Báo động chất lượng nguồn nhân lực

Thanh Giang 23/08/2019 08:00

Theo nhận định của các chuyên gia, nguồn nhân lực có trình độ cao, trình độ quốc tế của Việt Nam còn thấp. Thực trạng này gây khó cho người sử dụng lao động và phần nào “cản đường” phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu.

Báo động chất lượng nguồn nhân lực

Nhiều ngành than thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao.

Dù đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam vẫn hạn chế so với các nước. Theo thống kê, khoảng 50% các công ty về may mặc, hóa chất đánh giá lao động được đào tạo không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Khoảng 60% lao động trẻ tốt nghiệp các trường dạy nghề và trường cao đẳng cần được đào tạo lại ngay sau khi tuyển dụng. Nhìn chung, thiếu lao động có tay nghề, lao động có trình độ chuyên môn, lao động kỹ thuật bậc cao,... Đây là một trong những thách thức lớn khi đối diện với cuộc cách mạng 4.0.

Ghi nhận thực tế cho thấy, quá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn với nguồn lực lao động. Theo nhận định của doanh nghiệp, lao động có kỹ thuật chiếm khoảng 10%, còn lại toàn là “thợ vịn”. Doanh nghiệp đặt vấn đề, tỷ lệ lao động có tay nghề cao, trình độ chuyên môn giỏi quá thấp thì khó đáp ứng được yêu cầu sản xuất hiện đại. Một số doanh nghiệp phần mềm cho biết, phải đào tạo lại ít nhất mỗi năm cho khoảng 80 – 90% sinh viên tốt nghiệp vừa được tuyển dụng.

Viện Chiến lược Công nghệ thông tin đã đưa ra con số thống kê đáng báo động, chỉ khoảng 15% sinh viên ra trường có thể làm việc ngay, còn lại phải đào tạo lại. Đối với ngành chế biến thực phẩm, bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food cho hay, hiện công ty hơn 2.500 lao động nhưng chưa đến 30% đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Khó khăn nhất, khách hàng của đơn vị là đối tác nước ngoài như Nhật Bản, vì vậy đòi hỏi lao động am hiểu quy trình công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và ngôn ngữ quốc tế.

“Nhằm nâng cao chất lượng lao động đơn vị này buộc phải đào tạo để trang bị kiến thức về các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như ISO, HACCP, BRC,... Đồng thời đào tạo vận hành máy móc công nghệ và quy trình sản xuất theo chuẩn quốc tế”, bà Lâm chia sẻ.

Hệ lụy của nguồn lực lao động yếu về trình độ chuyên môn dẫn đến năng suất lao động thấp. Đây chính là lý do tại sao mỗi người lao động của Singapore có năng suất làm việc gấp hơn chục người lao động Việt Nam.

Để duy trì và phát triển bền vững trong xu thế toàn cầu hóa thì nhu cầu sử dụng nhân lực có trình độ chuyên môn rất cần thiết. Tuy nhiên, với chất lượng nguồn nhân lực như hiện nay, hầu hết phía các nhà sử dụng lao động mong muốn, ngoài việc doanh nghiệp chủ động “nuôi trồng” nguồn nhân lực, cần thay đổi nội dung và phương pháp đào tạo sao cho phù hợp nhu cầu thực tiễn của Việt Nam và chuẩn quốc tế. Đặc biệt, trong đào tạo đòi hỏi lý thuyết phải đi đôi với thực hành. Riêng việc gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực, doanh nghiệp khẳng định, thời gian qua sự liên kết này chưa đạt hiệu quả cao. Nhà trường chỉ tập trung công tác đào tạo chứ chưa chủ động hợp tác đào tạo cùng doanh nghiệp. Ông Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM thừa nhận, liên kết giữa nhà trường – doanh nghiệp còn lỏng lẻo.

Chia sẻ khó khăn về nguồn nhân lực lao động hiện nay, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh&Xã hội cho biết, Bộ đang hoàn thiện đề án đổi mới nâng cao chất lượng nghề nghiệp theo hướng dự báo tốt về nhu cầu thị trường, giảm lý thuyết và tăng thực hành, tập trung đào tạo mới, đào tạo lại. Ngoài nâng cao chất lượng đào tạo trong nước, Chính phủ cho nhập 34 bộ giáo trình từ Úc và Đức, nếu công nhân theo học giáo trình này sẽ được công nhận trình độ quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo động chất lượng nguồn nhân lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO