Bao giờ mới tỉnh?

Hạnh Nguyên 16/07/2016 13:05

Liên tiếp các vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng về môi trường được phát hiện từ đầu tháng 4 đến nay tại Hà Tĩnh đều gắn với chất thải của Formosa. Trong khi người dân đang bức xúc vì 100 tấn chất thải công nghiệp được chôn lấp trái phép tại trang trại của Giám đốc Công ty môi trường thì lại xuất hiện những “núi” rác đổ trộm trên núi, cách trang trại ông giám đốc này  chỉ có mấy trăm mét. Điều đáng nói là chính quyền địa phương lại không hề hay biết.

Bao giờ mới tỉnh?

Rác chưa được xử lý.

Nói về những bãi rác “vô chủ”, cách đây hơn 1 năm người dân ở thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã phát hiện ra chất thải rắn của Formosa đã đổ “bậy” tại khu vực xử lý rác thải sinh hoạt của thị trấn. Cụ thể là vào tháng 4/2015, sau khi thấy xe tải chở một số chuyến chất thải có màu đen, bốc mùi hắc nồng nặc, người dân sống gần bãi rác thị trấn Thiên Cầm nghi ngờ đây không phải là chất thải sinh hoạt bình thường nên đã báo cho chính quyền địa phương và công an. Ngày 20/5/2015, trong khi xe vào bãi rác thì công an đến lập biên bản sự việc. Ông Nguyễn Giang Hà- Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ sinh thái biển Thiên Cầm (đơn vị chở chất thải từ nhà máy Formosa đến bãi rác Thiên Cầm chôn lấp), giải thích: “Formosa bảo đó là rác thải sinh hoạt thông thường. Họ thuê chở đi chôn lấp tại bãi rác với giá 2,8 triệu đồng/xe 5 tấn nên mình chở”.

Sau khi lập biên bản, cơ quan công an thị trấn Thiên Cầm đã lấy mẫu gửi lên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện đề nghị gửi ra Sở TNMT thẩm định, kiểm nghiệm xem chất thải này có nguy hại hay không. Điều lạ là đến nay đã hơn một năm, người dân mong chờ kết quả đó nhưng chờ mãi không thấy trả lời. Điều này được ông Trần Viết Chiến- Trưởng Phòng TN-MT huyện Cẩm Xuyên cho biết là Phòng không lấy mẫu phân tích để xem chất thải có độc hại hay không vì thấy phía HTX Dịch vụ sinh thái biển Thiên Cầm trình công văn của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh nói đây là bùn thải từ xưởng xử lý nước thải sinh hoạt không phải là chất thải nguy hại. Sự việc này được ông Trần Hữu Duyệt- Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thừa nhận là chính quyền có phần chủ quan khi không đốc thúc lấy mẫu phân tích tính độc hại của chất thải khiến người dân hoang mang, bức xúc.

Thật là truy “đường đi” của chất thải độc hại còn “ngoằn nghèo” hơn cả rắn bò. Liên quan đến những vụ ở Hà Tĩnh, thì chính quyền tỉnh này đang rất “nhạy bén” trong xử lý sự cố môi trường do Formosa xả xuống biển, nhưng còn với những “núi” rác khác thì vẫn chưa có động tĩnh gì.

Từ đó, người ta thấy lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý của chính quyền các cấp địa phương. Từ xã/phường cán bộ đã làm ngơ (hoặc cố tình làm ngơ), cho đến cấp huyện cũng lại thế, từ đó “lan” lên cấp tỉnh. Chuyện này thực ra không chỉ có ở Hà Tĩnh, đó mới thực là mối lo chung. Ở đây, tinh thần trách nhiệm của cán bộ xã/phường phải được coi là quan trọng nhất, vì họ là những người sinh sống trên địa bàn, “bám” địa bàn suốt ngày đêm, từ ngày này sang ngày khác. Không thể nói rằng họ không biết có những “núi” rác xuất hiện ở phường/xã mình; càng không thể nói rằng họ không biết ai đổ ra. Vấn đề là vì sao họ lại không xử lý, kể cả lúc người dân đã lên tiếng phản ánh.

Cũng không thể nói như một vị Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường rằng “Sự cố xảy ra cũng giúp cho các cơ quan chức năng nhìn lại mình trong khi tham mưu các cơ chế chính sách và công tác quản lý. Từ trước đến nay quy định 1% nguồn chi ngân sách hàng năm cho đầu tư môi trường nhưng cứ đầu tư kiểu này kiểu khác nên các quy định của Nhà nước về vấn đề môi trường không chặt chẽ”. Thực ra, không phải chuyện gì cũng cứ phải có tiền mới làm được, hoặc mới chịu làm. Đã là công bộc của dân, ăn lương để phụ trách việc đó thì phải có trách nhiệm phát hiện, xử lý. Đã vậy, ngay cả khi người dân, báo chí “phát hiện hộ” cũng không chịu xử lý thì thật đáng chê trách.

Sau một thời gian khá dài phát triển nóng, vệ sinh an toàn môi trường bị bỏ qua, nay nhìn lại, thấy “lỗ hổng môi trường” quá lớn. Nhiều địa phương đã “trải thảm đỏ” với quá nhiều ưu ái cho các doanh nghiệp đến đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài. Từ đó, địa phương thu về được một số lợi ích kinh tế, giải quyết được công việc cho một bộ phận nhân dân tại chỗ, nên sự hủy hoại môi trường bị bỏ qua. Còn với doanh nghiệp, không nhiều đơn vị bỏ tiền ra đầu tư cho hệ thống xả thải, vì đó là số tiền khá lớn. Họ luôn “né” được chừng nào hay chừng đó, lợi dụng “cơn khát” kêu gọi đầu tư của địa phương để hạn chế chi tiêu, mặc kệ môi trường bị hủy hoại.

Tới nay, cả môi trường không khí, mặt đất, mặt nước cũng đều ô nhiễm, tuy rằng mức độ khác nhau. Vì sao nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp lại xây dựng ngay sát sông, sát bờ biển? Câu trả lời thật đơn giản, vì họ dễ dàng xả thải xuống nước. Vậy nên mới có những “dòng sông đen”, những dòng sông bị “bức tử”.

Trở lại vấn đề, thôi thì doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với cộng đồng đã đành, vậy lại càng đòi hỏi trách nhiệm cao của chính quyền, nhất là chính quyền cấp xã/phường. Nhưng, bao giờ họ mới tỉnh ra?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bao giờ mới tỉnh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO