Bảo tồn không gian làng truyền thống: Không thể ‘bảo tàng’ hóa

Minh Quân 21/08/2021 06:30

Không gian làng truyền thống được xem là “kho tàng” lưu giữ văn hoá, lịch sử và những bản sắc riêng của dân tộc. Nhưng với sự thay đổi của cuộc sống, các giá trị đặc biệt này đang dần bị mai một bởi nhiều sự chi phối.

“Lỗ hổng” trong quy hoạch

Hiện nay vùng đồng bằng sông Hồng có khoảng 7.500 làng truyền thống có lịch sử hình thành từ hàng ngàn năm, cấu trúc ổn định phổ biến khoảng từ 400-500 năm, mới nhất là khoảng 200 năm tại vùng lấn biển Thái Bình, Ninh Bình.

Qua khảo sát của Viện Bảo tồn di tích hiện có khoảng 50 làng truyền thống tiêu biểu trong vùng như Ước Lễ (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang), Phù Lãng (Bắc Ninh), Cổ Am (Hải Phòng), làng Nôm (Hưng Yên), làng Keo (Thái Bình), làng Hành Thiện (Nam Định)… và các không gian này dù đã mai một vẫn còn rất phong phú, cả về số lượng lẫn loại hình. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia bảo tồn, kiến trúc thì nguy cơ bị “đô thị hoá” của các không gian làng truyền thống này trong thời gian tới là đầy những tiềm ẩn.

Ở đó, trong đồ án “Quy hoạch xây dựng nông thôn” thì nội dung quy hoạch sử dụng đất, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và quy định quản lý quy hoạch có đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn các di sản làng xã thông qua việc khoanh vùng các di sản, định rõ chức năng và các định hướng cải tạo, bảo tồn công trình kiến trúc. Nhưng thực tế cho thấy, các nội dung bảo tồn mới chỉ được làm rõ trong Luật Di sản văn hóa.

Trong các đồ án quy hoạch nông thôn, nội dung này chưa được quy định mang tính pháp lý, bắt buộc, chưa cụ thể, nhất là với các di sản chưa phải là di tích. Sự quan tâm đến vấn đề di sản trong các đồ án ở từng địa phương là khác nhau, dẫn đến vai trò của đồ án quy hoạch đối với việc bảo tồn di sản chưa được phát huy.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn các di sản trong làng truyền thống với những đặc trưng riêng nhưng người thiết kế quy hoạch vẫn chưa có đủ cơ sở để thiết lập, cả về lý luận và thực tiễn. Thực tế, di sản làng xã truyền thống không thể bảo tồn theo hình thức “bảo tàng hóa” mà nó là các di sản sống, có giá trị với cuộc sống đương đại và cũng có những sự thay đổi theo yêu cầu của cuộc sống, cần phải có một cách tiếp cận bảo tồn mới.

Ngoài ra, hiện nay ranh giới khoanh vùng bảo tồn di tích chưa thống nhất với không gian cần bảo tồn, kết nối trong quy hoạch. Các di tích thường được khoanh vùng bảo vệ trong phạm vi hẹp, tường rào của công trình hiện hữu. Hay hiện tượng “cổng chào hoá” các cổng làng đang nhiều địa phương áp dụng vô tội vạ. Đây là những hạn chế vì phạm vi không gian của di tích gốc thường rộng hơn. Vấn đề này một phần cũng do yếu tố của lịch sử phát triển của làng truyền thống.

Phát triển nhưng không đoạn tuyệt quá khứ

Nhìn nhận thực trạng này, PGS.TS. Phạm Hùng Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng phân tích, hiện nay việc bảo tồn di sản văn hóa ở nông thôn chưa được quan tâm đầy đủ. Giai đoạn này đã thay đổi nhưng vẫn ở mức độ giữ nguyên, không phá bỏ, chứ ít có điều kiện tu bổ, phát huy giá trị. Phần lớn kinh phí vẫn dành để làm đường, trùng tu công trình tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị, còn không gian cảnh quan chung, như làm lại ao làng, cổng làng... cho sạch đẹp, không phải địa phương nào cũng làm tốt.

Ông Cường cũng dẫn chứng việc quy hoạch thường sẽ phải có đất ở, làm đường mới, nếu không coi trọng di sản, hoặc đôi khi không để ý, sẽ xóa dấu tích cũ, như cổng làng, giếng nước... làm mất dần bản sắc nông thôn truyền thống. Đơn cử, mọi người không còn dùng nước giếng nữa, giếng làng bị bỏ hoang, thậm chí ô nhiễm, nhiều nơi chọn lấp đi, nhưng nếu không gian ấy được bảo tồn sẽ gợi lại lịch sử, lưu giữ quan niệm về gìn giữ nguồn nước, sống hài hòa với thiên nhiên.

Hay cổng làng xưa lối vào nhỏ, nhiều người muốn phá bỏ để lấy chỗ rộng cho ô tô đi; lũy tre làng không còn để bảo vệ làng nữa nên chặt bỏ, quán làng không cần dùng làm nơi nghỉ trưa trên đồng nên phá đi… “Nhưng nếu cứ nghĩ như thế thì tất cả dấu ấn văn hóa lịch sử thân thuộc đều mất hết; lối sống, tập quán của cộng đồng sẽ phai nhạt” - ông Cường nói.

Còn theo KTS Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, bộ mặt làng truyền thông đang dần bị phá vỡ bởi các kiểu nhà vay mượn, sao chép, bắt chước ở các thành phố mọc lên. Nguyên nhân của thực trạng này, một phần là do phương thức sản xuất thay đổi người dân không còn hoàn toàn dựa vào cây lúa nữa, mà đã có sự thay đổi về sản xuất, lối sống, dẫn đến nhu cầu khác hơn so với truyền thống. Một mặt thì tác động của đời sống văn minh như việc có điện, giao thông đi lại thuận tiện, đường sá mở mang rộng rãi. Rất nhiều nhà nông, làm ăn có tiền, lại không hề biết về giá trị kiến trúc truyền thống của làng quê từ bao đời nay nên sẵn sàng phá bỏ để xây mới cho “theo kịp thành phố”.

Nhưng ông Đức cũng nhận định, không thể hoài niệm để khăng khăng giữ cái cũ hoàn toàn, mà phải có sự chuyển đổi theo hướng hiện đại, văn minh hơn để phù hợp đời sống mới. Trong ngôi nhà nông thôn bây giờ có thể lắp điều hòa, có đường dây điện, trang bị những tiện nghi, nhưng phải tính đến sự hài hòa. Kiến trúc hiện đại phải kết nối với truyền thống, dù gì cũng không thể đoạn tuyệt với quá khứ. Ngôi nhà ở nông thôn chủ yếu tôn trọng hướng nhà, cấu trúc đơn vị ở có lớp lang như cổng ngõ sân vườn bao quanh, cây xanh và mặt nước, cái đó đô thị muốn cũng rất khó. Phát triển phải dựa trên truyền thống, chứ nếu phát triển mà quay lưng lại quá khứ thì cũng rất đáng lo ngại.

“Hãy bắt đầu ngay thông qua công tác quản lý từ chính quyền địa phương. Bên cạnh những mẫu nhà để cho dân tham khảo, khuyến dụ người dân xây theo, cũng nên nghĩ đến chính sách cho kiến trúc sư về nông thôn hướng dẫn, như kiểu chính sách cho giáo viên vùng cao, vùng sâu. Cũng phải tính đến việc xây dựng phải có phép ở làng truyền thống, như vậy mới mong kiểm soát được” - ông Đức bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn không gian làng truyền thống: Không thể ‘bảo tàng’ hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO