Báo động kháng thuốc kháng sinh

Ngọc Hải 20/10/2017 09:10

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng thuốc kháng sinh, dự báo con số này còn tiếp tục tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa. Đáng nguy hiểm hơn khi thế giới đang dần cạn kiệt nguồn kháng sinh. Còn tại Việt Nam, trong nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy có đến 30% trẻ có vi khuẩn kháng thuốc...

Tùy tiện dùng kháng sinh và hậu quả

Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn. Sau 4 năm triển khai phòng chống kháng thuốc, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, 88% thuốc kháng sinh ở thành thị bán không cần đơn, con số này ở nông thôn là 91%.

Viêm họng, đau đầu, đau răng, đau bụng, thay vì phải đến viện khám để được điều trị đúng bệnh, rất nhiều người dân vẫn có thói quen ra hiệu thuốc, kể triệu chứng rồi nhờ người bán kê đơn về uống. Thậm chí nhiều người cảm cúm cũng ra mua kháng sinh về uống trong khi thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn chứ không hiệu quả trên virút, tác nhân gây cảm cúm.

Nguy hiểm hơn, nhiều người dùng kháng sinh 2-3 ngày thấy bệnh thuyên giảm, hết sốt, hết viêm, hết đau thì lập tức ngừng thuốc vì cho rằng nếu uống tiếp sẽ hại người hoặc gây tác dụng phụ. Cũng có người khi dùng kháng sinh này vài ngày thấy triệu chứng bệnh không đỡ thì tự ý đổi sang dùng loại kháng sinh khác. Trong khi đó một đợt điều trị kháng sinh thường từ 5-7 ngày, thậm chí 10 ngày tuỳ theo từng người bệnh. Theo các bác sĩ, chính thói quen tự chữa trị này đã góp phần làm gia tăng sự kháng thuốc và làm mất dần đi “vũ khí” để chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

Nhiều chủng virus gây bệnh lậu, lao phổi, các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi và nhiễm trùng đường tiểu, ngày càng có khả năng đề kháng cao hơn với kháng sinh hiện có. Điều này xảy ra do những biến đổi di truyền của virus mà căn nguyên chính là việc sử dụng sai các loại kháng sinh hiện có, khiến thuốc không những không diệt được mà còn làm cho virus mạnh hơn.
Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) thì 80-90% người bệnh tìm đến bác sĩ sau khi đã sử dụng kháng sinh ở nhà không hiệu quả. Có em mới chỉ 2-3 tuổi, bị viêm phổi nhưng bác sĩ phải kê đến kháng sinh cực mạnh mới khỏi. Đã có trường hợp bệnh nhi 8 tháng tuổi bị viêm màng não mủ phải trải qua 2 tháng điều trị với các phác đồ kháng sinh liều cao mới thoát khỏi tử thần.

Đa phần các trường hợp này là do khi phát hiện thấy con ho, sốt, bố mẹ tự ý ra hiệu thuốc kể bệnh của con rồi nhờ người bán thuốc tư vấn. Khi dùng kháng sinh khoảng 2, 3 ngày không đỡ, thay vì việc đưa con vào viện để bác sĩ khám, chẩn đoán và có phác đồ điều trị đúng bệnh thì nhiều bậc phụ huynh lại tiếp tục tìm ra hiệu thuốc để mua loại khác tốt hơn, đắt tiền hơn cho mau khỏi. Thế nhưng, họ không hiểu nếu không điều trị đúng bệnh thì thuốc kháng sinh nào cũng là làm hại con cả.
Vì thế có em nhập viện chỉ viêm đường hô hấp nhưng do kháng kháng sinh nên điều trị mãi không khỏi, đã chuyển sang viêm phổi cấp. Với những ca này các bác sĩ đều rất khó khăn, phải thay đổi phác đồ điều trị, dùng kháng sinh thế hệ cao hơn, liều cao hơn mặc dù nghe qua bệnh thì khá đơn giản - BS Dũng chia sẻ.

Thế giới đang cạn kiệt nguồn kháng sinh
Tổ chức Y tế thế giới vừa đưa ra một báo cáo xác nhận rằng thế giới đang dần cạn kiệt nguồn kháng sinh có hiệu quả. Tốc độ phát minh ra kháng sinh của con người đang chậm lại so với sự phát triển của virus. Nhiều chủng virus gây bệnh lậu, lao phổi, các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi và nhiễm trùng đường tiểu, ngày càng có khả năng đề kháng cao hơn với kháng sinh hiện có. Điều này xảy ra do những biến đổi di truyền của virus mà căn nguyên chính là việc sử dụng sai các loại kháng sinh hiện có, khiến thuốc không những không diệt được mà còn tôi luyện cho virus phát triển mạnh hơn.

Sẽ chấm dứt việc tự mua thuốc kháng sinh
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, việc sử dụng kháng sinh của người dân tràn lan như hiện nay đã dẫn tới tình trạng kháng thuốc rất phức tạp. Hầu hết các chủng vi khuẩn đều đã kháng kháng sinh, một số loại thậm chí còn biến đổi gen và kháng toàn bộ thuốc vốn vẫn dùng để điều trị bệnh. Một số loại thuốc mới đưa vào thị trường Việt Nam chưa được 10 năm đã giảm nhanh về độ nhạy cảm với các vi khuẩn và làm giảm hiệu quả điều trị.

Hiện nay nhiều cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh gây khó khăn trong quá trình điều trị. Còn các bệnh nhân phải chịu hậu quả nặng nề, đối diện với nhiều rủi ro hơn khi cơ thể kháng với hầu hết các loại kháng sinh.

Tuy nhiên, việc phòng chống kháng thuốc còn gặp nhiều khó khăn do phổ biến tình trạng người dân khi bị ốm thường tự mua thuốc về uống, không theo chỉ định của bác sỹ. Mặc dù Bộ Y tế đã có thông tư quy định về mua thuốc theo đơn nhưng việc xử phạt dường như không khả thi. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết như vậy và khẳng định, sắp tới giao Cục Quản lý Dược triển khai đề án mua và bán thuốc theo đơn. Cụ thể, áp tiêu chí bán thuốc theo đơn để đánh giá Nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, lắp hệ thống camera tại các nhà thuốc để giám sát.

“Trước mắt chúng tôi sẽ chỉ đạo thí điểm một số nơi, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM”, Bộ trưởng Tiến nói. Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ không còn tình trạng bán kháng sinh không cần đơn, đồng nghĩa người dân không thể tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh.

Là một trong 6 nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã xây dựng và triển khai kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, Việt Nam đã thành lập mạng lưới giám sát kháng thuốc, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý bước đầu việc sử dụng kháng sinh trong nông, ngư nghiệp. Thời gian tới, sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về việc sử dụng thuốc an toàn và hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo động kháng thuốc kháng sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO