Báo chí vẫn là 'binh chủng' đặc biệt

Nguyễn Thanh Bình 18/06/2020 08:30

“Thời 4.0” hay “kỷ nguyên số” chỉ là cách nói có vẻ hình thức, song bản chất là báo chí đang có sự thay đổi, đối diện với những khó khăn mới. Trong khi đó, đạo đức của người làm báo ở thời nào cũng cần thiết, là một trong những chỉ dấu quan trọng để phụng sự nghề nghiệp, phụng sự bạn đọc…

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các phóng viên, nhà báo đã lao vào những điểm nóng như ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai để tác nghiệp, mang lại những thông tin, hình ảnh, clip chân thực cho độc giả. (Ảnh: Quốc Tuấn).

1. Thi thoảng, trên mạng xã hội lại xôn xao chia sẻ những đường link liên quan đến nhà báo, phóng viên, cộng tác viên báo chí. Khi thì “Bắt quả tang 2 “nhà báo” cưỡng đoạt tài sản”, lúc lại “Bắt quả tang nữ phóng viên cưỡng đoạt 70.000 USD của doanh nghiệp”, hay mới đây là “Bắt quả tang trưởng ban tạp chí điện tử Hòa Nhập nhận 300 triệu của doanh nghiệp”…

Những tin tức đó nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán, tỉa tót của một nhóm cộng đồng mạng nào đó trong một ngày, vài ngày sau đó lại bị trôi đi, nhường chỗ cho những tin tức, sự kiện mới hơn, hấp dẫn hơn. Nhưng đó là “tin buồn” và là nỗi đau của những người làm nghề, phụng sự một lòng cho nghề báo.

Dù rằng, nghề báo nay đã khác xưa, và ngày nay báo chí cũng đang rời xa khái niệm “quyền lực thứ tư” trong xã hội, nhưng nhiều người vẫn sống với nghề, làm nghề bằng tất cả phẩm cách, trách nhiệm, và sự tận hiến. Vì thế, những “nhà báo đếm tầng”, “nhà báo facebook”, hoặc những nhà báo, phóng viên, cộng tác viên bị bắt quả tang vì nhận tiền doanh nghiệp kia là một niềm đau của giới làm nghề. Đạo đức nghề nghiệp đã bị một số người xúc phạm. Tất nhiên, họ sẽ phải trả giá vì những sai quấy của mình, pháp luật sẽ xử lý những sai phạm của các cá nhân mắc sai lầm, nhưng nó cũng là tiếng chuông cảnh báo những người có ý đồ mượn báo chí nhằm trục lợi.

Người ta có thể biện luận rằng, nhà báo đang đứng trước nhiều áp lực. Trong khi báo giấy suy giảm thì áp lực tăng view (lượt xem) trên báo điện tử khiến các nhà báo, phóng viên, biên tập viên phải làm việc nhiều hơn, nhanh hơn khiến cho bỏ qua nhiều thao tác kiểm chứng… Ấy là chưa kể, có những nguồn tin hiện cũng khó để có thể kiểm tra chéo…

Bên cạnh đó là việc phát triển quá nhanh của nhiều trang báo, trang tin điện tử khiến cho sự cạnh tranh của những người làm nghề cũng cao hơn, đòi hỏi tin tức nhanh hơn, “lạ” hơn. Ngoài ra, thu nhập từ nhuận bút của nhà báo cũng là vấn đề. Nhiều tòa soạn đã cắt giảm nhuận bút do báo in giảm tiara phát hành, quảng cáo cũng sụt giảm nghiêm trọng thậm chí không còn quảng cáo. Đặc biệt, đầu năm nay đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến hàng loạt tòa soạn báo bị sụt giảm nguồn thu, dẫn tới phải điều chỉnh thu nhập của phóng viên cũng như các bộ phận khác trong tòa soạn…

Chính vì thế, khi trong đội ngũ nhà báo với trên 25.000 người được cấp thẻ cùng đội ngũ cộng tác viên xuất hiện một nhóm nhỏ những người có hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm pháp luật thì cần tăng cường vai trò giám sát, ngăn chặn, sự phối hợp vào cuộc của Hội Nhà báo các cấp, cũng như của các cơ quan chức năng, thậm chí của cả người dân…

2. Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Có thể nói, đây là một bước khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng của Hội đối với giới báo chí. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây cho rằng, trong suốt 70 năm xây dựng và phát triển, Hội Nhà báo Việt Nam luôn thể hiện vị trí, vai trò quan trọng là nơi đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh, chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo.

Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị mới vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam là niềm vui, niềm cổ vũ lớn đối với Hội và báo giới cả nước. Chỉ thị số 43 không chỉ khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với báo chí mà còn thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao vai trò quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội.

Theo ông Lợi, qua Chỉ thị 43, các cấp hội, toàn thể đội ngũ những người làm báo càng thấy rõ trách nhiệm của mình để từ đó nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 2/2020, Hội Nhà báo Việt Nam có 25.038 hội viên đang sinh hoạt tại 294 đơn vị cấp hội. Trong 5 năm qua, Hội đã tổ chức hơn 500 lớp học về bồi dưỡng nghiệp vụ với gần 16.000 hội viên tham dự. Bên cạnh đó, Hội nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia trở thành giải thưởng nghề nghiệp cao quý nhất của giới báo chí; phối hợp với các bộ, ngành tổ chức hàng chục giải báo chí chuyên ngành…

“Đội ngũ người làm báo luôn đồng hành với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong suốt các thời kỳ cách mạng, với tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh, luôn có mặt trên tuyến đầu nóng bỏng nhất, quan trọng nhất của đất nước. Trong những năm gần đây, Hội đã tiến hành hàng loạt biện pháp để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đây là 3 yếu tố căn cốt nhất, có tính chất sống còn đối với phẩm chất, năng lực của người làm báo”- nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm: Thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam tập trung cao độ, quyết liệt nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo. Hội đã ban hành “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” có hiệu lực từ 1/1/2017 cùng với Luật Báo chí 2016. Từ đó đến nay, có thể thấy rằng báo chí càng ngày càng phát triển đúng hướng hơn và các hành vi sai trái vi phạm cả pháp luật và đạo đức người làm báo đều giảm đi rất là rõ rệt.

Có thể lấy một ví dụ rõ nét khi Hội Nhà báo Việt Nam đã cụ thể hóa điều 5 trong “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Điều 5 quy định nhà báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, từ đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành thêm bản Quy tắc về sử dụng mạng xã hội của người làm báo, trong đó quy định 4 điều nên làm và 8 điều không được làm, được giới báo chí và dư luận rất hoan nghênh.

3. Bước sang thời đại công nghiệp 4.0, ông Hồ Quang Lợi cho rằng, báo chí là kênh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có định hướng liên quan đến đất nước, đời sống nhân dân. Nhất là khi bất kỳ ai cũng có thể lên mạng xã hội để phát tán thông tin, báo chí chính là câu trả lời cho những gì mạng xã hội nêu lên.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam dẫn chứng, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng báo chí đã và đang bám sát cuộc chiến chống dịch bệnh chưa từng có. Báo chí được ví như một “binh chủng” đặc biệt, có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch.

Thậm chí, khi những tin đồn, tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, báo chí cũng là lực lượng tiên phong để kiểm chứng thông tin, dập tắt tin đồn. Từ đó, giúp người dân hiểu và tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chung sức đồng lòng để đẩy lùi dịch bệnh. Rõ ràng, ở trong bất cứ thời kỳ nào, tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh của những người làm báo cũng luôn luôn được phát huy.

Tuy nhiên, nhìn nhận về hoạt động báo chí thời gian qua vẫn còn một số bất cập, khuyết điểm liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề báo, ông Hồ Quang Lợi thẳng thắn cho rằng, khi nhà báo tác nghiệp với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc theo đuổi những lợi ích cá nhân, gắn với việc vụ lợi thì chắc chắn để lại hình ảnh xấu. Cách làm nghề như vậy làm tổn thương danh dự của người làm báo chân chính, làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí.

Để giữ vững kỷ cương trong hoạt động nghề nghiệp, Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Cụ thể, Hội đã thành lập và đi vào hoạt động có nề nếp gần 300 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ trung ương xuống cơ sở. Hội đã đưa vào sử dụng phần mềm theo dõi đăng và gỡ bài trên báo điện tử để ngăn chặn tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” và phần mềm này đã phát huy tác dụng ngay lập tức. Gần đây, Hội còn áp dụng thêm phần mềm theo dõi cả việc sửa bài trên các bài đã đăng trên báo điện tử. Bây giờ cơ quan báo chí nào đăng lên mà gỡ đi, hoặc sửa đều phải giải trình lý do và lý do để gỡ đi hoặc sửa chủ yếu là do thông tin không chính xác chứ không có chuyện vụ lợi, cài cắm lợi ích cá nhân.

“Trong bất kỳ giai đoạn nào, người làm báo phải giữ vững được bản lĩnh của mình, phải có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp tốt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Cùng với đó, người làm báo phải nhận thức tốt hơn nữa về trách nhiệm của mình đối với xã hội”- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nêu yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo chí vẫn là 'binh chủng' đặc biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO