Bạo lực học đường: Gỡ thế nào?

Hồng Minh 16/10/2016 13:05

Số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra gần đây cho thấy, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau. Theo đó, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau... Đó là những tồn tại cần được tháo gỡ.

Ảnh minh họa.

Những vụ việc đau lòng

Thời gian qua, nhiều clip học sinh (HS) đánh nhau đã làm nóng mạng xã hội. Tối 5/10, clip dài hơn một phút quay cảnh hai nữ sinh hành hung một nữ sinh ở TP Huế (Thừa Thiên - Huế). Nạn nhân chỉ biết yếu ớt đưa tay đỡ đòn khi bị hai nữ sinh khác đánh tới tấp. Trước đó, clip bạo lực ở Nghệ An cũng gây xôn xao, bức xúc dư luận. “Lúc đó, chúng em chỉ biết ôm mặt, đầu để tránh bị đánh”, một trong số những nạn nhân kể lại sau khi điều trị gần 1 tuần ở bệnh viện.

Mới đây nhất, ngày 9/10, một đoạn video clip dài 1 phút 27 giây được chia sẻ chóng mặt trên các diễn đàn, quay lại cảnh 2 cô gái trẻ mặc áo đen tát như vũ bão vào mặt cô gái mặc áo trắng. Sau khi hứng những cát tát “trời giáng”, nữ sinh áo trắng gục xuống đường.Song, khi vừa cố gắng ngồi dậy, em này tiếp tục bị những kẻ hiếu chiến tiếp tục đá vào mặt bất tỉnh.

Ngày 11/10, ông Nguyễn Thanh Sơn- Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Thủy 3 (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, đã ra quyết định kỷ luật đình chỉ học 1 năm đối với 2 nữ sinh đánh bạn học cùng trường bất tỉnh. Theo báo cáo của nhà trường, sự việc xảy ra vào ngày 23/9, hai nữ sinh tát, đá bạn bạn bất tỉnh được xác định là Doãn Thùy L. (trú tại xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy) và Phạm Thị Hương L. (trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy). Cả hai đều là học sinh lớp 11A3. Nữ sinh bị đánh là Cao Thị Ph. (ngụ xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy), hiện đang học lớp 10A2. Cũng theo ông Sơn, nguyên nhân được xác định do hai bên có mâu thuẫn. Hai nữ sinh Thùy L. và Hương L, là những học sinh cá biệt của trường.

Tại thời điểm hai nữ sinh này đánh bạn, nhà trường cũng đang cho họp hội đồng để đưa ra hình thức kỷ luật đối với các em này vì trước đó cũng có hành vi đánh nhau. Chính vì vi phạm có tính hệ thống nên nhà trường quyết định đình chỉ học 1 năm với 2 học sinh này. Còn về em Ph. hiện đã trở lại đi học bình thường.

Nhưng, đau lòng nhất là cái chết của em Quang Huy (15 tuổi) ở Yên Bái. Được biết, trước khi thắt cổ tự tử, Huy đã trải qua cú sốc tinh thần lớn do bị bạo lực học đường. Theo chị Nga- mẹ Huy, ngày 19/9 sau khi tan học, Huy bị một nhóm thanh niên đón đường và đánh gần khu vực cổng trường. Không những bị đánh liên tiếp bằng gậy cao su, nhóm thanh niên này còn bắt em quỳ và chắp tay xin tha thứ trước sự chứng kiến của rất nhiều bạn bè trong trường. Đồng thời chúng còn quay clip và tung lên mạng.

Sau khi bị đánh, không chỉ bị chấn thương cơ thể, Huy còn có biểu hiện hoảng loạn tâm lý nên gia đình đưa em vào Bệnh viện 103 Yên Bái để kiểm tra. Phía bệnh viện xác định cháu bị chấn thương nên yêu cầu gia đình cho cháu nằm viện điều trị 1 tuần. Rời bệnh viện về nhà, Huy vô tình phát hiện clip mình bị đánh lan truyền trên mạng nên bị sốc và rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Ngày 25/9, khi mẹ đi làm, Huy đã treo cổ tự tử.

Cái chết của Huy một lần nữa cảnh báo về sự nguy hiểm của nạn bạo lực học đường, khi mà giờ đây nguyên nhân có thể chỉ “nhỏ như con thỏ” cũng có thể châm ngòi cho các cuộc đánh nhau giữa nơi đông người. Đau lòng hơn khi chứng kiến ẩu đả, nhiều học sinh sẵn sàng... rút điện thoại quay đưa lên mạng thay vì khẩn trương báo cho người lớn, cơ quan chức năng hay là can ngăn, giúp đỡ nạn nhân.

Chưa quan tâm đến chấn thương tâm lý

Xung quanh các vụ việc học sinh đánh nhau, hầu hết ban giám hiệu các trường đều vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, tiến hành phân tích cho gia đình và giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh. Thậm chí có vụ việc công an đã vào cuộc.

Về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia tâm lý ĐH Sư phạm TP HCM chia sẻ: Những đứa trẻ bị bạo lực, nhất là về tinh thần, ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Khi xem những clip bạo hành, nhiều người đổ lỗi cho nhà trường. Thật ra, đây không phải vấn đề của riêng ai mà là của toàn xã hội.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nhà trường, gia đình và xã hội dường như chưa quan tâm nhiều đến những chấn thương tâm lý. Những học sinh bị đánh dễ bị trầm cảm, tự ti, nhút nhát. Kẻ đánh người, nhân cách dễ bị biến chất, lớn lên sẽ là người hay gây sự, gây bạo lực gia đình, xã hội. Theo ông Lâm, nguyên nhân chính là việc buông lỏng giáo dục của gia đình. Nhiều gia đình lơ là việc học tập, sinh hoạt và suy nghĩ của con. Nhiều nhà cha mẹ bất hòa khiến các em ít được quan tâm giáo dục, chúng có thể giấu trong lòng sự ấm ức, khi gặp những cú sốc lớn dễ bộc phát.

Những nghiên cứu về mặt tâm lý cho thấy, những triệu chứng như hung hãn, những rối loạn về hành vi, thậm chí những hành vi biến thái đều có nguy cơ xuất phát từ những rối nhiễu từ trong giai đoạn đứa trẻ còn nhỏ ở trong gia đình… Vì vậy, TS Khuất Thu Hồng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, đằng sau những chấn thương vì bạo lực có nhiều sai lầm của người lớn. Trước mắt, cần giáo dục Luật Bảo vệ trẻ em nhiều hơn cho cả trẻ em và người lớn để không còn tình trạng mọi người đứng nhìn một đứa trẻ bị làm nhục mà không lên tiếng, chưa kể còn có thái độ a dua.

Chia sẻ với báo chí, bà Lê Thị Lan Anh- Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt (IEDV) nhận định: Bạo lực học đường bùng phát nhiều nhất ở giai đoạn cuối THCS và đầu THPT- lứa tuổi mà học sinh đang ở giai đoạn dậy thì rất mạnh. Lượng hoócmôn trong cơ thể tăng cao khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái quá hưng phấn, dễ bị kích động, khả năng tiết chế cảm xúc kém. Để chấm dứt bạo lực học đường, cha mẹ nên dành thời gian để quan tâm đến con, lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ, buồn vui của con; trẻ được sống trong nhân ái sẽ thành người nhân ái.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạo lực học đường: Gỡ thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO