Báo chí phương Tây bối rối về khởi động Brexit

Linh Chi 30/03/2017 19:17

Hàng loạt các hãng tin lớn nhỏ ở phương Tây đã đồng loạt đưa ra phản ứng về việc khởi động chính thức tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit - với sự bối rối, xót xa và dự đoán rằng 2 năm đàm phán sắp tới có thể trở nên cực kỳ khó khăn, đặc biệt là khi Anh viện đến quân bài hợp tác an ninh của họ.

Hàng loạt tờ báo có tiếng ở phương Tây đồng loạt đưua tin tức và bình luận về Brexit. (Nguồn: Guardian).

Tại Pháp, tờ Le Monde nói rằng bức thư mà Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon là một khởi đầu không tốt. Tờ báo cho rằng điều này “sẽ buộc EU phải nhượng bộ, cùng lúc đối mặt với các mối đe dọa”, cùng lúc đề xuất thiết lập một mối quan hệ đặc biệt giữa hai bên. Tờ báo này đặc biệt đưa ra cảnh báo về tình trạng giảm quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Anh và EU.

“Thay vì đáp ứng được kỳ vọng của 27 thành viên còn lại của EU bằng cách thông báo cho họ về dự định của bà ấy liên quan tới Brexit, Thủ tướng Anh lại nhấn mạnh về một mối quan hệ mới sâu rộng và đặc biệt mà châu Âu không hề muốn thảo luận cho đến khi dự luật Brexit và chi tiết về nó được làm rõ” - Tờ Le Monde viết.

Còn đối với Liên hiệp Vương quốc Anh (UK), mối quan hệ đặc biệt này không chỉ cần phải bao phủ cả mối quan hệ kinh tế mà cả vấn đề an ninh của toàn châu lục, tờ Le Monde nói rằng: “Thật bất ngờ… Việc này rõ ràng là đe dọa: Nếu bạn không mở cửa thị trường đơn cho sản phẩm của chúng tôi, UK sẽ ngừng quan hệ hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát, tình báo và chống khủng bố với EU”.

Tờ Die Welt của Đức thì cho rằng kết quả cuối cùng mà Brexit có thể cho ra vẫn sẽ mập mờ dù nhiều năm qua đi và có khả năng sẽ nằm giữa “vùng đất hứa hoặc thảm họa”. Tờ Die Welt cũng cảnh báo rằng “cuộc chạy đua marathon kéo dài 2 năm” mà Anh đang phải đối diện chính là “cuộc đua khắc nghiệt nhất mà nước này gặp phải kể từ sau Thế chiến II”.

Tờ báo trên cũng đưa ra 4 vấn đề chủ chốt có thể khiến cho “toàn bộ tiến trình này sụp đổ ngay trong giai đoạn đầu tiên”: Tiền; quyền của công dân UK và EU; vai trò của tòa án châu Âu và vấn đề hợp tác an ninh giữa Anh và EU.

“Có nhiều yếu tố trong bức thư kích hoạt Điều 50 của Thủ tướng May sẽ khiến cho 27 thành viên còn lại của EU tức giận” - Die Welt có bài viết nói, nhấn mạnh rằng Thủ tướng May hồi tháng 1 vừa qua từng nói rằng bà mong muốn “hợp tác an ninh chặt chẽ hơn, chứ không phải giảm đi” nhưng giờ lại đang đưa ra “mối đe dọa mập mờ” rằng sẽ rút khỏi mối quan hệ hợp tác này.

Hãng tin NRC của Hà Lan thì cho hay, bất chấp những lời hứa hẹn của Thủ tướng Anh, bà sẽ lập tức đối mặt với “sự cuồng tín của những người ủng hộ Brexit một cách cực đoan”, từ sự phản đối của Scotland cho tới việc cử tri Anh sẽ sớm nhận thấy rằng Brexit “đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền kiểm soát, chứ không phải giành lại nó”.

NRC cũng cho rằng bức thư kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon rõ ràng hàm chứa một lời đe dọa của chính phủ Anh. Tuy nhiên tờ báo đặt ra câu hỏi rằng liệu lời đe dọa đó có thực sự hiệu quả hay không: “Một châu Âu không an toàn sẽ nhanh chóng trở thành một mối đe dọa đối với quốc gia ở bên kia eo biển Manche”.

Tờ El Pais của Tây Ban Nha thì tỏ ra hứng thú hơn với sự kiện khởi động Brexit, nói rằng “thời của thi ca đã kết thúc và giờ là thời của văn xuôi”. Việc kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon được tờ báo này đánh giá là đánh dấu tiến trình đàm phán đẩy Anh và EU vào một “chương sử mới… một dự án khổng lồ chưa từng có tiền lệ”.

Tờ báo nói rằng quan điểm của nước Anh là khá rõ ràng: “Về cơ bản, ưu tiên của họ là chấm dứt chuyển động tự do của người dân giữa UK và EU, và để rời khỏi tầm ảnh hưởng của tòa án công lý châu Âu. Thủ tướng May đã nhận thức được và chấp nhận rằng để có được 2 điều trên, họ phải từ bỏ thị trường chung EU”.

Tờ El Pais sau đó cũng cố gắng xoa dịu vấn đề khi nói rằng nước Anh cũng đang cố gắng “nhẹ giọng hơn” trong tiến trình Brexit, khi họ thay đổi luận điệu từ “không thỏa thuận còn tốt hơn là một thỏa thuận tồi” sang “cần phải giảm nhẹ nhất có thể những bất cập của mỗi bên” trong quá trình đàm phán 2 năm.

Tuy nhiên, tờ báo cũng cảnh báo về các phản ứng mạnh mẽ ban đầu từ Đức và Pháp, “2 quốc gia chủ chốt của Liên minh châu Âu” từng cực lực bác bỏ một trong số các yêu sách của Thủ tướng May. Các vòng đàm phán về một thỏa thuận “ly hôn” diễn ra song song với việc thiết lập một mối quan hệ thương mại mới giữa Anh và EU trong tương lai chắc chắn sẽ “rất khó khăn và phức tạp”.

Trước đó, trong hôm 29/3, Thủ tướng Anh Theresa May đã ký thư Brexit và bức thư này sẽ được chuyển tới Chủ tịch EU Donald Tusk tại Brussels. Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow, đã được trông thấy tiến tới tòa nhà Hội đồng châu Âu trong cùng ngày.

Động thái xuất hiện chỉ một ngày sau khi Quốc hội Scotland bỏ phiếu thông qua việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc tách ra khỏi UK, trong nỗ lực nhằm giữ tư cách thành viên của họ trong EU.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo chí phương Tây bối rối về khởi động Brexit

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO