Bảo tồn voi: Cần sự vào cuộc quyết liệt

Vũ Anh Tuấn 04/04/2017 14:11

Mới đây, bà con ở xã Quế Lâm (Nông Sơn - Quảng Nam) phát hiện đàn voi hoang dã gồm 7 con. Câu chuyện đó khiến các nhà bảo tồn động vật rất quan tâm. Bởi lẽ, theo thống kê, hiện Việt Nam chỉ còn 160 cá thể voi, trong đó có 100 cá thể voi rừng.

Voi nhà đang được khai thác để phục vụ du lịch. Ảnh: Duy Nguyên.

1. Khoảng giữa tháng 2/2017, người dân xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) đã phát hiện đàn voi gồm 7 cá thể đi kiếm ăn ở bìa rừng, gần khu vực có nhà dân. Vị trí đàn voi xuất hiện được xác định thuộc tiểu khu 454 thuộc rừng phòng hộ xã Quế Lâm, giáp ranh giữa rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Trong số 7 cá thể voi, theo phản ánh của người dân có 1 con voi con.

Trong khi cơ quan chức năng vui mừng vì đã phát hiện ra đàn voi rừng hoang dã thì người dân lại tỏ ra rất lo lắng vì đàn voi hung dữ này có thể gây hại hoa màu và đe dọa người dân đi rẫy như đàn voi rừng được phát hiện tại huyện Bắc Trà My.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của bà con, cơ quan kiểm lâm và chính quyền địa phương đã gặp gỡ, tuyên truyền cho người dân khu vực dân cư thôn Cẩm La để có khuyến cáo người dân không đi vào khu vực voi thường xuyên xuất hiện, tránh những xung đột đáng tiếc giữa người và voi. Đồng thời, hướng dẫn người dân xua đuổi khi voi về làng.

Chính quyền huyện Nông Sơn cũng triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa và tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân địa phương tích cực tham gia bảo vệ, bảo tồn loài voi hoang dã tại địa phương. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cũng vừa ban hành công văn đề nghị UBND huyện Nông Sơn hỗ trợ, phối hợp thực hiện các giải pháp bảo vệ đàn voi rừng, yêu cầu người dân không được tập trung chụp ảnh, quay phim hoặc đi lại, ngủ lại trong rừng nếu không thật sự cần thiết; không được xua đuổi voi con hoặc dùng thuốc nổ, vũ khí để tấn công gây kích động đàn voi.

Hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp đã hoàn chỉnh đề án Quy hoạch Trung tâm bảo tồn voi tại huyện Nông Sơn rộng 19.000 ha rừng tự nhiên. Theo đó, sẽ di dời đàn voi rừng tại xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My về sống chung với đàn voi vừa được phát hiện tại xã Quế Lâm.

2. Từ câu chuyện đàn voi hoang dã xuất hiện gần khu vực dân cư như trên, đặt ra vấn đề làm sao để vừa bảo vệ voi, vừa bảo vệ hoa màu, bảo vệ an toàn cuộc sống của bà con đang sinh cơ lập nghiệp ở đây. Các cơ quan quản lý cần có những biện pháp đồng bộ, đồng thời tránh để xảy ra hiện tượng, nhân việc này, những đối tượng xấu xâm nhập giết hại voi rừng để lấy những bộ phận quý của voi đem bán.

Trong một hội thảo diễn ra tại Đăk Lăk hồi giữa tháng 1-2017 (do Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, Tổ chức Động vật châu Á và Trung tâm Bảo tồn Voi phối hợp tổ chức), các chuyên gia, nhà khoa học nêu ra một con số: Hiện Việt Nam chỉ còn 160 cá thể voi, trong đó có 100 cá thể voi rừng và hơn 40 cá thể voi nhà, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đăk Lăk, Đồng Nai, và Nghệ An.

Trong đó, nhiều ý kiến quan ngại về quần thể voi hoang dã đang sống “thiếu bền vững” trong tự nhiên. Trong khi đàn voi hoang dã đang phải đối mặt với tình trạng săn bắn, diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp làm dẫn đến bờ tuyệt chủng thì voi nhà do các tổ chức và hộ gia đình quản lý chăm sóc riêng lẻ không bảo đảm môi trường sống, nguồn thức ăn thiếu dinh dưỡng, sử dụng vào mục đích du lịch quá sức, voi không có cơ hội gặp gỡ giao phối tự nhiên. Ví như tại tỉnh Đăk Lăk hiện có 25 con voi nhà ở độ tuổi từ 20-40, nhưng hơn 10 năm trở lại đây không sinh sản.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT Cao Chí Công, nhìn lại quá trình bảo tồn quần thể voi Việt Nam thấy rất rõ loài voi đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng mà nguyên nhân là do bị săn bắn để lấy ngà nên số lượng voi đực và voi con còn lại rất ít, thậm chí có đàn không còn voi đực trưởng thành.

Trước đây, việc bắn voi chỉ để lấy ngà thì trong thời gian gần đây, tất cả sản phẩm từ voi như da, vòi, đế chân, răng, xương, thịt đều có thể thu lợi cho đối tượng săn trộm nên voi cái và voi con cũng bị giết. Vùng sinh cảnh cho đàn voi ngày càng bị thu hẹp, xuống cấp khiến tập tính sinh học của chúng bị rối loạn, ảnh hưởng lớn đến sinh sản phát triển cá thể voi và quần thể.

Cũng theo ông Cao Chí Công: “Xung đột người - voi ngày càng gia tăng bởi sự lấn chiếm, phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của con người ở những nơi voi sinh sống khiến cho mối quan hệ “voi giết người - người giết voi” gần như không thể giải quyết được và xu thế tất yếu là voi sẽ bị giết”.

3. Bảo tồn voi (cả voi nhà và voi rừng) là một lĩnh vực bảo tồn loài khó khăn, cán bộ làm công tác bảo tồn voi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rừng sâu, thường xuyên đối mặt với những khó khăn, thậm chí hiểm nguy rình rập, nhưng hầu như chưa ai được đào tạo chuyên sâu về công tác bảo tồn voi.

Một số chuyên gia, nhà quản lý cũng đã chỉ ra các bất cập mà công tác bảo tồn voi tại Việt Nam đang gặp phải, như việc sử dụng voi nhà làm du lịch, tình trạng sức khỏe, sinh sản của voi trong các cơ sở nuôi nhốt và trung tâm bảo tồn, đồng thời cũng đưa ra những đánh giá về mức độ bảo đảm phúc lợi đối với đàn voi. Các chuyên gia cũng khẳng định, muốn thực hiện thành công chương trình thúc đẩy voi sinh sản, thì voi cần được sống trong môi trường tự nhiên, và phúc lợi của chúng cần được bảo đảm ở mức cao nhất.

Cụ thể là chế độ ăn uống của voi phải được đảm bảo, chứ như hiện nay, hằng ngày, mỗi con voi chỉ được cho ăn lượng thức ăn không đủ, lại bị xích chân nhiều tiếng đồng hồ, bị đóng bành (giàn giá gỗ đặt trên lưng) để khách du lịch ngồi lên, thậm chí bị nhổ trộm lông đuôi… thì sức khỏe sinh sản của voi bị ảnh hưởng là điều dễ hiểu.

Do đó, công việc bảo tồn voi phải được triển khai đồng bộ, cả với voi rừng và voi nhà. Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý giúp cho có những chính sách thiết thực, nguồn tài chính hỗ trợ, song song với đó, bà con cũng cần có những sự hưởng ứng thông qua hành động.

Bởi nếu không, thì đúng như TS Willem - bác sĩ thú y người Hà Lan, đã cảnh báo: “Thời gian cho voi Việt Nam đang ít dần. Nếu tình trạng như hiện tại cứ kéo dài thì khoảng 10-15 năm tới đàn voi của Đăk Lăk sẽ không còn”.

Xung đột người - voi ngày càng gia tăng bởi sự lấn chiếm, phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của con người ở những nơi voi sinh sống khiến cho mối quan hệ “voi giết người - người giết voi” gần như không thể giải quyết được và xu thế tất yếu là voi sẽ bị giết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn voi: Cần sự vào cuộc quyết liệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO