Bảo hiểm tàu cá tại Khánh Hòa - Bài 1: Mua bảo hiểm nhưng không được bồi thường

Văn Nhất 18/10/2017 08:15

“Việc mua bán bảo hiểm, gia hạn tàu cá của gia đình tôi có nhiều khuất tất, mờ ám, và bị ép buộc. Bảo hiểm không thực hiện đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác xa bờ. Họ chỉ nhằm mục đích bán bảo hiểm, thu được phí, còn quyền lợi của ngư dân thì không quan tâm”. Đó là những bức xúc của ngư dân Trần Còn, trú tại xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Ngư dân Trần Còn trình bày sự việc.

Cán bộ thủy sản ép mua bảo hiểm?

Theo ông Trần Còn: Tàu cá của ông không vay vốn theo Nghị định 67 (NĐ 67), nên không bắt buộc mua bảo hiểm thân tàu và tai nạn thuyền viên tại Công ty Bảo Minh. Việc ngư dân không vay vốn theo NĐ 67 mua bảo hiểm ở đâu thì tùy họ lựa chọn, không được phép ép buộc.

Thế nhưng, cán bộ Trạm thủy sản Ninh Hòa (quản lý tàu cá Ninh Hòa và xã Vĩnh Lương) buộc ông phải mua bảo hiểm cho hai tàu KH-95743-TS và KH-92486-TS tại Công ty Bảo Minh.

Nếu không mua bảo hiểm của công ty này thì họ sẽ không gia hạn đăng kiểm tàu cá và bị xử phạt vi phạm hành chính khi trễ hạn giấy phép khai thác thủy sản.

Nếu mua bảo hiểm bên Công ty khác thì đến công ty bảo hiểm đó mà gia hạn đăng kiểm. Do vậy, nên buộc ông Còn phải mua bảo hiểm của Bảo Minh.

Ông Còn cho biết: “Tháng 9/2015 cán bộ Trạm thuỷ sản Ninh Hoà đến nhà tôi nhận 20 triệu đồng để mua bảo hiểm thân tàu và tai nạn thuyền viên cho 2 tàu của tôi (phần 30% ngư dân phải nộp) và nộp lệ phí gia hạn tàu cá (2 tàu); sau đó, giấy chứng nhận bảo hiểm được chuyển đến nằm trong hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh TP Nha Trang. Dù đã mua bảo hiểm 2 tàu cá nhưng tôi không biết “mặt mũi” một loại giấy tờ nào”.

Sau mua bảo hiểm cho 2 tàu cá của gia đình mình, ngày 7/9/2016, tàu của ông Trần Còn có trình báo với đồn Biên phòng Hòn Rớ Nha Trang xin phép được xuất bến đi Cam Ranh sửa chữa theo định kỳ (chuẩn bị đến hạn đăng kiểm vào ngày 18/9/2016).

Khi 2 tàu xuất bến chạy đến vị trí cách đảo Hòn Nội khoảng 4 hải lý về phía Đông Bắc và cách bờ khoảng 14 hải lý gặp mưa giông mạnh.

Mưa to và sóng lớn làm cho tàu KH 95743TS bị nước vào nhiều, máy bơm nước không hút kịp nên phải liên lạc bằng điện thoại với tàu KH 92486TS nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, do thời tiết xấu nên trong quá trình lai dắt, tàu cá KH 95743 kéo theo tàu KH 92486 bị chìm theo.

Chìm tàu lại không được bồi thường

Theo ông Trần Duy Hoàng, phó giám đốc Công ty bảo hiểm Bảo Minh chi nhánh Khánh Hòa thì sau khi sự cố xảy ra, ông Trần Còn báo cho Bảo Minh Khánh Hòa và Bảo Minh Khánh Hòa cũng đã báo cho Tổng Công ty Bảo Minh biết diễn biến sự việc. Tổng công ty đã thuê công ty TNHH Dịch vụ giám định Á Châu (AIS) giám định tổn thất.

Đối với tàu cá KH 92486TS đã được Bảo Minh bồi thường 1 tỷ đồng vì ông Trần Còn nộp đầy đủ giấy tờ (bao gồm bằng thuyền trưởng, máy trưởng,...), còn tàu KH 95743TS cũng chìm cùng lúc với tàu KH 92486TS nhưng ông Trần Còn không cung cấp được bằng máy trưởng nên bảo hiểm đã từ chối không bồi thường cho ông.

Theo kết quả giám định, trong bản đăng ký danh sách thuyền viên đi biển do chủ phương tiện là ông Trần Còn đăng ký lúc 17h ngày 7/9/2016, thì ông Trần Còn là thuyền trưởng, ông Trần Văn Thật là máy trưởng (đăng ký được đại úy CN Ngô Ngọc Sơn ký).

Qua xác minh bằng cấp thì ông Trần Còn có bằng máy trưởng hạng 5, còn ông Trần Văn Thật không có bằng máy trưởng.

Theo quy tắc bảo hiểm thân tàu 15731/BTC-QLBH ngày 29/10/2014 của Bộ Tài chính ban hành thì trường hợp này bị từ chối bồi thường.

Tuy nhiên theo ông Trần Còn, nếu tàu cá khi đăng kiểm mà không có bằng máy trưởng thì phải thông báo để chủ tàu biết và bổ sung; khi xuất nhập bến nếu không đủ điều kiện ra khơi (không có bằng máy trưởng) thì Bộ đội Biên phòng phải thông báo và không cho tàu cá ra khơi.

“Khi mua bán bảo hiểm thì phải thông báo rõ cho ngư dân biết các điều kiện để được hưởng bảo hiểm khi có tai nạn xảy ra. Đã không giải thích cho dân hiểu rồi, hợp đồng cũng không có, các điều kiện, quy tắc trên mặt sau của bảo hiểm họ cũng không ghi gì thì làm sao dân chúng tôi biết. Khi chuyện xảy ra thì đem luật với quy định ra nói với ngư dân”- ông Còn bức xúc.

Những lý do trên có một phần thiếu trách nhiệm của Bảo Minh, nhưng Bảo Minh từ chối trách nhiệm của mình bồi thường tàu cá KH-95743-TS.

Suốt một năm qua, ông Còn đã liên tục khiếu nại, khiếu kiện, nhưng buộc phải tạm dừng, vì lý do kiệt quệ về tài chính, gia đình đã đi vào ngõ cụt, khốn đốn (không có tiền thuê luật sư và nộp án phí).

(Còn nữa ...)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo hiểm tàu cá tại Khánh Hòa - Bài 1: Mua bảo hiểm nhưng không được bồi thường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO