Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Trách nhiệm của nhà trường

Lê Bảo 13/03/2019 07:20

Quy định tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã được luật hóa, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục cũng được quy định cụ thể. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn không ít cơ sở giáo dục tổ chức thu nhiều khoản phải đóng góp vào đầu năm học, gây sức ép tài chính cho các hộ gia đình.

Bên cạnh những khoản đóng góp có tính chất bắt buộc, trong đó có BHYT thì có những khoản “thu hộ” như bảo hiểm thương mại, khiến phụ huynh bức xúc.

Luật BHYT năm 2014 quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT. Về trách nhiệm thu BHYT của các trường học, Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT đã quy định: Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc 1 năm/ lần nộp vào Quỹ BHYT.

Tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, HSSV. Mức trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bằng 5% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số HSSV đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT (kể cả HSSV tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác).

Như vậy, ngoài trách nhiệm phải thu BHYT của HSSV, các trường còn có trách nhiệm bảo đảm sử dụng 5% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số HSSV đang theo học để tổ chức thực hiện công tác y tế học đường theo quy định. Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/05/2016 của liên Bộ Y tế - Bộ GDĐT quy định cụ thể, chi tiết các nội dung của y tế trường học bao gồm việc bảo đảm các điều kiện về phòng học, bàn ghế, bảng viết, chiếu sáng, đồ chơi trong trường học; điều kiện về cấp thoát nước và vệ sinh môi trường; các điều kiện về phòng y tế, nhân viên y tế trường học; hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu; hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe.

Thực tế cho thấy kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV trích từ Quỹ BHYT liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 2010, số kinh phí trích lại là hơn 200 tỷ đồng đến các năm gần đây, con số này đã tăng hơn gấp 3 lần, đạt khoảng 600 tỉ đồng. Nhờ đó quyền lợi khám, chữa bệnh của nhân dân nói chung và HSSV nói riêng khi tham gia BHYT cũng được mở rộng. Đặc biệt từ ngày 1/1/2016, quy định thông tuyến huyện đã tạo nhiều thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh đối với người tham gia BHYT, trong đó có HSSV. Nhiều bệnh nhân là HS đã được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng như các trường hợp điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim mạch từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục chưa tuyên truyền, phổ biến rõ cho phụ huynh HS biết việc thu BHYT là trách nhiệm của cả gia đình và nhà trường nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của các em. Điều này dẫn đến hiểu nhầm, thậm chí là hiểu sai bản chất ưu việt, tính nhân văn trong chính sách, pháp luật BHYT của Nhà nước; đánh đồng vai trò của cơ sở giáo dục trong thực hiện BHYT với việc thu các loại hình bảo hiểm thương mại. Đây là hạn chế, bất cập cần sớm được chấn chỉnh.

Để khắc phục tình trạng trên, mới đây BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở GDĐT, tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục; quán triệt thực hiện nghiêm túc BHYT HSSV, nhận thức rõ vai trò và thực hiện công tác thu y tế học đường theo đúng quy định pháp luật, với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Yêu cầu các cơ sở giáo dục phải phổ biến rõ tới phụ huynh HSSV về nghĩa vụ tham gia BHYT là quy định bắt buộc đã được luật hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Trách nhiệm của nhà trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO