Bảo đảm đủ sách giáo khoa triển khai chương trình mới

Hoài Nguyễn 03/01/2023 14:55

Theo Bộ GDĐT, việc thực hiện xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 và Nghị quyết 122 của Quốc hội đã đạt thành công bước đầu, bảo đảm đủ sách giáo khoa triển khai chương trình mới theo đúng lộ trình.

Việc thực hiện xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 và Nghị quyết 122 của Quốc hội đã đạt thành công bước đầu.

Tại giao ban báo chí sáng 3/1, Bộ GDĐT đã báo cáo các kết quả bước đầu, tồn tại hạn chế và giải pháp triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Nhiều kết quả ban đầu

Báo cáo về kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT cho biết, hệ thống văn bản được ban hành đã tương đối bao quát toàn bộ các mặt, lĩnh vực để bảo đảm yêu cầu đổi mới. Công tác chỉ đạo của Bộ GDĐT đã cơ bản bao quát toàn diện các nội dung theo yêu cầu đổi mới; bảo đảm sự sâu sát và kịp thời trong chỉ đạo triển khai và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Báo cáo của Bộ GDĐT cũng khẳng định, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được ban hành phù hợp với định hướng và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo Nghị quyết 29 của Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội. Hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, bảo đảm yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.

Đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình. Khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường. Bảo đảm tính dân chủ, thống nhất giữa các tổ chuyên môn và các tổ chức đoàn thể, phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Ngoài ra, việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 và Nghị quyết 122 của Quốc hội đã đạt được thành công bước đầu, bảo đảm đủ SGK triển khai chương trình mới theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết 51. Việc chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tại các địa phương đáp ứng được cơ bản yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình mới; đội ngũ giáo viên đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường.

Đến nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các địa phương, vùng, miền. Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ GDĐT cũng báo cáo một số tồn tại, hạn chế.

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, việc ban hành chương trình các môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2 (môn học tự chọn) và chương trình các môn Ngoại ngữ 1 ngoài Tiếng Anh chậm so với các môn học khác. Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp THCS, THPT, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới. Số lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học và môn Âm nhạc, môn Mỹ thuật ở cấp THPT. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương, đặc biệt là tại một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Việc mua sắm thiết bị dạy học tại các địa phương không bảo đảm tiến độ. Sách giáo khoa được biên soạn còn có một số nội dung chưa phù hợp với đối tượng học sinh hoặc chưa phù hợp với một số vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương - phương ngữ…

Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 về việc không tổ chức biên soạn 1 bộ sách giáo khoa (do Bộ chủ trì thực hiện). Do đó, việc biên soạn và thử nghiệm sách giáo khoa điện tử, dịch sách giáo khoa sang sách chữ nổi Braille theo bộ sách này chưa thực hiện được.

Giải pháp triển khai chương trình mới

Báo cáo của Bộ GDĐT cũng đề xuất một số giải pháp. Trong đó, giải pháp đầu tiên được báo cáo đề cập đến là tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội và ban hành theo thẩm quyền chính sách nhằm quan tâm tới tính đặc thù của công chức. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức ngành Giáo dục nói chung, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng. Bảo đảm đủ biên chế cho các địa phương đang thiếu giáo viên.

Về phía các địa phương, rà soát, xác định nhu cầu đầu tư, xây dựng kế hoạch và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 của Đề án "Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông". Nghiên cứu đề xuất các hạng mục, địa bàn ưu tiên đầu tư xây dựng. Bố trí các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn thực hiện đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục ban hành cơ chế chính sách khi triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025. Xem xét đưa các dự án, nhiệm vụ liên quan đến ngành giáo dục vào nhóm ưu tiên hàng đầu khi xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ hạn mức kế hoạch vốn, trong đó ưu tiên mua sắm trang thiết bị dạy học, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường học, các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ điều kiện dạy và học để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Cùng với đó, ban hành chính sách đặc thù cho giáo dục về kinh phí chi thường xuyên để bảo đảm điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện các chính sách trong học tập cho học sinh, sinh viên. Chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, chế độ, chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vùng sâu, vùng xa…

Riêng với địa phương, cần thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm trong việc lựa chọn SGK: Việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật và quy trình lựa chọn SGK bảo đảm chặt chẽ trên cơ sở đề xuất từ tổ chuyên môn của các cơ sở GDPT. Chịu trách nhiệm trong việc tổ chức biên soạn, thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương. Kiến nghị với Quốc hội, báo cáo của Bộ GDĐT nêu: Các cơ quan khi thẩm định phương án phân bổ dự toán ngân sách hằng năm bảo đảm tiêu chí phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo để đảm bảo tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục theo Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội, Luật Giáo dục 2019; chi đầu tư phát triển tách riêng ngành Giáo dục để đảm bảo tối thiểu tổng chi theo quy định.

Đối với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn vốn để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021-2025 (ưu tiên miền núi, biên giới, hải đảo, các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số; các tỉnh, các vùng kinh tế phát triển chậm, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh). Cùng với đó, đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành chế độ đặc thù phụ cấp cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo đảm đủ sách giáo khoa triển khai chương trình mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO