Báo động nguy cơ tuyệt chủng động vật

Nguyễn Văn Toàn 08/01/2016 07:32

Thông tin từ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) vào năm 2015 cho biết, tê tê – loài động vật hoang dã cao cấp, quý hiếm của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao do nạn săn bắt, vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ trái phép với số lượng lớn. Các chuyên gia linh trưởng trên thế giới cũng đã công bố danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất toàn cầu giai đoạn 2014-2016, trong đó có 3 loài ở Việt Nam. Nhiều loài động vật cũng đã được xác nhận là tuyệt chủng ở Việt Nam trong khoảng 2 thậ

Báo động nguy cơ tuyệt chủng động vật

Tê giác Java một sừng, loài vừa được tuyên bố là tuyệt chủng ở Việt Nam,
là một trong 10 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh vật. Năm 2007, Việt Nam có 880 loài động, thực vật được ghi vào Sách đỏ. Tuy nhiên, đến nay, đã có 10 loài động vật bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Các nhà khoa học đã xác nhận trong khoảng 2 thập kỷ qua, có những loài động vật sau đây đã tuyệt chủng ở Việt Nam: Tê giác hai sừng (còn gọi là tê giác Sumatra); Lợn vòi; Cầy rái cá; Cá chình Nhật; Cá chép gốc; Cá lợ thân thấp; Hươu sao; Cá sấu hoa cà; Tê giác một sừng.

Bên cạnh đó, là những loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào năm 2012, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn khoảng 28 - 47 cá thể sinh sống rải rác ở các khu rừng hẻo lánh và đang đối mặt với nguy cơ bị tuyệt diệt do bị săn bắt, buôn bán và mất nơi sinh sống. So với rừng già, vườn Bách Thú có lẽ khả dĩ an toàn hơn cho loài hổ Việt Nam hiện nay. Tại sao? Bởi theo số liệu trên thì hiện tại có chưa đầy 50 con hổ hoang dã còn sót lại ở Việt Nam.

Theo xu thế chung, 50 con hổ ở Việt Nam trong tổng thể 3.200 con hổ hoang dã trên khắp thế giới sẽ bị tiêu diệt hết vào 10 năm tới nếu các nước vẫn giữ biện pháp bảo tồn sinh quyển như hiện nay. Trước đó trong vòng 100 năm, 90 % số lượng hổ đã bị tiêu diệt trên toàn thế giới. Với tốc độ săn bắt và buôn bán như hiện nay, hổ có khả năng là loài tiếp theo bị tuyên bố tuyệt chủng tại Việt Nam.

Sau hổ sẽ là các loài như khỉ và các loài chim quý sẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng nếu như Việt Nam không mạnh tay hơn trong công tác bảo vệ cá thể sinh vật và bảo tồn môi trường sống hoang dã cho chúng. Đó là dự đoán của tổ chức Quỹ động vật hoang dã (WWF) được công bố vào năm 2010.

Hơn 100 năm qua không có ghi nhận nào về linh trưởng bị tuyệt chủng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đang có nguy cơ nhận “danh hiệu” là “quốc gia đầu tiên có linh trưởng bị tuyệt chủng”, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) - Chương trình Việt Nam vừa cảnh báo vào cuối năm 2015.

Vào cuối năm 1975, có tới 2.000 con voi rừng ở Việt Nam. Hiện nay chỉ còn có 50 con. Săn bắt và mất môi trường sống đã đưa loài thú này đến bờ vực tuyệt chủng. Nhóm voi duy nhất có cơ may sống sót dài hạn nằm ở vùng biên giới giữa Công viên Quốc gia Yok Đôn của Việt Nam và Campuchia.

Bò tót là loài to nhất trong họ nhà bò, với chiếu cao có thể tới trên 2m, nặng trên 2 tấn. Đáng tiếc, đây cũng là giống bò bị tàn sát nhiều nhất. Hiện nay, tại Việt Nam chỉ còn khoảng 300 con bò tót, phân bố tại các vườn quốc gia ở Lào Cai, Kon Tum, Lâm Đồng. Những đàn bò tót này đang đứng trước hiểm họa diệt chủng cao do rừng bị chặt phá và nạn săn trộm thú quý.

Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5-1992. Vào thời điểm đó, việc khám phá ra loài sao la đã gây chấn động trên thế giới vì giới khoa học cho rằng, việc tìm thấy một loài thú lớn vào cuối thế kỷ 20 là chuyện khó có thể xảy ra. Với sự tồn tại bấp bênh của mình, loài này hiện được xếp vào danh mục những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao ở Việt Nam.

Hươu vàng phân bố tại một số khu vực thuộc Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Hiện tại, chúng gần như đã biến mất do mất sinh cảnh sống và mức độ săn bắn quá cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo động nguy cơ tuyệt chủng động vật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO