Bảo tồn, phát huy văn hóa Chăm

Quốc Nam - Thy Vân 08/08/2016 20:00

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Chăm trong công cuộc phát triển bền vững đất nước”, ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm - An Giang 2016 vừa diễn ra huyện An Phú, tỉnh An Giang. Nhiều hoạt đồng nghệ thuật được tổ chức nhằm khắc họa rõ nét đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Chăm. Đồng thời, hội thảo khoa học “Văn hóa đồng bào Chăm với việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng đã được tổ chức.

Biểu diễn nghệ thuật bên tháp cổ.

1. Dân tộc Chăm với truyền thống lịch sử và nét đẹp văn hóa đặc sắc đã góp phần quan trọng làm phong phú, đa dạng bức tranh văn hóa, xã hội rộng lớn của 54 dân tộc anh em cùng sống trên đất nước Việt Nam. Theo thống kê, người Chăm ở An Giang hiện có khoảng 15.000 người, sinh sống tại 9 làng Chăm. Tiếng nói Chăm, chữ viết Ả Rập (Mẫu tự PAli) vẫn còn duy trì và dạy ở các thánh đường Hồi giáo tại 5 xã: Vĩnh Tường, Quốc Thái, Nhơn Hội, Đa Phước và Khánh Bình.

Năm nay, ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm - An Giang có sự góp mặt của 10 tỉnh, thành có đông đồng bào Chăm tham gia, vì thế sự hấp dẫn của nhiều tiết mục nghệ thuật cũng đã tăng lên. Ngày hội hướng vào 5 hoạt động chính, gồm: Liên hoan nghệ thuật quần chúng; giới thiệu văn hóa ẩm thực, triển lãm và nghề truyền thống; hội thảo “Văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc xây dựng và phát triển bền vững đất nước”; giao lưu biểu diễn nghệ thuật, tham quan đất nước - con người An Giang và hội thi thể thao.

Chương trình khai mạc diễn ra tối 15-7 được dàn dựng bởi đạo diễn Đinh Trung Cẩn qua sự cố vấn về nghệ thuật Chăm bởi NSND Đặng Hùng và ngôn ngữ Chăm do Tiến sĩ Phú Văn Hẳn đảm nhận. Chương trình đã tái hiện những sinh hoạt hàng ngày, văn hóa và nền nghệ thuật Chăm qua những bài hát múa cổ truyền và hiện đại như: Lễ hội Roya - Tết yêu thương, Bài ca thăm lúa, An Giang miền đất đứng (sáng tác: Phan Ngọc), Người Chăm vui hội (sáng tác: Vy Nhật Tảo), Mùa xuân trên tháp cổ (sáng tác: Amư Nhân)…

Đêm diễn có sự tham dự của các nghệ sĩ, ca sĩ, nhóm múa như nhóm nhạc Mắt Ngọc, nhóm múa Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông sen TP HCM, nghệ nhân dân tộc Chăm’Hroi - Phú Yên, Đoàn nghệ thuật dân tộc Chăm Ninh Thuận, đồng bào Chăm Islam - huyện An Phú - An Giang…

Đây là sự kiện văn hóa lớn, nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp, các ngành và đông đảo người dân, nhất là đồng bào Chăm. Ngày hội năm nay góp phần khẳng định Văn hóa Chăm thống nhất trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, là tài sản vô giá cần được gìn giữ và phát huy, là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Tiết mục văn nghệ trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm năm 2016.

Tối 17/7, chương trình bế mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm năm 2016 tại An Giang đã diễn ra tại huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ban tổ chức đã trao 34 giải A, 19 giải B và 17 giải C cho các chương trình, tiết mục xuất sắc cùng 2 giải phụ cho nghệ nhân cao tuổi nhất và nghệ nhân nhỏ tuổi nhất. Được biết, Ngày hội Văn hóa- Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm năm 2019 sẽ được tổ chức ở Phú Yên.

2. Hội thảo khoa học “Văn hóa đồng bào Chăm với việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước” đã thu hút gần 50 bài tham luận của các đại biểu đến các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà quản lý địa phương… tập trung đánh giá và thảo luận làm rõ các vấn đề như: Những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng Chăm; Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm với việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước; Làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm với việc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cho biết, đồng bào dân tộc Chăm có nguồn gốc ở Nam Trung Bộ nước ta, do những biến động của lịch sử nên di cư khắp nơi. Từ đặc điểm cư trú, tôn giáo, sắc thái văn hóa vùng miền mà người Chăm được chia thành 3 nhóm: Chăm Hroi, Chăm Ninh Thuận-Bình Thuận và Chăm Nam Bộ...

Theo ông Nguyễn Ngọc Phu- Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ VH-TT&DL): Dân tộc Chăm có khoảng 170.600 người, sinh sống tại 35 huyện, thị xã của 10 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang.

Trong di sản văn hóa Việt Nam, dấu ấn văn hóa Chăm thể hiện rõ nét trong kiến trúc, điêu khắc (các đền tháp, phù điêu, tượng thờ) và ở các lĩnh vực khác như: Phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, chữ viết, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, vải thêu, hoa văn, gốm… Thạc sĩ Phạm Văn Thành- Trường ĐH An Giang cho rằng: “Trong quá trình phát triển của mình, người Chăm đã đạt đến trình độ tổ chức cao về mặt xã hội và cũng chính là chủ nhân của một nền văn hóa rực rỡ, độc đáo trên dải đất miền Trung. Nền văn hóa đó không chỉ phong phú về nội dung mà còn đa dạng về loại hình thể hiện”.

Còn TS. Phú Văn Hẳn- Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ nhận định: Do được tiếp nạp thêm nhân tố mới thúc đẩy quá trình hội nhập, đồng bào Chăm ngày nay không ngừng tự vươn lên, hòa nhập vào xã hội văn minh, tích cực tham gia vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đến từ tỉnh Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam) đặt vấn đề: Dù được coi là một dân tộc bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhưng văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một. Bà Hiền dẫn chứng: “Nếu như trước đây, các đội thương thuyền của người Chăm nổi tiếng giỏi giang ở vùng biển Đông Nam Á thì ngày nay, hầu như người Chăm không sống với biển nữa. Thậm chí làng Bỉnh Nghĩa (Ninh Thuận) sống gần biển nhưng không ai làm nghề biển. Những tấm thổ cẩm với họa tiết vô cùng tinh tế, dệt tay cũng được thay bằng vải dệt công nghiệp”.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm, bà Hiền cho rằng, trước hết phải nâng cao nhận thức của cộng đồng dân tộc Chăm, phải để người dân tự hào với chính di sản của họ, từ chỗ tự hào họ sẽ biết cách giữ gìn. Phải chỉ cho họ vì họ đôi khi không biết là mình đang giữ giá trị di sản quý báu trong tay. Đây là trách nhiệm của các nhà quản lý và nhà nghiên cứu...

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, cần tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước. “Sắp tới Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu để phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm. Các sở, ngành, địa phương cũng phải thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm. Bộ VH-TT&DL sẽ kiến nghị với Bộ GD&ĐT về việc dạy chữ viết của đồng bào dân tộc Chăm. Văn hóa, hãy để cho người dân tự sáng tạo, tự thưởng thức thì mới bền vững”, ông Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh.

Văn hóa Chăm với yếu tố bản địa mạnh mẽ đã thu hút sự chú ý của nhiều học giả trong và ngoài nước nhiều thế kỷ qua. Trong đó đáng chú ý là các công trình nghiên cứu của giới khoa học Pháp từ thế kỷ 19, như J. Crawford, A. Bastian, E. Aymonier, L. Finot, E. M. Durand… Đến nay, việc nghiên cứu văn hóa Chăm càng được nhiều nhà khoa học quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn, phát huy văn hóa Chăm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO