Bảo tồn di sản chưa xếp hạng: Lỗ hổng lớn của luật

Từ Khôi 17/02/2020 06:20

Nhà thờ Bùi Chu (Nam Định) chuẩn bị hạ giải để xây mới; Trạm phát sóng Bạch Mai (Hà Nội) bị phá một phần trước khi cán bộ xuống lập hồ sơ di tích… Những vụ việc như thế làm đau lòng người yêu di sản văn hóa. Xét theo luật, khi không phải là di tích thì việc phá bỏ xây mới công trình thuộc quyền của chủ sở hữu. Vậy là, một lỗ hổng lớn đã xảy ra đối với hàng loạt các di sản có giá trị nhưng chưa được xếp hạng di tích.

Bảo tồn di sản chưa xếp hạng: Lỗ hổng lớn của luật

Nhà thờ Bùi Chu chuẩn bị hạ giải.

Phá để xây mới hay trùng tu nhà thờ Bùi Chu? Trăn trở này đã diễn ra sôi động từ đầu tháng 5/2019. Ngành văn hóa đã cử cán bộ tới thị sát, làm việc. Ngày 1/5/2019, có tới 25 nhà khoa học, kiến trúc sư, gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, đề nghị xem xét can thiệp giữ lại nhà thờ chánh tòa Bùi Chu.

Sau gần một năm, với nhiều đoàn khảo sát về nhà thờ Bùi Chu, vẫn chưa có một quyết định chính thức nào được đưa ra. Còn với những chủ sở hữu nhà thờ, công việc không thể đình trệ mãi. Vì vậy, họ quyết định tháo dỡ toàn bộ nội thất trong nhà thờ và di dời về một nhà thờ mới dựng tạm trong khuôn viên để sinh hoạt tôn giáo. Sau đó sẽ tiến hành hạ giải nhà thờ. Tuy không có quyết định nào được đưa ra nhưng có thể thấy việc xây dựng lại nhà thờ mô phỏng theo kiến trúc cũ. Vật liệu gỗ cũng được tập kết và đang thi công khẩn trương. Việc hạ giải, xây mới toàn bộ và mô phỏng tới 80-90% kiến trúc cũ cũng là phương án mà Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) đưa ra nếu như không thực hiện phương án trùng tu cục bộ theo nguyên trạng. Việc hạ giải và xây mới hoàn toàn vừa vững chắc, không mất nhiều thời gian, kinh phí như trùng tu cục bộ.

Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng từ năm 1884 bởi giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận. Các chuyên gia đánh giá cao về giá trị kiến trúc – văn hóa mỹ thuật. Khối công trình chính có chiều dài 78 m, rộng 22m, cao 15m, tháp cao 35m, với kết cấu khung bằng tường gạch chịu lực kết hợp với những hàng cột gỗ lim đặt trên bệ xà điêu khắc tinh xảo. Trần được làm bằng hỗn hợp vôi rơm và vật liệu địa phương để tạo độ bền và nhẹ… Kiến trúc nhà thờ Bùi Chu vừa kế thừa lối kiến trúc châu Âu vừa kết hợp với phương Đông. Các chất liệu xây dựng của bản địa cũng góp phần tạo nên sự giao thoa văn hóa Đông – Tây độc đáo.

Sau khi khảo sát, Viện Bảo tồn di tích đã kiểm định, nhà thờ Bùi Chu đã xuống cấp ở mức báo động (mức C). Riêng về tình trạng kỹ thuật, kiến trúc mặt ngoài nhà thờ bị biến đổi, tháp chuông bị nghiêng khoảng 2 độ và có nguy cơ sụp đổ, hệ tường bao quanh xuất hiện vết nứt và có hiện tượng nghiêng, vặn... Qua 2 lần trùng tu vào năm 1974 và năm 2000, tuy nhà thờ lưu giữ được nhiều thành phần trang trí từ thuở ban đầu khởi dựng, nhưng cũng làm thay đổi thay đổi kiến trúc công trình.

Không phải là di tích lịch sử văn hóa nên việc quản lý, sử dụng thuộc về giáo phận Bùi Chu. Theo luật, cho dù có đưa vào danh mục kiểm kê nhưng chưa xếp hạng thì họ vẫn có quyền xây mới theo giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, ý kiến của TS. Nguyễn Thị Hậu rất đáng lưu tâm: “Sở hữu công trình thuộc về tư nhân hay tổ chức nhưng giá trị di sản của công trình thì thuộc về cộng đồng chung. Bởi vì mỗi giáo phận không tồn tại ở nơi hoang vắng không thuộc về quốc gia nào mà luôn thuộc về một quốc gia, một nền văn hóa, và như vậy công trình nhà thờ về giá trị vật chất và tinh thần theo thời gian còn là sự phản ánh lịch sử của cộng đồng, của vùng đất và quốc gia đó”.

Chính việc không xếp hạng di tích (dù chỉ là cấp tỉnh) đối với các di sản đã gây nên hiện tượng phá di sản để xây mới. Không chỉ nhà thờ Bùi Chu mà những năm gần đây chúng ta thấy còn nổi lên những công trình khác có giá trị bị đe dọa phá bỏ như Dinh thượng thơ ở TP. Hồ Chí Minh (hiện là trụ sở làm việc của Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Công thương). May mà mới đây Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định cải tạo Dinh thượng thơ thành nhà truyền thống UBND TP Hồ Chí Minh.

Một sự việc ngang trái vừa diễn ra vào ngày 9/2/2020. Cụm công trình trạm phát sóng Bạch Mai, biệt thự số 128C Đại La – một địa chỉ lịch sử vừa bị phá bỏ một gian và hư hại kiến trúc phần còn lại. Tòa nhà được xây dựng năm 1912 là Sở Vô tuyến điện của chính quyền thực dân Pháp. Trưa 7/9/1945, nơi đây đã phát sóng bản Tuyên ngôn Độc lập ra cả nước và thế giới. Cũng tại nơi đây, bản tin đặc biệt vào 20h ngày 19/12/1946, phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. UBND TP Hà Nội đã giao Sở VHTT Hà Nội chủ trì, phối hợp với VOV, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc hoàn thiện hồ sơ để xếp hạng di tích đối với tòa nhà một tầng trên. Thế nhưng, lợi dụng việc cán bộ của cơ quan chức năng chưa đến làm việc, Công ty CP Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Văn hóa (cơ quan quản lý tòa nhà) đã đập phá một gian nhà. Chỉ khi nhận được yêu cầu tạm dừng của UBND quận Hai Bà Trưng và phường Đồng Tâm, đơn vị này mới dừng việc phá dỡ vào sáng 10/2.

Thiết nghĩ, Luật Di sản văn hóa cần tiếp tục nhanh chóng được sửa đổi để đáp ứng sự phát triển của xã hội. Ngay từ khi mới thành lập nước, Chính phủ lâm thời đã có ngay 2 sắc lệnh vô cùng quan trọng để bảo vệ di sản. Đó là Sắc lệnh số 35 ngày 20/9/1945 do ông Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa lệnh Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký ghi rõ: “Điều 1. Đền chùa, lăng tẩm, nhà thờ, tất cả các nơi có tính cách tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào, nhân dân đều phải tôn trọng không được xâm phạm”. Và Sắc lệnh số 65 ngày 23/11/1945 do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Nội dung: Giao Đông phương Bác cổ học viện có nhiệm vụ bảo tồn tất cả cổ tích trên toàn cõi Việt Nam. Điều 4 Sắc lệnh 65 ghi rõ: “Cấm phá hủy những đình, đền, chùa, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện thành quách cùng những lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở, có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”.

Nếu không có giải pháp quyết liệt, chắc chắn di sản sẽ nhanh chóng biến mất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn di sản chưa xếp hạng: Lỗ hổng lớn của luật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO