Bão lũ, thiên tai và nhân tai

Cẩm Thúy 06/11/2020 06:40

Miền Trung năm nào cũng có mưa bão, năm nào cũng có sạt lở đất, lũ quét, nhưng năm nay thì là một đợt mưa lũ kỷ lục. Các chuyên gia lý giải về việc sạt lở đất là do mưa bão kỷ lục cường độ lớn kéo dài làm cho đất đá bị sũng nước.

Bão lũ đã làm 235 người chết và mất tích; trên 201 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái.

Sáng 5/11, hội trường báo Đại Đoàn kết nóng lên bởi cuộc tọa đàm trực tuyến Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay Nhân tai? Sự tham gia của các chuyên gia địa chất, thủy điện, môi trường với các ý kiến tranh luận thẳng thắn đã đặt ra nhiều vấn đề cho câu chuyện ứng phó với bão lũ, sạt lở đất ở miền Trung. Trong đó, mong muốn lớn nhất đặt ra ở cuộc tọa đàm là làm thế nào để giảm thiểu thấp nhất tác hại của bão lũ đã được gợi mở từ ý kiến các nhà chuyên môn.

Có thể cảm nhận ngay trong các nhà khoa học cũng còn có những ý kiến khác nhau về nguyên nhân của hậu quả lũ lụt nghiêm trọng. Tất nhiên, không ai phủ nhận được rằng thiên tai vừa qua là rất đặc biệt, bất thường. Quả đúng như các chuyên gia đều khẳng định tại cuộc tọa đàm do báo Đại Đoàn kết tổ chức, rằng nguyên nhân chính là do bão lũ lịch sử, những lượng mưa đo được rất lớn. Nói như PGS.TS Trần Tân Văn - vị chuyên gia tham gia cuộc tọa đàm do báo Đại Đoàn Kết tổ chức thì miền Trung năm nào cũng có mưa bão, năm nào cũng có sạt lở đất, lũ quét, nhưng năm nay thì là một đợt mưa lũ kỷ lục. Các chuyên gia cũng lý giải về việc sạt lở đất là do mưa bão kỷ lục cường độ lớn kéo dài làm cho đất đá bị sũng nước.

Nhưng ngoài nguyên nhân mưa lũ kỷ lục, ngoài đặc điểm địa chất của vùng đất miền Trung là dốc thì lũ lớn và sạt lở đất có nguyên nhân từ sự tác động của con người hay không? Khi trong buổi tọa đàm chúng tôi đặt câu hỏi này có vẻ như là ý kiến của các chuyên gia vẫn còn khác nhau. Bởi vì khi nói đến một trong những tác động của con người vào khu vực rừng và sông suối miền Trung thì chắc chắn không thể nào không nhắc đến câu chuyện thủy điện. PGS. TS Vũ Thanh Ca cho rằng thủy điện không là nguyên nhân của lũ lụt cũng như không làm cho lũ to hơn. Thậm chí ông Vũ Thanh Ca còn đưa ra những cơ sở khoa học cho rằng tác hại của thủy điện nhỏ là rất ít, nó còn có thể làm giảm nhẹ lũ. Cùng quan điểm này là ý kiến của chuyên gia thủy điện Nguyễn Tài Sơn. Trong khi đó PGS.TS Trần Tân Văn thì nói rằng thủy điện có làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông hồ và có ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, nơi có thảm thực vật nhiều tầng có thể hạn chế được lũ.

Cũng trong những ngày này câu chuyện bão lũ và sạt lở đất cũng nóng ở diễn đàn Quốc hội. Trong đó, trong giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận: “Cũng có chuyện thủy điện chiếm đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng rừng đầu nguồn và chức năng của rừng trong phòng chống lũ bão”. Như vậy cho dù các nhà khoa học còn đưa ra các ý kiến khác nhau thì rõ ràng ảnh hưởng của thủy điện tới lũ lụt và sạt lở đất là có. Chính vì vậy mà theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thì từ năm 2016, đã tuyệt đối không bổ sung bất cứ thủy điện nhỏ nào chiếm đất rừng tự nhiên.

Khi tổ chức tọa đàm trực tuyến “Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay Nhân tai?” báo Đại Đoàn Kết hoàn toàn không muốn đi tìm lý do để đỗ lỗi trước những thiệt hại về người và của đầy đau xót của miền Trung những ngày qua. Mà cuộc tọa đàm từ phân tích của các nhà khoa học lại càng thấy rõ có thể có các biện pháp, các chiến lược đầu tư để giảm thiểu thiệt hại.

Đó là qui trình vận hành và xả lũ của hồ đập thủy điện cần được kiến nghị đặt trong sự giám sát của cả cộng đồng. Thời đại công nghệ phát triển, những việc này hoàn toàn không khó. Phát biểu tại Quốc hội, chính Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận dù đã có nhiều quy định pháp lý liên quan điều chỉnh hoạt động thủy điện gắn bảo vệ phòng chống thiên tai, an toàn hồ đập... nhưng cũng không tránh khỏi chuyện một số địa phương thực thi còn bất cập.

Có lẽ là đã đến lúc quá ngưỡng chịu đựng của sức và người miền Trung ở vào thời buổi khoa học đã phát triển như hiện nay, nếu còn tiếp tục để họ phải chịu lũ lụt không phải chỉ vì “ông giời” mà còn bởi các qui trình vận hành và xả lũ không đảm bảo. Áp dụng công nghệ cho việc giám sát của cả cộng đồng đối với việc vận hành hồ đập thủy điện là việc không thể chậm hơn được nữa.

Cũng từ cuộc tọa đàm này, chúng ta thấy rõ việc dự báo và cảnh báo các khu vực đất có nguy cơ sạt lở là hoàn toàn khả thi đối với các nhà khoa học. Ở Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề cập đến việc cảnh báo sát hơn, có bản đồ cảnh báo sạt lở. Nhưng theo PGS.TS Trần Tân Văn thì có vẻ như là việc chuyển giao các nghiên cứu của các nhà khoa học về các địa phương không phải lúc nào cũng suôn sẻ, không phải lúc nào kết quả cũng được sử dụng đúng lúc, kịp thời.

Chưa kể rằng bản đồ cảnh báo sạt lở đất cứ 3 đến 5 năm lại phải làm lại vì các nội dung cảnh báo phải được liên tục điều chỉnh, thay đổi sau mỗi đợt mưa lũ...

Đầu tư cho khoa học nghiên cứu địa chất và cảnh báo sạt lở đất là đầu tư cần kíp và nghiêm túc. Ý thức thường trực về việc đảm bảo cho nhân dân phải đang được sinh sống ở vùng an toàn phải được đặt ra như một công việc trọng tâm bậc nhất của các địa phương có khu vực bị cảnh báo. Việc này chúng ta hoàn toàn có thể làm được thay vì việc chúng ta phải cử hàng trăm, hàng nghìn người vượt suối, băng rừng, bới từ đất đá đổ nát để tìm những đồng bào mất tích sau mỗi lần sạt lở đất và lũ quét.

Câu nói của ông Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Huyện ủy Lộc Hà (Hà Tĩnh) qua điện thoại với lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết rằng trận lũ vừa rồi, Lộc Hà nhờ chủ động ứng phó di dân sớm mà cả đợt lũ không có một trang sách học trò nào bị ướt là một chia sẻ không phải chỉ khiến chúng ta cảm động mà còn khiến chúng ta suy nghĩ về những giải pháp căn cơ để ứng phó và sống chung, khi mà bão và lũ năm nào cũng đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bão lũ, thiên tai và nhân tai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO