Bao giờ hết nghẽn lệnh?

Hồ Hương 13/06/2021 10:00

Tình trạng nghẽn lệnh tiếp tục diễn ra trên diện rộng ở sàn chứng khoán. Dù dòng tiền đổ mạnh vào thị trường này, nhưng tâm lý chung của nhà đầu tư là bực bội.

Nhà đầu tư bức xúc

Mãi không thể đặt lệnh, đến khi đặt lệnh thành công thì giá cổ phiếu đã tăng hoặc giảm.Trong khi các công ty chứng khoán lại không cho phép hủy/sửa lệnh khiến tiền nhà đầu tư bị treo cả ngày không giao dịch được dẫn đến nhà đầu tư bị mất tiền.

Trong tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) khiến cho nhiều người rất bực mình. Cảnh bán tháo diễn ra trên khá nhiều phiên giao dịch. Chẳng hạn phiên giao dịch ngày 7/6 và ngày 8/6 toàn thị trường trùm trong sắc đỏ, dẫn đến VNIndex mất điểm mạnh.

Ngày 8/6, VN-Index mất 38,9 điểm, rơi về mức 1.319,88 điểm mặc dù dòng tiền đổ vào thị trường rất lớn với giá trị trên 38.000 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Trung Nghĩa - một nhà đầu tư cho biết, đầu giờ chiều khi thấy giá cổ phiếu điều chỉnh giảm, anh đặt lệnh chờ ở bước giá thấp hơn giá đang khớp. Thế nhưng, phải đến hơn cả tiếng sau lệnh được gửi lên sàn và ngay lập tức thấy thông báo đã khớp. Nhìn lại bảng giá và tài khoản thì giá cổ phiếu này đã tiếp tục giảm xuống và tài khoản của anh đã âm.

Từ cuối tháng 5 đến thời điểm hiện tại, TTCK luôn trong cảnh nghẽn mạng. Trong tuần đầu tháng 6 các công ty chứng khoán đã tạm dừng tính năng sửa/hủy lệnh của khách hàng khi giao dịch trên sàn HoSE để giảm tải cho hệ thống. Điều này khiến mỗi quyết định đặt lệnh của khách hàng trên sàn này không thể thu hồi. Nhiều nhà đầu tư vì vậy đã nói rằng, đặt lệnh chứng khoán mà như đánh bạc đỏ đen.

Năng lực quản trị kém

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong thời gian làm việc tại Hoa Kỳ, ông hầu như chưa thấy tình trạng nghẽn lệnh trên thị trường. Chỉ trong một số trường hợp hiếm hoi do tình trạng bán tháo quá nhiều hay tránh sự đổ vỡ, xáo động thị trường có thể ngưng giao dịch và đều có thông báo trước.

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận TTCK Việt Nam còn non trẻ, đi sau, nhưng hạ tầng kỹ thuật vẫn không hiện đại, còn nhiều bất cập, nên số giao dịch tăng cao dễ bị quá tải, nghẽn lệnh như trường hợp của HoSE, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Việc này cần khắc phục bằng giải pháp dài hạn không chỉ tình thế. Đồng thời, để bảo đảm công bằng hơn, cần có cơ chế nào đó giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư, ví dụ có thể nhà đầu tư được bổ sung huỷ lệnh kịp thời.

“Đây không phải là một vài lần mà tình trạng này đã kéo dài, trong trường hợp nhà đầu tư bị thiệt hại, có bằng chứng do nghẽn lệnh, phải có cơ chế san sẽ thiệt hại giữa các bên, phải có người chịu trách nhiệm”- ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Một số nhà đầu tư trên các diễn đàn bức xúc cho rằng, việc để xảy ra tình trạng nghẽn lệnh kéo dài thể hiện năng lực quản trị yếu kém, nhưng lạ là không ai đứng ra nhận trách nhiệm về việc gây ra thiệt hại.

Có lẽ sự bức xúc của người chơi quá lớn, cũng như sức ép đã khiến cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ra Quyết định thanh tra hành chính đối với Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.

Trong khi đó vào chiều 10/6, ông Lê Hải Trà -Tổng Giám đốc HoSE đã ký văn bản gửi tất cả các CTCK thành viên về việc kiểm soát lỗi 2G và quản lý việc sửa, hủy lệnh.

Theo văn bản này, được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, để đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch, HoSE lưu ý các CTCK thành viên 2 vấn đề.

Thứ nhất, các CTCK kiểm soát lỗi 2G, tránh gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống chung của hệ thống giao dịch của HoSE.

Thứ hai, các CTCK quản lý việc sửa, hủy lệnh giao dịch trong các khung giờ sau để tránh gây áp lực quá tải xử lý đối với hệ thống giao dịch: từ 9h15 đến 9h25, từ 11h15 đến 13h10 và từ 14h20 đến 14h30 các ngày giao dịch.

Như vậy, đây là giải pháp “nới lỏng” hơn so với việc một số phiên gần đây các CTCK áp dụng biện pháp tạm ngừng hủy, sửa lệnh trong toàn phiên giao dịch. Điều này cũng đã nhận được sự đồng thuận cao của 20 CTCK có thị phần cao nhất trong cuộc họp với Ủy ban Chứng khoán nhà nước và HoSE.

“Trong giai đoạn này phải ưu tiên giữ thị trường hoạt động liên tục hết phiên không bị dừng hoạt động. Các CTCK cần phối hợp với cơ quan quản lý và HoSE để cùng giữ an toàn chung của hệ thống, nhưng tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư giao dịch” - đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho hay.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng khẳng định, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, đồng thời phải đưa bằng được hệ thống do FPT xây dựng vào sử dụng vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2021 để giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE.

Dòng tiền vẫn nóng

Cũng Theo số liệu vừa công bố từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, số lượng tài khoản do nhà đầu tư trong nước mở mới tháng 5/2021 tăng vọt lên mức 113.674 tài khoản, cao nhất trong lịch sử thị trường. Trong đó, có tới 113.543 tài khoản từ các nhà đầu tư cá nhân và 131 tài khoản từ các tổ chức.

Trước đó, kỷ lục lịch sử được ghi nhận là tháng 3/2021 với 113.314 tài khoản trong nước.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán, tăng tới 20% so với số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản).

Cũng trong tháng 5, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 433 tài khoản, thấp hơn khoảng 100 tài khoản so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 633 tài khoản chứng khoán tại Việt Nam.

Song điều đáng quan tâm trong bối cảnh dịch Covid-19 là sự duy trì ổn định và bền vững của thị trường ra sao? Khi mà đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ vẫn là nguy cơ lớn nhất. Vì vậy, diễn biến của TTCK về trung và dài hạn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước, quốc tế. Ngoài ra, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước nói rằng, thanh khoản của TTCK Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục trong thời gian qua. Đến thời điểm này, có lẽ chúng ta sẽ không còn quá bất ngờ với những phiên thanh khoản “tỷ USD”.

Dòng tiền vào TTCK bằng nhiều kênh khác nhau, và chủ yếu đến từ dòng tiền của nhà đầu tư trong nước. Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế vĩ mô, công tác phòng chống dịch hiệu quả, mặt bằng lãi suất thấp, nhiều kênh đầu tư kém hấp dẫn hơn… là những nguyên nhân chính giúp dòng tiền tìm đến với TTCK thời gian qua. Chính vì thế, dòng tiền vào TTCK gia tăng không chỉ đến dòng tiền margin (giao dịch ký quỹ).

Tuy vậy, theo thống kê, dư nợ margin đã liên tục tăng trong thời gian qua. Tính tới thời điểm ngày 31/5/2021, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10,7 nghìn tỷ đồng so với cuối quý I/2021. Thời gian gần đây, một số CTCK đã có dấu hiệu cho vay margin chạm trần (không gấp 2 lần vốn chủ sở hữu).

Một số ý kiến cho rằng, việc thị trường tăng trưởng mạnh nên dư nợ margin tăng cũng là điều có thể hiểu được. Nhiều CTCK cũng đã chủ động và đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ, phát hành tăng vốn để có nguồn phục vụ như cầu cho vay thời gian tới.

“Chúng tôi cho rằng, mặc dù dư nợ margin vẫn trong khả năng kiểm soát, tuy nhiên, việc con số này tăng liên tục và dự báo sẽ còn tăng nữa thì đúng là cần tăng cường thanh tra, giám sát để đảm bảo việc cho vay margin là đúng pháp luật, an toàn cho CTCK và an toàn bền vững cho dòng tiền trên TTCK” - ông Lê Hải Trà nói.

Điều rất đáng quan tâm trong bối cảnh dịch Covid-19 là sự duy trì ổn định và bền vững của thị trường ra sao? Khi mà đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ vẫn là nguy cơ lớn nhất. Vì vậy, diễn biến của thị trường chứng khoán về trung và dài hạn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước, quốc tế. Ngoài ra, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bao giờ hết nghẽn lệnh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO