qua ba lần nước, sau đó để ráo. Đỗ làm nhân bánh phải là đậu xanh nguyên lõi được đãi sạch và đồ chín sau đó nắm tròn thành từng chiếc nhỏ cho từng cái bánh. Nhân thịt lợn là thịt ba rọi tươi, luộc mềm và thái dày, trộn hạt tiêu Bắc. Theo lời cụ Tâm thì phải làm như vậy bánh mới ngon, để lâu chiếc bánh vẫn dẻo, thơm và tuyệt đối không bị ôi thiu.

Không chỉ gia đình cụ Tâm mà mỗi gia đình ở Bờ Đậu đều tỉ mẩn, chỉn chu đến chi tiết để có được nồi bánh xanh ngon như vậy. Ví như khâu luộc bánh, chỉ cần gia đình nào sơ ý luộc bằng nước giếng, bánh sẽ bị vàng ngay. Luộc bánh bằng nước suối, bếp củi với thời gian từ 10-12 tiếng, đủ cho bánh chín dền thịt mỡ ngấm, đỗ xanh đều ra thân bánh tạo độ béo ngậy, thơm ngon.

“Nghề này lời lãi chẳng được là bao nhưng người dân làng Bờ Đậu lâu nay vẫn bền bỉ với những chiếc bánh chưng xanh bởi ai cũng tự hào đã giữ được một nghề truyền thống cho làng” – cụ Tâm bảo vậy.

Đến làng vào mỗi buổi sáng sớm, những mẻ bánh nghi ngút khói, thơm lừng vừa được vớt ra từ những chiếc thùng phi được bày ra trên những rổ lớn trông thật bắt mắt. Dù cuộc sống có thay đổi như nào thì bao đời nay người dân Bờ Đậu vẫn tảo tần giữ nghề truyền thống, họ lấy chữ tín làm đầu đề răn rạy con cháu, giữ tiếng thơm cho bánh chưng Bờ Đậu nức tiếng khắp nơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bánh chưng Bờ Đậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO