Bao giờ Công Phượng hết 'ngồi chơi xơi nước'?

An Chi 02/10/2016 09:05

Từ một ngôi sao, một cầu thủ tài năng xuất chúng được triệu người yêu mến, giờ đây cái tên Công Phượng đang dần trôi vào quên lãng. Cứ ngỡ hành trình đến đất nước Mặt trời mọc sẽ chắp cánh cầu thủ xứ Nghệ bay xa như lời Chủ tịch CLB Mito Hollyhock đã hứa hẹn, nhưng cuối cùng chỉ là những ngày tháng mài đũng quần trên băng ghế dự bị, xót xa nhất là hình ảnh phát tờ rơi ở các bến ga tàu điện…

Gần 1 năm vẫn là số không

Kể từ khi trình làng cùng lứa “gà nòi” học viện Hoàng Anh Gia Lai, Công Phượng trở thành một cái tên “hot” trong làng bóng đá Việt Nam. U19 Việt Nam thời Công Phượng còn thi đấu, là một thương hiệu đến giờ vẫn không ai có thể quên. Còn ở đội tuyển U23 Việt Nam hay ĐTQG, Công Phượng cũng dần trở thành trụ cột, là niềm hy vọng lớn nhất ở mỗi giải đấu. Ở tuổi 21, Công Phượng đã nhận được tất cả những gì mà một ngôi sao cần có.

Đang lên như diều gặp gió, việc Công Phượng được ra nước ngoài thi đấu khiến nhiều người bị hụt hẫng. Nhưng khi suy ngẫm lại, thì đây lại là cơ hội không thể tốt hơn để chân sút CLB HA Gia Lai trưởng thành hơn, chuyên nghiệp hơn và có một bệ phóng phát triển khi được chơi bóng ở môi trường bóng đá đỉnh cao như Nhật Bản.

Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược với những kỳ vọng. Sang Nhật Bản, Công Phượng chủ yếu chỉ tập và tập. Phải sau 4 tháng, tiền đạo người Việt Nam mới được ra sân nhưng chỉ được đá chừng 6 phút nên không thể hiện được gì nhiều. Số trận đá chính thức của Công Phượng đến hiện tại cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay và anh vẫn chưa thể có bàn thắng cho riêng mình.

Từng khoác áo Sapporo ở giải J-League 2 năm 2013 (trong vòng 4 tháng), tiền đạo Công Vinh chia sẻ rằng nền bóng đá phát triển, có tính cạnh tranh rất khốc liệt như J-League 2 không dễ để các cầu thủ Việt Nam trụ lại. Công Vinh nhấn mạnh tới việc các đội bóng tại Nhật Bản đặc biệt chú trọng vấn đề thể lực và tư duy chiến thuật. Cả 2 vấn đề lớn này đều là những hạn chế của cầu thủ Việt Nam, Công Phượng không phải là một ngoại lệ.

Bóng đá Việt Nam từng có khá nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, nhưng ít có ai thành công. Hầu hết xuất ngoại chỉ với những mục đích “trao đổi” hay thương mại. Tất nhiên, nếu biết phấn đấu và tận dụng cơ hội, những cầu thủ như Công Phượng vẫn có thể thành danh, nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Gần một năm trôi qua nhưng những gì Công Phượng để lại trên đất Nhật chỉ là số không tròn trĩnh.

Tranh cãi chuyện phát tờ rơi

Không được xem Công Phượng thi đấu, người hâm mộ Việt Nam “dậy sóng” sau khi trang chủ CLB Mito Hollyhock đăng tải bức ảnh chân sút người Việt Nam phát tờ rơi ở các bến tầu điện ngầm. Ngoài ra, Công Phượng còn tham gia các chiến dịch quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh Ibaraki hay ngồi trong lớp học về chế độ dinh dưỡng...

Từ những hình ảnh xót xa này, một bộ phận dư luận nhận định rằng chuyến “Đông du” của Công Phượng thất bại, chủ yếu là để đánh bóng thương hiệu doanh nghiệp tài trợ cho CLB của Nhật, không liên quan đến việc nâng cao chuyên môn.

Đã vài tháng qua, chuyện Công Phượng phải đi phát tờ rơi vẫn gây nên nhiều tranh cãi. Về chuyên môn, dân bóng đá nước nhà cho rằng điều quan trọng và cần thiết hơn cả với một cầu thủ ở độ tuổi của Phượng là kinh nghiệm trận mạc. Phượng chỉ có thể trưởng thành hơn khi được cọ xát, được học hỏi trên sân bóng, chứ không phải là những công việc ngoài chuyên môn.

Chính bầu Đức, người trực tiếp ký kết hợp đồng đưa Công Phượng sang Nhật từng chia sẻ mong muốn cầu thủ “con cưng” của mình được tiếp xúc, hít thở bầu không khí chuyên nghiệp của môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Bầu Đức muốn Công Phượng được ra sân chứ không phải ngồi dự bị hay đi phát tờ rơi.

Nhưng ở những ý kiến ngược lại cho rằng, người Nhật Bản xem những việc như phát tờ rơi, lau dọn vệ sinh là để trau dồi con người, cần được làm bằng một tinh thần học hỏi và cầu tiến. Cần biết rằng, ngay cả các cầu thủ lớn, đá chính cả trăm trận của Mito Hollyhock cũng đi phát tờ rơi như một việc làm hết sức bình thường, chứ không phải chỉ mỗi Công Phượng, cầu thủ thường xuyên ngồi dự bị. Nói cách khác, việc làm của Công Phượng không chỉ đúng trong việc trui rèn tính cách, mà còn đúng trong sự phát triển của các ngôi sao bóng đá thành danh trên trường quốc tế.

Những tranh cãi chưa có hồi kết, nhưng có một thực tế là cần phải có kết quả. Kết quả ở đây chính là Công Phượng sẽ trưởng thành như nào, anh có được CLB Mito Hollyhock trọng dụng hay không khi trải qua những thử thách trên, thì câu trả lời cũng đã rõ.

Từng vòng đấu qua đi, Công Phượng vẫn mất hút ở giải J-League 2. Sau gần 1 năm, cái tên Công Phượng đã trở thành dĩ vãng cho đến khi có thông tin chân sút người Việt Nam sẽ được về nước thi đấu trong mùa giải tới, cùng với đó là việc được HLV Hữu Thắng triệu tập vào danh sách ĐTVN tham dự AFF Cup vào cuối năm nay.

Đá V.League còn hơn dự bị ở Nhật Bản

Thời gian qua cả ba cầu thủ tài năng của Học viện HA Gia Lai là Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường đều phải mài đũng quần trên ghế dự bị và điều này đang là nỗi lo của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Thuyền trưởng người xứ Nghệ cho rằng các ngôi sao trẻ HA Gia Lai là những cầu thủ triển vọng của bóng đá Việt Nam, là trụ cột ở SEA Games 2017. Vì thế, nếu cứ tiếp tục phải ngồi chơi xơi nước, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chuyên môn và tâm lý.

Thông qua đại diện HA Gia Lai, HLV Hữu Thắng đã gửi lời nhắn đến Tuấn Anh, Công Phượng và Xuân Trường rằng phải cố gắng hơn nữa để có cơ hội được ra sân.

Nhưng những mong muốn của HLV Hữu Thắng gần như không được các CLB chủ quản của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đáp ứng. Và để “giải cứu” những tài năng trẻ này, HLV Hữu Thắng cùng VFF đã làm mọi cách để xin cho các ngôi sao bầu Đức được về nước sớm để khoác áo ĐTVN chuẩn bị cho AFF Cup 2016.

“Nói gì thì nói một cầu thủ cần được ra sân để thi đấu mới phát triển được. Việc về nước sẽ giúp Công Phượng, Tuấn anh và Xuân Trường có những trận đấu cọ xát bổ ích. Và, nếu họ thi đấu thành công tại AFF Cup sắp tới, thì sẽ rất có lợi khi trở lại CLB”, HLV Hữu Thắng chia sẻ.

Không chỉ về nước khoác áo ĐTVN, ít nhất trường hợp của Công Phượng và Tuấn Anh sẽ chia tay J-League 2 để thi đấu cho HA Gia Lai ở V-League 2017. Trưởng đoàn bóng đá HA Gia Lai Nguyễn Tấn Anh đã xác nhận thông tin này. Theo ông Tấn Anh, hai cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh sẽ không gia hạn hợp đồng với CLB Mito Hollyhock và Yokohama mà về khoác áo HA Gia Lai. Trong khi đó, tiền vệ Xuân Trường đang thi đấu ở K-League (Hàn Quốc) dự kiến sẽ tiếp tục ở lại đây thêm 1 năm nữa. Theo ông Tấn Anh, trong 1-2 năm tới, sau khi trưởng thành ở sân chơi V-League, có thêm nhiều kinh nghiệm và thể lực, Tuấn Anh và Công Phượng trở lại Nhật Bản để thi đấu cũng không muộn.

Với việc có sự trở lại của Công Phượng và Tuấn Anh, HA Gia Lai tin là sẽ thi đấu tốt hơn trong mùa giải tới. Ở mùa giải năm nay, đội bóng phố Núi thi đấu khá tệ và may mắn thoát khỏi vị trí phải đá play-off.

Không chỉ mang lại những nét tích cực cho đội bóng phố Núi, sự có mặt của hai ngôi sao Công Phượng, Tuấn Anh sẽ khiến V-League 2017 đáng xem hơn. Dù sao thì Công Phượng và Tuấn Anh vẫn là một thương hiệu lớn, sẽ tạo nên sức hút, hiệu ứng cho một giải đấu vốn quá nhàm chán.

Như vậy, xét trên nhiều khía cạnh, thì thi đấu ở giải đấu vốn luôn bị chê là thiếu chuyên nghiệp như V-League, còn hơn là phải ngồi chơi xơi nước ở Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bao giờ Công Phượng hết 'ngồi chơi xơi nước'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO