Báo động tình trạng đuối nước ở trẻ em

Tấn Thành-Chí Đại 05/04/2022 06:49

Tại Quảng Nam, liên tiếp thời gian gần đây những vụ đuối nước thương tâm xảy ra để lại những nỗi đau lòng, sự ám ảnh đối với nhiều người.

Khu vực hố Giang Thơm từng xảy ra nhiều vụ đuối nước.

Nguy cơ đuối nước

Sau một thời gian dài ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với thời tiết bắt đầu vào mùa nắng nóng, các em học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tìm đến những nơi bơi lội. Nhiều trẻ em không có điều kiện để tới bể bơi thì tìm đến các ao, hồ, sông, suối, nhưng những nơi này, các em không có sự giám sát, theo dõi của phụ huynh nên nguy cơ đối nước rất cao.

Mới vào mùa nắng năm 2022 nhưng đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra. Như vụ ngày 27/3, một nhóm học sinh ở thị xã Điện Bàn, rủ nhau đến khu vực suối Mơ, thuộc xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) để vui chơi. Thấy thời tiết nắng nóng nên em Trương Công Ph. và Nguyễn Bá T., rủ nhau xuống suối để tắm. Tuy nhiên, cả 2 không may bị sảy chân rơi xuống vực sâu. Phát hiện sự việc, nhóm bạn chạy tìm người dân ứng cứu nhưng cả 2 đã chìm xuống nước và tử vong.

Ngày 19/3, 1 nhóm 9 học sinh lớp 9 trên địa bàn xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành đã rủ nhau đến thác Hố Giang Thơm, xã Tam Mỹ Tây huyện này vui chơi. Sau đó, 2 em Trần Đoàn Gia H. và Nguyễn Hoài Anh Kh., cùng 15 tuổi bị trượt chân rơi vào vùng nước sâu dẫn đến đuối nước.

Trước đó, 4 học sinh lớp 6 và 7 của trường THCS Lê Thị Hồng Gấm, ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước cùng nhau đi câu cá và tắm ở suối Lò Thùng ở địa phương đã chết đuối. Sau đó không lâu 3 học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Nguyễn Thành, ở xã Bình Quý, huyện Thăng Bình cũng bị đuối nước chết thương tâm. Những cái chết của con trẻ khiến cho người lớn khó mà vơi đi nỗi đau lòng.

Trong khi đó, hố Giang Thơm có địa hình cao, đi lại trơn trượt, nguy hiểm nhưng hiện tại chưa có đơn vị nào quản lý hướng dẫn để phòng tránh đuối nước cho người dân đến địa điểm này tham quan.

Không chỉ hố Giang Thơm hay suối Mơ mà ở Quảng Nam, nhiều ao, hồ, sông, suối và kênh mương, bờ biển dài, quản lý việc tắm ở những nơi này rất khó, các em còn đi tự phát, từng nhóm riêng lẻ không có người lớn quản lý, do đó lại xảy ra những vụ việc đuối nước thương tâm.

Chị Nguyễn Thị Bằng - người dân trú huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho hay: “Các cháu lén phụ huynh đi tắm kênh, con kênh thì dài hàng cây số, bờ taluy trơn trợt, nước cháy mạnh, quá nguy hiểm. Phụ huynh biết đó, tuy nhiên, do bận công việc mưu sinh ít có thời gian quản lý con cái, biết bất an nhưng biết làm sao bây giờ”.

Những nguyên nhân chính

Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 8 trẻ em tử vong do đuối nước và 3 tháng đầu năm 2022 là 4 trẻ em tử vong đuối nước.

“Hàng năm Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Mới đây, Sở đã ban hành Công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em tại địa phương”- bà Ngọc nói.

Còn ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, chính quyền huyện luôn chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguy cơ đuối nước và phòng, chống đuối nước. Đồng thời, yêu cầu các địa phương có các danh thắng, các vị trí thường có người đến tham quan, dã ngoại rà soát, cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Thế nhưng thi thoảng trên địa bàn cũng xảy ra các vụ đuối nước tại bãi biển, khu vực hố nước. Vì các em học sinh đi tự phát không ai giám sát.

Sở LĐTBXH cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước trẻ em trong tháng hành động vì trẻ em; lồng ghép tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong Hội thi tìm hiểu Luật trẻ em và các vấn đề về trẻ em. Tại các Diễn đàn trẻ em tỉnh Quảng Nam đều tổ chức tập bơi hoặc tham gia vào buổi tập huấn kỹ năng ứng cứu cho trẻ em trong tình huống bị đuối nước.

“Lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành GDĐT chủ trì phối hợp với Sở VHTTDL các sở, ngành tăng cường dạy bơi và kỹ năng ứng cứu cho trẻ em trong tình huống bị đuối nước cho trẻ em trong thời gian đến” - bà Ngọc thông tin.

Công tác tuyên truyền được tiến hành thường xuyên nhưng tại sao vẫn xảy ra các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em? Có nhiều nguyên nhân nhưng có thể thấy nổi lên 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, vùng đất Quảng Nam trải dài từ thượng nguồn đến biển cả, rất nhiều thác nước, ô, hồ, sông, suối, bờ biển dài, nhiều nơi địa hình phức tạp có những ô, hồ rất sâu, thác rất nguy hiểm, rớt xuống dù có biết bơi cũng tử nạn. Thứ hai, do các em còn trẻ, tính hiếu kỳ cao, thường là trốn cha, trốn mẹ, rủ nhau đi tắm sông, suối vì thế người lớn không thể giám sát được. Và cuối cùng, nhiều nơi thác nước, hồ, sông, suối, chưa được quản lý, chưa được cảnh báo mức độ nguy hiểm mà những nơi này các em hay đến để có thế giới của riêng mình.

Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do đuối nước rất cao, ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại những nơi cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo động tình trạng đuối nước ở trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO