Bảo quản thức ăn: Cẩn thận để không ngộ độc

Mai Thư 24/05/2021 09:00

Các chuyên gia y tế cho biết, việc để thức ăn qua đêm là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, nếu không bảo quản đúng cách, thức ăn rất dễ bị vi khuẩn có hại xâm nhập, gây biến đổi chất. Do đó, ngoài việc chọn mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng cũng cần phải thận trọng trong việc bảo quản, chế biến thực phẩm để tránh bị ngộ độc.

Cần bảo quản thực phẩm đúng cách.

Bảo quản không đúng cách sẽ gây ngộ độc

Trong tháng 5 này, đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra do sử dụng thực phẩm và bảo quản thực phẩm không đảm bảo. Mới đây là vụ việc tại xóm Ngàm Vàng (xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng). Theo bà Lương Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cao Bằng cho biết: Trên địa bàn vừa xảy vụ ngộ độc thực phẩm làm 2 cháu bé tử vong và 20 người phải nhập viện. Nguyên nhân là do sử dụng thức ăn bị ôi thiu. Đáng tiếc nhất là 2 cháu bé không được phát hiện sớm nên đã tử vong…

Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng phổ biến như nôn, đau bụng, tiêu chảy. Nếu điển hình thì sẽ có từ hai người trở lên cùng bị bệnh tương tự như nhau sau khi cùng ăn, uống một loại thực phẩm nghi ngờ, người không ăn thì không bị bệnh.

BS Phạm Văn Chính, Phó Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Cần Thơ chia sẻ: Những món ăn sau khi nấu chín có thể để được ở nhiệt độ bên ngoài trong 2 giờ đồng hồ. Sau thời gian này, các vi khuẩn có hại có thể phát triển nhanh về số lượng cũng như sinh ra các độc tố nguy hiểm gây ngộ độc. Trong trường hợp bảo quản dưới 5 độ C, tức ngăn mát tủ lạnh, thì thời gian bảo quản cũng không quá 1-2 ngày. Vì sau thời gian này, thức ăn vẫn có thể bị hỏng và gây ngộ độc.

Ví dụ, với cháo gà còn dư sau khi ăn, nếu để ngoài nhiệt độ thường trong thời gian lâu, sau đó mới cất vào tủ lạnh cũng có thể dẫn đến các vi khuẩn có hại phát triển và sinh ra độc tố. Ðến khi hâm nóng lại, nếu thời gian hâm nóng chưa đủ lâu để diệt vi khuẩn hoặc nếu độc tố không bị phá hủy bởi nhiệt (độc tố của một số vi khuẩn không bị hủy bởi nhiệt) sẽ gây ngộ độc.

Do đó BS Chính khuyến cáo, chúng ta không nên để thức ăn ở nhiệt độ bên ngoài quá 2 giờ và cần đun nóng lại ít nhất trong 5 phút trước khi dùng (đảm bảo nhiệt độ trong lõi thức ăn phải đạt trên 70 độ C); không sử dụng lại các món ăn để dành trong tủ lạnh quá 2 ngày. Cần vệ sinh tay, dụng cụ chế biến cẩn thận trước khi nấu.

Ăn chín, uống sôi, bảo quản đúng yêu cầu

BS Đinh Qúy Minh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu Nghị cũng tư vấn: Người dân cần ăn chín, uống sôi; chọn thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh đúng yêu cầu, cần nhớ nguyên tắc tách riêng thực phẩm sống và chín, kể cả các dụng cụ chế biến, chứa đựng; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Cố gắng tính toán nấu xong ăn hết, nếu còn thừa thì đun lại ngay sau ăn (vì khi ăn có lẫn thêm các vi khuẩn từ ngoài vào, việc này người dân ta không ai biết), để nguội nhanh và sau đó bảo quản lạnh.

Cũng theo chuyên gia tiêu hóa, những người có sức đề kháng yếu do các bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, các bệnh tự miễn, đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch (thuốc corticoid, thuốc chữa ung thư), người bị bệnh gan, suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, người già, trẻ nhỏ… thì không nên ăn sống, đặc biệt thịt, cá sống, gỏi, hải sản sống, tiết canh. Vì nếu ăn vào thì dễ bị nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn thường nặng hơn và dễ tử vong hơn so với người khác.

Khi phát hiện các trường hợp nặng, phức tạp do ngộ độc như sốt cao, đau bụng, nôn nhiều, tiêu chảy nhiều lần (phân có thể có nhầy hoặc kèm máu), chân tay lạnh, ý thức lơ mơ thì cần cho người bệnh nhập viện sớm.

Nếu người bệnh chỉ có các triệu chứng tiêu chảy đơn thuần thì cho uống dung dịch Oresol theo chỉ định (uống thay nước, cho hết khát và uống tiếp chừng nào còn tiêu chảy) hoặc nước khoáng, nước rau luộc pha muối, có thể dùng thêm smecta nếu người bệnh đi ngoài lỏng 4-5 lần/ngày kèm chế độ ăn hạn chế trứng và sữa.

Một số thực phẩm dễ gây ngộ độc khi để qua đêm

Theo các bác sĩ, để đảm bảo an toàn thực phẩm, rau xanh luộc không nên để lại qua đêm, nếu để qua đêm rau sẽ mất hết vitamin. Chỉ để rau trong vòng 4 giờ, nếu để lâu, các loại vi khuẩn sẽ phân hủy trong rau. Cho dù để trong tủ lạnh, nếu dùng nhiều và lâu dài có khả năng gây ung thư.

Tất cả các loại trứng luộc, đặc biệt là trứng lòng đào, không nên để lâu, chất béo và chất đạm có trong trứng sẽ rất dễ bị biến tính. Nước trà xanh để lâu thường xỉn màu, những loại vitamin C chống oxy hóa trong nước trà xanh sẽ bị phân hủy. Nếu uống sẽ có một số vi khuẩn, vi nấm gây hại cho sức khỏe. Các loại nấm nấu chín để qua đêm sẽ không còn dinh dưỡng. Các món gỏi do không được nấu chín nên những thức ăn từ gỏi dễ xuất hiện các độc tố lạ gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, các loại hải sản cũng không để qua đêm do chứa nhiều chất đạm lạ, những chất này sẽ bị biến đổi gây nguy hiểm cho sức khỏe. Trong các loại canh có chứa gia vị như mắm, muối, bột ngọt… thường gây ra phản ứng hóa học khiến cơ thể bị ngộ độc, lâu dài sẽ phá hủy tủy xương, thiếu máu, suy thận, suy gan, thậm chí ung thư…

Ngoài ra, thực phẩm đã nấu chín cần che đậy kín tránh côn trùng xâm nhập. Ðặc biệt đối với thịt gà (vì loài giời - một loài rết nhỏ phát sáng về đêm nhờ chất lân tinh tự nhiên do cơ thể nó có sẵn) rất thích thịt gà. Nếu nhiễm chất lân tinh này, ăn vào sẽ bị ngộ độc (phospho) gây đau bụng tiêu chảy.

Thông thường trong vòng 4 tiếng đồng hồ sau khi ngộ độc thực phẩm, cơ thể sẽ có những biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, choáng váng, nhìn mờ, thở không được, sốt cao, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời sơ cứu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo quản thức ăn: Cẩn thận để không ngộ độc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO