Bảo vệ báu vật Sơn Trà

Vũ Tuấn Dương 21/04/2017 18:00

Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm, cần bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy vậy, trong thời gian qua tại khu vực này đã xảy ra 2 vụ chặt phá rừng, và mới đây, xảy ra việc xây dựng trái phép đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài động, thực vật, trong đó có khoảng 500 cá thể voọc chà vá chân nâu cần được bảo vệ vô điều kiện.

Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà.

Khu bảo tồn thiên nhiên độc đáo

Theo các nhà khoa học, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà vừa có hệ sinh thái đất ướt ven biển vừa có thảm rừng nhiệt đới mưa ẩm nguyên sinh, được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia.

Thống kê cho thấy, nơi đây có khoảng 298 loài thực vật cao thuộc 271 chi, 90 họ, 64 loại gỗ lớn, 107 cây thuốc quý và nhiều giống lan rừng. Nổi tiếng là nơi có thảm thực vật đặc sắc, nguồn gen thực vật nhiệt đới của Sơn Trà rất phong phú với số lượng cá thể lớn có khả năng cung cấp giống cây bản địa phục vụ trồng rừng như: chò chai, dẻ cau, dầu lá bóng...

Bên cạnh đó, Sơn Trà có hơn 100 loài động vật với khoảng 20 loài quý hiếm nằm trong Sách Đỏ cần bảo tồn của thế giới như gà tiền mặt đỏ, trăn gấm, thủy sinh; trong đó voọc chà vá chân nâu được xem là loài thú sinh trưởng đặc hữu của Đông Dương cần được bảo vệ.

Được phát hiện nghiên cứu từ năm 1969, voọc chà vá chân nâu có tên gọi khoa học Pygathrix nemaeus, còn gọi là chà vá chân đỏ hoặc voọc ngũ sắc. Voọc chà vá chân nâu được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu bởi vẻ đẹp khác thường của nó. Loài này thuộc được tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.

Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà được đánh giá là có số lượng cá thể nhiều nhất trên thế giới. Cụ thể, lượng cá thể của loài này chiếm tới 83% số lượng voọc trên thế giới, với khoảng 500 cá thể, tập trung chủ yếu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Voọc chà vá chân nâu không đi riêng lẻ mà thường sống theo bầy đàn, theo từng gia đình, chúng thưởng ăn ngủ trên các vòm cây…

Qua tìm hiểu được biết, Khu bảo tồn Sơn Trà được thành lập năm 1989 trên cơ sở chuyển đổi khu rừng cấm bán đảo Sơn Trà. Năm 2014, Khu bảo tồn Sơn Trà được phê duyệt chuyển tiếp khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh và phân cấp cho thành phố quản lý đến năm 2030 với tổng diện tích quy hoạch là 3.871 ha.

Liên tiếp xảy ra những sự việc phá hoại môi trường

Còn nhớ, cuối năm ngoái, thông tin về việc xây tuyến cáp treo lên đỉnh Sơn Trà đã bị dư luận phản đối. Đặc biệt, các chuyên gia bảo tồn e ngại nếu dự án này được thực hiện, bán đảo Sơn Trà sẽ không còn là “hòn ngọc xanh” của thành phổ biển sinh đẹp này. Khi đó, hệ động thực vật sẽ bị suy giảm. Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sẽ không còn là đất lành cho các loài động, thực vật sinh sôi, phát triển…

Trước đó, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã xảy ra 2 vụ chặt phá rừng, làm mất đi nơi cư trú các loài động vật. Cụ thể, tháng 2/2016, tiểu khu 62 (thuộc khu vực suối Đá Đen, bán đảo Sơn Trà), hơn 4ha rừng bị chặt phá, chủ rừng tự ý khai phá, mở đường lớn đi lại trong khu rừng với độ dài gần 300m và dựng lán trại cho công nhân ăn ở để phát quang, dọn rừng.

Đáng chú ý là sự việc diễn ra cả tháng nhưng kiểm lâm không hay biết mà phải đến khi có phản ánh của người dân, lực lượng chức năng mới phát hiện và xử lý. Thông tin từ Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh cho biết, khu vực rừng bị tàn phá vào tháng 2/2016 là nơi cư trú của 7 - 8 gia đình voọc chà vá chân nâu với khoảng 70 cá thể. Khi rừng bị tàn phá đồng thời khiến sinh cảnh của đàn voọc bị mất, voọc phải di chuyển đi nơi khác.

Vụ phá rừng này khiến đàn voọc chưa ổn định thì tới tháng 6/2016, cơ quan chức năng lại phát hiện thêm một vụ phá rừng nghiêm trọng. Theo đó, tại Tiểu khu 63 rừng Sơn Trà, cơ quan chức năng phát hiện tổng số có 16 cây gỗ rừng tự nhiên bị khai thác với đường kính gốc từ 15-143 cm, khối lượng khoảng 63,4m3, thuộc gỗ thông thường nhóm V, VI, VII gồm các loại chò, nhội, dẻ, sồi, lim xẹt, lòng mang…

Chưa dừng lại, đến tháng 2/2017, UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã phát hiện 68 trường hợp xây dựng nhà trái phép để ở, mở hàng quán kinh doanh du lịch trên các vùng rừng thuộc bán đảo Sơn Trà… Đặc biệt có nhiều trường hợp xây dựng nhà kiên cố trái phép cần được xử lý.

Vụ việc này chưa giải quyết xong thì đến tháng 3/2017, tại sườn Tây Nam bán đảo Sơn Trà lại xảy ra việc thi công không phép những căn biệt thự phục vụ du lịch. Tại đây, người ta phát hiện 40 móng biệt thự cùng nhiều xe xúc, xe ủi đang thi công, cày xới cả một sườn bán đảo Sơn Trà. Đây là các hoạt động thi công xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa do Công ty cổ phần biển Tiên Sa làm chủ đầu tư.

Những sự việc liên tiếp xảy ra trong thời gian qua ở bán đảo Sơn Trà đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh cảnh sống của các loài động thực vật ở một khu vực đang được bảo vệ. Đặc biệt là loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm- đã được TP Đà Nẵng chọn làm hình ảnh nhận diện nhân sự kiện năm APEC 2017. Nếu chúng ta không kiên quyết bảo vệ bán đảo Sơn Trà thì không lâu nữa, các loài động, thực vật quý hiếm sẽ biến mất.

Tập tính của loài voọc vá chân nâu là ăn, nghỉ, ngủ trong một thời điểm nhất định, ngay cả thức ăn trong ngày cũng khác nhau và theo từng mùa, chúng chỉ di chuyển trên cây. Do đó, việc phá rừng, xây dựng các khu du lịch và mở đường giao thông trong Khu Bảo tồn đang làm cô lập chúng với chuỗi thức ăn theo tập tính. Được biết, các nhà bảo tồn đã phải nâng mức độ nguy cấp của voọc chà vá chân nâu từ EN (nguy cấp) lên thành CR- cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Thế giới IUCN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ báu vật Sơn Trà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO