Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp

Quốc Định 31/10/2018 16:37

Ngày 31/10, tại TP HCM, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp

Bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Việt Nam là một nước nông nghiệp với nhiều nông sản có giá trị xuất khẩu, tuy nhiên, số sản phẩm được xây dựng thương hiệu bài bản và được bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ còn rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Cũng theo bà Lý, cả nước hiện có khoảng 800 sản phẩm nông – lâm - thủy sản có uy tín, phân bố ở 720 địa phương nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và khoảng 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký, được bảo hộ. Trong số đó, có rất ít nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài như: nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận, vú sữa Lò Rèn, cà phê Buôn Mê Thuột… 80% nông sản Việt Nam hiện nay xuất khẩu thô, không nhãn mác, thương hiệu. Từ thực tế đó, nếu việc đăng ký sáng chế, xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được quan tâm đầu tư thì chắc chắn sức cạnh tranh của nông sản Việt cũng tăng lên, giảm được tình trạng phải xuất khẩu thông qua các thương hiệu nước ngoài.

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, từ nhu cầu của sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp, nông dân có những sáng kiến mang lại giá trị gia tăng cho các sản phẩm nên vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại càng cần thiết. Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ về các yếu tố của tài sản trí tuệ như: quyền tác giả, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, giống cây trồng…

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp - 1

Quang cảnh Hội thảo.

Một sản phẩm ra thị trường gần như tập hợp được tất cả các tài sản trí tuệ đó. Vậy nông sản Việt Nam ra thị trường có đáp ứng đủ các điều kiện đó không, giá trị về nội dung và hình thức như thế nào và được bảo hộ ra sao… là những điều mà doanh nghiệp và nông dân buộc phải quan tâm trong điều kiện xuất khẩu nông sản ngày càng nhiều như hiện nay.

Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng đại diện Cục Trồng trọt tại phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, trước mắt cần tham vấn cho doanh nghiệp, nông dân đăng ký quyền sở hữu các giống cây trồng. “Việc mua các loại giống cây trồng kích thích sự sáng tạo trong cả nước. Hiện nay chúng ta có khoảng 800 giống lúa và tồn tại trong sản xuất khoảng 100 giống, gạo xuất khẩu đi 150 quốc gia. Làm tốt tác quyền sẽ kích thích cho sự phát triển trong sản xuất”.- ông Tùng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO