Bao giờ nguồn cung xăng dầu bình ổn?

H.Hương-M.Sang 09/11/2022 07:02

Trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các đề xuất, kiến nghị của 28/34 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công thương xin ý kiến về việc điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam. Rất có thể trong kỳ điều hành ngày 11/11 tới, chi phí định mức xăng dầu được điều chỉnh. Liệu thị trường xăng dầu có hết cảnh bán cầm chừng?

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã nâng dần công suất lên 112% để góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng dầu cho đất nước.

Vẫn tái diễn cảnh khó mua, bán nhỏ giọt

Dù Bộ Công thương liên tục đưa ra chỉ thị để ổn định thị trường xăng dầu nhưng tình trạng cây xăng tạm đóng cửa, bán cầm chừng vẫn tiếp diễn.

Ghi nhận tại một số điểm bán xăng dầu lớn như cây xăng Nguyễn Văn Cừ, Trần Quang Khải, Nam Đồng… (Hà Nội), ngày 8/11, lượng người mua vẫn rất đông. Còn tại cây xăng phố Yên Bái, Thuỵ Khuê thì cây xăng lúc bán, lúc đóng cửa.

Thời điểm hiện tại, các thương nhân phân phối không biết xoay sở chia lượng xăng dầu như thế nào cho các doanh nghiệp bán lẻ. Một thương nhân phân phối cho biết, trong ngắn hạn nguồn hàng chưa thể dồi dào ngay được, doanh nghiệp càng kinh doanh càng lỗ. Theo chủ một công ty phân phối bán lẻ xăng dầu hiện bán lẻ lít xăng nào thì lỗ ngay lít đó. Công ty phải đóng cửa là cực chẳng đã.

Trước đó, trong nỗ lực ổn định thị trường xăng dầu Bộ Công thương đã có công văn gửi tới: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, các Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và UBND các tỉnh, thành phố... đề nghị phối hợp tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa.

Nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu cung ứng kịp thời nguồn xăng dầu cho nhu cầu sản xuất của DN và tiêu dùng của người dân, Bộ Công thương đề nghị Bộ GTVT, Bộ Công an, chính quyền các địa phương xem xét, có phương án phân luồng, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông, tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.

Đối với 2 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, trong văn bản hỏa tốc, Bộ Công thương nhắc lại yêu cầu cần duy trì việc cung ứng xăng dầu đầy đủ và liên tục cho thị trường trong nước, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân và DN... Duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Liên quan đến vấn đề chiết khấu, định mức lợi nhuận, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công thương. Bộ Công thương đã đồng thuận ngay với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi thì trong kỳ điều hành ngày 11/11 những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời hy vọng những khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua sẽ cơ bản được giải quyết.

Doanh nghiệp mong mỏi được điều chỉnh chi phí kinh doanh

Đại diện một DN đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cho biết, nếu như chi phí định mức được điều chỉnh, DN sẽ bớt khó khăn. Căn nguyên của hiện tượng cây xăng bán cầm chừng là bởi chi phí bán ra thấp hơn chi phí mua vào.

Trên diễn đàn về thị trường xăng dầu, chủ các cửa hàng kinh doanh xăng dầu mong muốn cơ quan chức năng mà cụ thể là Liên bộ Tài chính - Công thương sớm có quyết sách về cơ chế giá. Khi chiết khấu hạ thấp 0 đồng, người kinh doanh không ai muốn kinh doanh. Muốn thay đổi cục diện thị trường xăng dầu, phải sớm thay đổi công thức tính giá, điều chỉnh chi phí định mức, chi phí kinh doanh…

Dự báo về giá trong kỳ điều hành tới, có thể giá xăng dầu được điều chỉnh bởi 2 nguyên nhân. Thứ nhất là giá xăng dầu thế giới tăng. Thứ hai trong trường hợp liên bộ Tài chính - Công thương cùng thống nhất điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, phần tăng chi phí sẽ được cộng vào giá bán lẻ. Như vậy giá bán lẻ cũng sẽ tăng, tuy nhiên mức tăng bao nhiêu cũng còn phụ thuộc vào quỹ bình ổn xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhận xét rằng, từ khi được giao quản lý và điều hành thị trường xăng dầu, liên Bộ Tài chính - Công thương về cơ bản đã có những biện pháp điều hành linh hoạt, nhịp nhàng phù hợp theo diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới. Đặt trong bối cảnh, thị trường xăng dầu toàn thế giới biến động khó lường chắc chắn công tác điều hành càng phải linh hoạt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Trong điều hành xăng dầu, Bộ Công thương chịu trách nhiệm chính.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, nhìn vào diễn biến thị trường xăng dầu, cơ quan quản lý cũng cần lưu ý và rút kinh nghiệm, phối hợp đồng bộ hơn nữa trong công tác điều hành, tránh biến động lớn gây khó khăn cho DN, ảnh hưởng tâm lý người dân. Cần có sự hợp tác tích cực hơn giữa các cơ quan chức năng trên tinh thần chung là duy trì lượng cung, không để gián đoạn nguồn cung, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Trong văn bản phát đi chiều muộn ngày 8/11, Bộ Tài chính đã thông báo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu), áp dụng từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11 tới: Xăng nền để phối trộn xăng E5RON92: 640 đồng/lít;Xăng RON95: 1.280 đồng/lít; Dầu diezen 0,05S: 730 đồng/lít; Dầu hỏa: 1.740 đồng/lít; Dầu madut 180cst 3,5S: 1.290 đồng/kg.

Đối với Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi rà soát căn cứ trên báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và công bố điều chỉnh vào 10/1/2023 theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC. Về chi phí kinh doanh định mức, Bộ Tài chính cho biết phải sau khi năm tài chính kết thúc mới phản ánh được đầy đủ và mới có đủ cơ sở để rà soát đánh giá diễn biến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bao giờ nguồn cung xăng dầu bình ổn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO