Bão và áp thấp nhiệt đới

Nguyễn Thanh Đức (Nguồn tham khảo: Wikipedia) 19/08/2017 07:10

Nước ta đang trong mùa bão. Tới thời điểm này 4 trận bão đã đi qua. Tuy nhiên từ nay cho đến hết mùa, bão vẫn còn là mối đe dọa đối với tất cả mọi người, trong khi Việt Nam được coi là quốc gia hứng chịu nhiều trận bão trong năm. Bão và áp thấp nhiệt đới là hiện tượng thiên nhiên đi cùng nhau, nối tiếp nhau, thường để lại nhiều hậu quả to lớn cho con người ở những nơi chúng đi qua.

Hậu quả từ những trận bão

Bão là hiện tượng gió mạnh kèm theo mưa rất lớn do có sự xuất hiện và hoạt động của các khu áp thấp. Theo định nghĩa quốc tế, bão biển nhiệt đới phải có gió nhanh hơn 63 km/giờ, nếu gió yếu hơn 63 km/giờ, gọi là áp thấp nhiệt đới. Nếu gíó mạnh hơn 118 km/giờ thì thường được gọi là siêu bão (cuồng phong). Cũng có khi bão có sức gió lên tới hơn 241 km/giờ. Lúc đó, hậu quả do nó gây ra là rất lớn.

Bão biển (hay cũng có thể gọi là bão nhiệt đới) hình thành trên Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Điều kiện cơ bản để hình thành bão là nhiệt độ cao và những vùng dồi dào hơi nước: khi nhiệt độ cao sẽ làm cho hơi nước bốc lên mạnh và bị đẩy lên cao, tại khu vực đó một tâm áp thấp hình thành.

Do sự chênh lệch khí áp, không khí ở khu vực lân cận sẽ tràn vào. Tại tâm bão (mắt bão) không khí chuyển từ trên xuống dưới. Xung quanh tâm bão không khí bốc mạnh lên cao ngưng tụ thành một bức tường mây dày đặc, tạo ra những cơn mưa cực lớn và gió xoáy rất mạnh. Khi đi vào đất liền hoặc vùng biển lạnh ở các vĩ độ cao, bão mất nguồn năng lượng bổ sung từ không khí nóng ẩm trên biển, cộng với đó là ảnh hưởng của lực ma sát với mặt đất nên suy yếu dần và tan đi, thành áp thấp và hoàn lưu bão. Trong nhiều trường hợp, lúc đó sẽ xuất hiện mưa lớn.

Ở Việt Nam, bão phát sinh từ tháng 5 đến tháng 12 trên Biển Đông. Sau khi phát triển mạnh, bão di chuyển theo hướng từ Đông sang Tây, về phía đất liền và thường tan đi khi đã đổ bộ vào bờ biển. Từ Bắc vào Nam mùa bão chậm dần phù hợp với sự di chuyển của dải hội tụ nhiệt đới: từ Móng Cái - Thanh Hoá (tháng 7,8), Thanh Hoá - Quảng Trị (tháng 9), Quảng Trị - Bồng Sơn (tháng 10), Bồng Sơn - TPHCM (tháng 11), TPHCM - Cà Mau (tháng 12).

Tuy nhiên, do biến đổi của thời tiết, nên sự xuất hiện của bão cũng không còn như trước, có nghĩa là chúng có thể xuất hiện sớm hơn hay muộn hơn; số lượng các cơn bão uy hiếp miền Trung có cảm giác như ngày một nhiều hơn. Năm 2006 được coi là năm xuất hiện nhiều trận bão mạnh đối với nước ta, đó là: bão Chanchu (tháng 5), bão Xangsane và Cimaron (tháng 10), bão Chebi (tháng 11), bão Durian và bão Utor (tháng 12).

Nước ngập nhấn chìm Lousiana (Mỹ) trong một trận bão năm 2005.

Trên thế giới, người ta ghi nhận rất nhiều trận bão lớn mà sức tàn phá của nó rất khủng khiếp. Cơn bão Tip xuất hiện vào năm 1979 gần Micronesia, phía Tây Thái Bình Dương, đường kính bão lên tới 2.200km đã phá vỡ mọi kỷ lục về quy mô và cường độ trong lịch sử. Ngày 12/10/1979, bão Tip hình thành trên Thái Bình Dương với sức gió 305km/giờ nhưng khi đến khu vực đất liền thuộc đảo Honsu thì còn ở mức 130 km/giờ. Bão Tip tạo nên 600 trận lở đất ở Nhật Bản, phá hủy 22.000 ngôi nhà và khiến 86 người chết.

Trước đó, năm 1973, siêu bão Nora xuất hiện ở phía Đông Philippines vào ngày 1/10. Cơn bão nhanh chóng mạnh lên trong 4 ngày với sức gió 298km/giờ. Bão Nora quần thảo đảo Luzon của Philippines 6 ngày làm nhiều người chết, nhiều công trình xây dựng bị phá hủy.

Năm 2005, bão Katrina gây tổn thất nặng nề nhất từng đổ bộ vào nước Mỹ. Cơn bão đã tàn phá nặng nề vùng duyên hải vịnh Mexico từ Trung Florida cho đến Texas, phần lớn thiệt hại là do sóng biển dâng. 80% thành phố và những khu vực rộng xung quanh đã bị ngập trong nhiều tuần. Thiệt hại vật chất lớn nhất xảy ra tại các vùng ven biển, trong đó có những thị trấn bên bờ biển Mississippi: hơn 90% các khu vực này cũng đã bị ngập. Thành phố New Orleans lần đầu tiên trong lịch sử phải ra lệnh sơ tán vì 70% diện tích nằm dưới mực nước biển, và sóng cồn dự kiến đạt độ cao kỷ lục là 8 mét trên mức thủy triều thông thường.

Cẩn thận với mưa lớn hoàn lưu bão
Áp thấp nhiệt đới là một hiện tượng thời tiết phức hợp diễn ra trên diện rộng trên biển hoặc đất liền khi có hiện tượng gió xoáy tập trung quanh một vùng áp thấp, nhưng chưa đủ mạnh để gọi là bão.
Những vùng có khí hậu nóng của vùng nhiệt đới, trên đại dương hoặc trên biển nhiệt đới thường hay xuất hiện áp thấp nhiệt đới. Khi nó mạnh lên vì liên tục phát triển đủ năng lượng thu hút gió và hơi nước sẽ trở thành bão. Thông thường với sức gió là cấp 5 hoặc cấp 6 thì gọi là áp thấp nhiệt đới.
Nếu như khi hình thành trên biển, áp thấp chưa đủ mạnh để thành bão thì tác hại của chúng cũng chưa nhiều, chủ yếu là tác động đến sự hoạt động của tàu thuyền trên biển. Nhưng nếu áp thấp sau bão, có nghĩa là khi bão đã vào đất liền và suy yếu thành áp thấp thì đôi khi tác hại của nó gây ra rất khó lường.

Hhaing The Yu, 29 tuổi, ôm mặt khóc khi những hạt mưa vẫn tuôn rơi trên đống đổ nát sau trận bão kinh hoàng cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người vô tội. Chỉ riêng thị trấn Bogalay, cách Yangon (Myanmar) 90 km về phía tây nam, đã có 10.000 người thiệt mạng vì bão vào năm 2008.

Nhất là khi đó, áp thấp gây mưa lớn và kéo dài. Những vùng núi cao, mây bị chặn lại, gây mưa dữ dội, thường trên 300mm. Lúc bấy giờ nước tại các con sông, dòng suối dâng cao đột ngột, tạo nên dòng chảy xiết, cuốn băng tất cả những gì chúng gặp trên đường đi.

Nước xiết gây nên ngập úng trong những khu vực rộng lớn, đồng thời gây lũ lụt, sạt lở. Sạt lở đất chủ yếu xảy ra vào thời điểm này. Khi đó đất ngậm nước sâu nên yếu đi, có thể sạt lở bất cứ lúc nào, gây cản trở cho giao thông, đồng thời có thể chôn vùi những ngôi nhà, làm chết người.

Như vậy, hoàn lưu bão khi suy yếu thành áp thấp cần phải được coi trọng không kém gì bão, bởi nếu như trước bão người ta thường cảnh giác thì sau bão sự cảnh giác mất dần đi. Đó chính là thời điểm những trận mưa lớn gây ra hậu họa.

Nước ta đang trong mùa bão nên việc cảnh giác với bão, với áp thấp hoàn lưu bão là vấn đề phải được coi trọng đặc biệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bão và áp thấp nhiệt đới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO