Báo Dân - tờ báo công khai đầu tiên của Xứ ủy Trung kỳ

Phạm Hữu Thu 06/07/2018 16:44

Nhân kỷ niệm 80 năm Báo Dân - tờ báo công khai đầu tiên của Xứ ủy Trung kỳ lãnh đạo  ra số đầu tiên, sáng ngày 6/7, tại Huế, Hội Nhà báo và Báo Thừa Thiên - Huế đã tổ chức Hội thảo “Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng”.

Báo Dân - tờ báo công khai đầu tiên của Xứ ủy Trung kỳ

Ông Nguyễn Khoa Điềm phát biểu tại Hội thảo.

Nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa trung ương Nguyễn Khoa Điềm; đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và đặc biệt là thân nhân các nhà báo- nghị sĩ của các ông Nguyễn Xuân Các, Nguyễn Xuân Quế đã tham dự.

Đây là tờ báo khổ lớn công khai đầu tiên của Xứ ủy Trung kỳ xuất bản tại Kinh đô Huế đặt trụ sở tại 11 phố Doudard de Lagreé (nay là đường Trần Thúc Nhẫn, nay là trụ sở Báo Thừa Thiên - Huế) do những người Cộng sản chủ trương.

Tham luận tại hội thảo, các báo cáo cho biết: Phản ứng trước tác động chính trị mạnh mẽ của tờ Sông Hương Tục Bản, nhà cầm quyền ra lệnh cấm báo hoạt động vào ngày 14/10/1937. Trước tình hình đó, Xứ ủy và Tỉnh ủy tìm cách ra các tờ báo khác để tiếp tục đấu tranh và đã vận động các nhà báo, nghị viên dân biểu tiến bộ là ông Nguyễn Trác, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Xuân Các đứng tên xin phép để ra tờ báo công khai lấy tên là Dân.

Ngày 26/3/1938, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho thành lập. Trên măng - sét Tuần báo Dân ghi là Tiếng nói của cơ quan liên hiệp tất cả các lực lượng cấp tiến trong xứ, nhưng thực chất Báo Dân là cơ quan ngôn luận hợp pháp của Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương Trung Kỳ với danh nghĩa của nhóm “Dân biểu xã hội” trong Viện Dân biểu Trung Kỳ.

Nội dung chính do đồng chí Phan Đăng Lưu, Xứ ủy viên Trung Kỳ trực tiếp chỉ đạo, số 01 ra ngày 6/7/1938. Tham gia Ban Biên tập có các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Bùi San, Hải Triều, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang, Tôn Quang Phiệt, Trịnh Xuân An, Lê Bồi và sau vài số bổ sung thêm Tố Hữu…

Báo Dân - tờ báo công khai đầu tiên của Xứ ủy Trung kỳ - 1

Trang nhất tờ báo Dân phát hành năm 1938.

Kế tục đường hướng hoạt động của các Báo Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn, Sông Hương Tục Bản, Báo Dân cho đăng nhiều bài theo chủ trương đấu tranh để thực hiện đường lối Mặt trận Dân chủ Huế và Trung Kỳ, đoàn kết các lực lượng quần chúng trong mặt trận thống nhất, thường xuyên phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đòi cải cách thuế khóa, đòi tự do dân chủ, đòi thả tù chính trị, đòi tự do thành lập Hội ái hữu và nghiệp đoàn; đồng thời vạch trần bộ mặt thối nát của chế độ thực dân phong kiến.

Trong 3 năm, từ năm 1937-1939, ở Huế xuất hiện liên tục các tờ Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn, Sông Hương Tục Bản, Dân, Dân Tiến, Dân Muốn, hun đúc nên những khuôn mặt nhà báo, nhà văn lừng lẫy, những chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng, như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Hải Triều, Nguyễn Khoa Văn, Hoài Thanh, Lê Đình Thám.

Riêng Báo Dân có hẳn một Ban Biên tập hùng hậu: đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Ủy viên Trung ương Đảng, đồng chí Bùi San, Xứ ủy viên Trung Kỳ, nhà văn Hải Triều, phụ trách Tuyên huấn Tỉnh ủy Thừa Thiên, nhà báo Hải Thanh, nhà thơ Trịnh Xuân An, nhà báo Lâm Mộng Quang, nhà giáo Tôn Quang Phiệt và nhà thơ Tố Hữu…

Báo Dân là tờ báo công khai khổ lớn đầu tiên ở Huế và của Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương Trung Kỳ. Việc tận dụng thời cơ được hoạt động công khai, hợp pháp và bằng các hoạt động linh hoạt, phong phú, Báo Dân đã đoàn kết, động viên, giác ngộ chính trị cho hàng vạn quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chính trị rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, qua đó góp phần làm nên cuộc cách mạng vĩ đại của nhân dân Thừa Thiên - Huế anh hùng, góp phần quan trọng vào thành quả chung của báo chí cách mạng Thừa Thiên - Huế và miền Trung.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Khoa Điềm lưu ý: Trong bối cảnh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tỗng”, nhưng bằng nhiệt huyết và lý tưởng các nhà báo cách mạng thời ấy nhờ lăn lộn, biết chấp nhận hy sinh, gian khổ, đã nắm bắt và nói được tiếng nói của người Dân nên tập hợp, thu phục được quần chúng, nhờ vậy mà Báo Dân đã không chỉ phát hành ở Huế mà lan tỏa ở miền Trung và cả nước. Điều ấy làm cho đội ngũ những người làm báo ngày nay phải suy nghĩ để có những tìm tòi, đổi mới phương cách hoạt động phù hợp với tình hình nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp báo chí cách mạng hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo Dân - tờ báo công khai đầu tiên của Xứ ủy Trung kỳ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO