Bảo vệ môi trường nước theo lưu vực sông: Tập trung vào thực thi

T.Hương - H.Trang 23/03/2016 11:44

Các chế tài xử phạt hiện nay đối với những vi phạm về bảo vệ môi trường nước các lưu vực sông (LVS) đã có, vấn đề là thực thi chưa tốt. Ngoài biện pháp phạt kinh tế, cần phải có giải pháp kèm theo là khắc phục sự cố xảy ra. Nếu thực hiện một cách nghiêm túc, tôi tin rằng sẽ đủ sức răn đe các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường- Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh tại hội thảo khởi động dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước lưu vực sông” diễn ra tại Hà Nội, ngày 22/3. &n

Ảnh minh họa.

Báo động ô nhiễm nước lưu vực sông

Việt Nam hiện có 3.450 sông, suối, trong đó, lưu vực của 8 hệ thống sông lớn chiếm 81,7% diện tích toàn quốc. Tại hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề LVS trong những năm qua được quan tâm rất nhiều song tình trạng ô nhiễm tiếp tục gia tăng. Chất lượng nước các sông đang diễn biến phức tạp, nhiều nơi bị suy thoái, nhất là các khu vực nội thành, nội thị, các đoạn sông chảy qua các đô thị, khu công nghiệp (KCN), làng nghề. Trong đó, có những nơi báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường như LVS sông Cầu, LVS sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai…

Nguyên nhân chính do việc phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế, đô thị hóa, vấn đề xử lý các chất thải, nước thải các đô thị ven sông ra môi trường. Cùng với đó là vấn đề khai thác các khoáng sản, cát một cách không hợp pháp, trái phép, tác động đến nguồn nước LVS. Bên cạnh đó là vấn đề thói quen bảo vệ môi trường của người dân, xử lý rác sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, rác thải rắn còn thải ra môi trường, chưa được kiểm soát chu đáo, tác động từ bên ngoài vào các LVS.

Chẳng hạn, LVS sông Cầu là nguồn cung cấp chủ yếu nước cấp sinh hoạt và công nghiệp cho 6 tỉnh và một phần Thủ đô Hà Nội. Với việc phát triển khai thác và chế biến khoáng sản ở Bắc Cạn và Thái Nguyên; mở rộng sản xuất tại các làng nghề khu vực trung và hạ lưu gồm Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và tốc độ đô thị hóa cao nhưng phần lớn các đô thị này chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung dẫn đến sự ô nhiễm LVS. Đặc biệt, do sự mở rộng nhanh chóng của các KCN, CCN trong khi hệ thống xử lý nước thải chưa có hoặc vận hành không đúng quy định... nên môi trường nước mặt LVS sông Cầu bị ô nhiễm rõ rệt.

Bó tay với doanh nghiệp xả thải trộm?

Theo đại diện Sở TNMT tỉnh Bắc Giang, thời gian qua tỉnh đã có những điều tra, quy hoạch và có phân vùng khu vực hạn chế xả thải của các làng nghề, nhà máy ven sông nên cũng phần nào hạn chế được điều này. Tuy nhiên, khó khăn là có những doanh nghiệp xả thải trộm, thường chờ lúc cơ quan quản lý nhà nước vắng mặt vào ban đêm, các ngày nghỉ, ngày lễ… để xả thải ra môi trường. Trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước với nhân lực mỏng không có đủ lực lượng thường xuyên giám sát nên khó tránh khỏi bị động.

Giải pháp được đưa ra là tham mưu với chính quyền địa ban hành chính sách có sự tham gia tích cực của người dân tại chính địa phận đó. Nếu có sự tham gia giám sát tích cực từ những người dân ở các thôn xã quanh các nhà máy, xí nghiệp và quanh các con sông, chắc chắn họ sẽ có những phát hiện, cung cấp kịp thời để giải quyết vấn đề này. Cần phát huy hơn nữa hiệu quả của các đường dây nóng để người dân kịp thời thông báo với các cơ quan chức năng khi phát hiện sự cố.

Với dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước LVS” giai đoạn 2015 – 2017 do Tổng cục Môi trường- Bộ TN&MT phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện, 6 tỉnh được lựa chọn tham gia thuộc LVS sông Cầu và LVS Đồng Nai gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai. Để dự án phát huy hiệu quả, đại diện các tỉnh cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương. Giữa các tỉnh, thành phố cần thiết phải có những quy định chung về nguyên tắc, sự phân công trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm không phân biệt ranh giới hành chính. Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường LVS liên tỉnh cần phải có sự phối hợp, thống nhất giữa các địa phương trong lưu vực và cùng xây dựng quy chế quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh.

Thu phí bảo vệ môi trường với nước thải

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải trong công nghiệp và sinh hoạt. Theo đó, mức thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp được đề xuất tính theo 2 loại là nước thải không chứa kim loại nặng và nước thải chứa kim loại nặng. Cơ sở sản xuất, chế biến thuộc Danh mục các ngành, lĩnh vực sản xuất có nước thải chứa kim loại nặng nếu xử lý các kim loại nặng đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt thì được áp dụng hệ số K bằng 1. Cơ sở sản xuất, chế biến có khối lượng nước thải dưới 30 m3/ngày đêm, không áp dụng mức phí biến đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ môi trường nước theo lưu vực sông: Tập trung vào thực thi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO